MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Làm sao mà đem kỷ luật Quốc hội được”

22-02-2014 - 16:45 PM | Xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công.

Cơ quan dân cử chỉ quyết định chủ trương, chứ không quyết định dự án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư công tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 21/2.

Ở báo cáo về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến tại dự án luật, Ủy ban Kinh tế cho biết, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự thảo luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Theo đó, tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì hiện nay chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án nhóm A trong kế hoạch đầu tư trung hạn, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho hay.

Theo quy định tại điều 6 thì Quốc hội quy định cụ thể về dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ quy định cụ thể việc phân loại các dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh nguyên tắc “anh nào quyết đầu tư sai, thì anh đó chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cơ quan dân cử chỉ quyết định chủ trương chứ không quyết định dự án, quyết định dự án là cá nhân.

“Ví dụ dự án quan trọng quốc gia đặc biệt Quốc hội quyết chủ trương, nhưng phải ghi liền đó là Thủ tướng Chính phủ quyết định dự án, người quyết định dự án mới là người chịu trách nhiệm”, Chủ tịch phát biểu.

Ông Hùng cũng đề nghị Luật Đầu tư công cần quy định rõ dự án như thế nào là dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C để sau khi ban hành luật thì không còn chuyện Quốc hội ban hành nghị quyết quyết định dự án đặc biệt quan trọng nữa.

Về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan quyết định chủ trương đầu tư, dự thảo luật quy định “người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công thực hiện chương trình, dự án và phải bị xử lý kỷ luật.

Trường hợp người đứng đầu quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả do kết quả thẩm định chương trình, dự án không đúng thì chủ tịch hội đồng thẩm định và các thành viên tham gia thẩm định phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do kết quả thẩm định của mình và phải bị xử lý kỷ luật".

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phân tích, Quốc hội không có người đứng đầu, vấn đề đưa ra xin ý kiến cứ trên 250 đại biểu đồng ý thì là được quyết định. “Ai kỷ luật Quốc hội, không có, nhưng cái ông tham mưu, ông trình, ông thẩm tra nếu sai là bị xem xét”.

Ông cũng đề nghị cần làm rõ vấn đề trách nhiệm, vì trên diễn đàn cũng có đại biểu nói là “Quốc hội không thể vô can”. Nhưng, “nhân dân bầu lên Quốc hội để thay mặt nhân dân, làm sao mà đem kỷ luật Quốc hội được, không có đâu”, Chủ tịch quả quyết.

Vào kỳ họp tháng 5 năm nay, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét và thông qua dự án Luật Đầu tư công.

Theo Nguyên Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên