Làm thủy điện theo phong trào, trách nhiệm thuộc về ai?
Câu chuyện Chính phủ đề nghị loại ra trên 400 dự án thủy điện đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong những ngày qua.
Bên lề Quốc hội, hầu hết ý kiến đều bày tỏ lo ngại đối với phong trào xây dựng thủy điện ở nhiều địa phương, dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho hiện tại và thế hệ mai sau
Lợi dụng lấy gỗ rừng là chính
Liên quan đến việc Chính phủ vừa loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho biết, ông rất mừng trước sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong điều hành phát triển mạng lưới điện quốc gia, trong đó có vấn đề quy hoạch lại thủy điện.
“Tôi cho rằng, chỉ đạo của Chính phủ vừa qua là một quyết tâm, nỗ lực lớn. Từ lâu tôi đã rất quan tâm tới chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành thực hiện việc rà soát quy hoạch thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A,” ông Vở cho hay.
Cũng theo ông Vở, trong Nghị quyết của Quốc hội lần này cũng cần xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện là bao nhiêu, trách nhiệm thuộc về ai. Phải làm rõ để tránh hệ lụy sau này.
Ông Vở nhấn mạnh: Rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Nói chung là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn Quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì phải xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch.
Lần này, Chính phủ đề nghị loại ra trên 400 dự án thủy điện, trong đó, có 6 dự án thủy điện bậc thang, nhưng diện tích rừng để nhường cho các dự án thủy điện loại ra khỏi quy hoạch này là bao nhiêu, loại ra có mất rừng hay không, các giải pháp thay thế để cho số diện tích rừng mất đi là như thế nào... Tôi đề nghị Chính phủ phải làm rõ. Ngoài ra, Quốc hội cũng nên quy định rõ trong Nghị quyết để xác định trách nhiệm.
Với cách nhìn cẩn trọng, đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lo ngại những thủy điện bị loại bỏ nhưng chủ đầu tư đã kịp phá rừng. Vì vậy, Chính phủ phải có báo cáo đầy đủ. “Làm thủy điện đa số là nhắm vào khai thác rừng, nay “thổi còi” thì họ cũng đã kịp lấy hết gỗ rồi,” ông Minh nói.
Liên quan tới diện tích đất rừng cho thủy điện, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định về trồng lại rừng đã mất cho thủy điện là một điều bất cập, hoàn toàn không có tính khả thi.
Theo quy định, công trình thủy điện lấy bao nhiêu diện tích đất rừng thì phải trồng lại từng đó, tuy nhiên, đất để trồng rừng lại không có. Ngay cả quy định là nộp tiền để cho cơ quan có thẩm quyền trồng rừng cũng là rất hãn hữu, phải tính lại hết sức cẩn thận.
Theo ông Minh, các công trình thủy điện hầu hết là rừng đầu nguồn, chưa nói là rừng nguyên sinh, chúng ta chuyển đổi mục đích rồi dùng giải pháp trồng bù rừng ở nơi khác. Tuy nhiên, không thể lấy rừng miền núi rồi lại đi trồng rừng đồng bằng hay ven biển, dù trồng rừng là tốt nhưng rừng ở mỗi nơi có những lợi ích khác nhau, không thể thay thế.
Thừa nhận có câu chuyện là các nhà đầu tư xin cấp phép thủy điện, ngay sau đó khai thác rừng, bán gỗ và thu lãi ngay, vi phạm luật bảo vệ quản lý rừng. “Tôi theo dõi, có những công trình đáng lẽ lấy 10 ha lòng hồ, doanh nghiệp được tận thu số gỗ, nhưng họ lại lấy đến 15 – 20 ha. Đó là những vụ chúng ta phát hiện ra được, nhưng còn nhiều vụ việc khác thì sao,” ông Minh chia sẻ.
Làm rõ trách nhiệm tham mưu
Đại biểu Trương Văn Vở cũng cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm trong quy trình quy hoạch thủy điện, bao gồm cả trách nhiệm của địa phương, chính quyền địa phương và bộ, ngành liên quan.
Đại biểu nhấn mạnh, phải chỉ rõ trách nhiệm chủ thể trong quá trình làm tham mưu cho Chính phủ bổ sung quy hoạch hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và cả 6 dự án thủy điện bậc thang [vừa qua đã bị loại khỏi quy hoạch – PV] bởi đây là những dự án rất quan trọng, ảnh hưởng đến lưu vực sông vùng hạ lưu.
Đặc biệt, cần xác định rõ diện tích đất rừng bị mất do thủy điện là bao nhiêu, trách nhiệm đó thuộc về ai, từ đó tránh hệ lụy sau này là phải tái lập việc thủy điện làm không đúng quy trình, quy hoạch, vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng theo quy định của Luật.
“Chính phủ đề nghị loại ra trên 400 dự án thủy điện, vậy diện tích rừng nhường cho các dự án bị loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Có mất rừng hay không? Giải pháp thay thế rừng mất đi như thế nào?... Tôi đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ, đồng thời Quốc hội cũng nên đưa rõ trong Nghị quyết để quy trách nhiệm,” ông Vở nói.
Đại biểu Ngô Văn Minh cũng bức xúc: "Quy hoạch thủy điện thích thì đưa vào, không thích thì rút ra, rất đơn giản. Đấy, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bao nhiêu người ý kiến rất mạnh mẽ, nhưng cứ nhất quyết đưa vào quy hoạch.
Bây giờ rút ra, tiền mất bao nhiêu cho đánh giá, khảo sát, cấp phép, tư vấn... thì ai chịu? Nói về thủy điện Sông Tranh 2, cứ nói Thủ tướng chưa cho tích nước. Nhưng phải nói rõ rằng Thủ tướng chưa cho tích nước ở cao trình 175m, nhưng người ta vẫn tích, có khi là ở cao trình 165m rồi, cho nên hai tổ máy vẫn đang hoạt động."
"Vậy tới đây những công trình như Sông Tranh 2 rung, lắc, vỡ thì ai chịu trách nhiệm? Tôi đề nghị phải có hội đồng nghiệm thu các hồ đập để cấp giấy chứng nhận an toàn".
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi “Để tràn lan thủy điện thì trách nhiệm ở đâu, địa phương hay Chính phủ? Nếu Quốc hội không yêu cầu thì toàn bộ mấy trăm dự án bị loại này bây giờ làm hết rồi...
Nhiều đại biểu có chung đề nghị Chính phủ cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác quy hoạch, xây dựng thủy điện, vấn đề trồng rừng thay thế cũng như công tác vận hành thủy điện. Đồng thời phải công khai, minh bạch công tác quy hoạch, đầu tư và khai thác thủy điện để Quốc hội và người dân tham gia giám sát./.
Theo Minh Thúy