Làm thêm giờ được "nới lỏng" 300 giờ/năm, doanh nghiệp vẫn than "khó"
Mặc dù các doanh nghiệp dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản… là nhóm đối tượng được quy định làm thêm giờ trong khoảng từ 200-300 giờ/năm nhưng có vẻ như lượng thời gian này vẫn chưa đủ với những doanh nghiệp này.
- 09-07-2015Tiền lương làm thêm giờ, làm đêm được tính như thế nào?
- 24-04-2015Tiền lương làm thêm giờ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 01/5
- 05-03-2015Quy định về tiền lương, tiền nghỉ phép và làm thêm giờ
- 20-08-2014Người giúp việc làm thêm giờ được trả lương gấp đôi lương ngày thường
Áp lực hoàn thành đúng hạn các đơn hàng xuất khẩu khiến họ cảm thấy quy định chỉ như nới lỏng chứ chưa thật sự “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Quy định có quá khắt khe?
Đại diện cho các doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam khắt khe hơn rất nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản 360 giờ/năm, Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng… Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh, khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo…
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc tăng thời gian làm thêm so với mức 300 giờ/năm là một nhu cầu cấp bách để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất mà không vi phạm Luật Lao động.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho hay: “Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà phải làm thêm giờ vì phải trả thêm ít nhất 150% lương cho làm thêm giờ bình thường, tương ứng là tỷ lệ 215% cho làm thêm giờ vào ban đêm, 300% làm thêm giờ vào ngày lễ. Doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu đảm bảo các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp nước ngoài nhưng quy định này của Luật lao động lại làm khó doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau là mình đang tự trói mình”.
Ông Chu Văn An cũng nêu ra một thực tế, những khi tôm do nông dân trúng mùa đem về đến nhà máy quá nhiều, doanh nghiệp không thể không nhận, trong khi nếu nhận sản xuất thì sẽ vi phạm số giờ làm việc và bị khách hàng đánh lỗi là làm không đúng quy định của luật.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng không chỉ bản thân doanh nghiệp muốn tăng thời gian làm thêm giờ mà ngay cả với những người lao động có mức lương trên mức lương tối thiểu vùng vẫn muốn làm thêm để tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, nếu không làm thêm thì người lao động chỉ 4 triệu đồng/tháng, nhưng nếu làm thêm thì lương bình quân 7 triệu đồng/tháng. Thực tế, làm thêm là nguyện vọng của người lao động, vì nếu họ không làm thêm thì thời gian buổi tối họ cũng tìm công việc bưng bê nào đó để có thêm thu nhập.
Trước mắt sẽ đơn giản hóa thủ tục
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, thực tế đây là cuộc đấu tranh giữa người lao động và chủ sử dụng lao động về giảm giờ làm, tăng tiền lương và cải thiện môi trường làm việc.
“Quy định điều kiện làm thêm nhưng chỉ giới hạn không quá 200 giờ mỗi năm mà Bộ Luật lao động quy định có tham khảo quy định của các nước trên thế giới. Họ cũng đưa ra điều kiện ràng buộc làm thêm giờ nhằm hạn chế việc người lao động phải làm tăng ca quá nhiều, dẫn tới chủ sử dụng lao động không mở rộng sản xuất, sức khỏe người lao động không đảm bảo,” ông Bùi Đức Nhưỡng giải thích.
Bộ Luật lao động 2012 đã đưa vào điều kiện để tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ/năm. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận thông tư hướng dẫn những điều kiện để được làm thêm giờ hiện nay đã cũ và còn phức tạp, những điều kiện này sẽ được tiếp thu và sửa đổi trong dự thảo luật mới.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh: Trong luật có quy định có thể tổ chức sản xuất từ 200-300 giờ/năm vì vậy, trước mắt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đơn giản hóa các thủ tục hướng dẫn các doanh nghiệp nào có yêu cầu làm thêm đến 300 giờ. Tuy nhiên, làm thêm giờ phải đảm bảo ba điều kiện: Chủ sử dụng lao động yêu cầu; người lao động đồng ý; và người sử dụng lao động báo trước cho người lao động mấy ngày.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho hay, thực tế đây không phải lần đầu tiên vấn đề thời gian làm thêm 300 giờ/năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu được đưa ra. Khi lấy ý kiến xây dựng luật, rất nhiều doanh nghiệp góp ý và Bộ cũng đã đưa các phương án về mức thời gian làm thêm giờ trình Quốc hội nhưng khi đó chính các đại biểu Quốc hội là chủ doanh nghiệp lại không có ý kiến về vấn đề này.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét việc có đề nghị Quốc hội sửa quy định này của Luật lao động 2012 trong năm 2016 hay không và sửa thì sửa theo hướng nào.
Như vậy, trong thời gian tới, thời gian làm thêm giờ tối đa bao nhiêu là phù hợp có thể sẽ lại được cân nhắc thêm một lần nữa để tạo môi trường sản xuất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam./.
Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, trong đó quy định làm thêm giờ đối với người lao động. Người lao động chỉ được làm thêm không quá 50% số giờ làm việc trong ngày, không quá 12 giờ/ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Nghị định cũng quy định một số trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ/năm là các đơn vị sản xuất, dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước....