MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động tham gia BHXH còn thấp

10-04-2015 - 17:02 PM | Xã hội

Chỉ có 0,5% lao động tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trong khi còn hơn 37 triệu lao động khác không có bảo hiểm sẽ là một thách thức rất lớn đối với vấn đề an sinh xã hội.

Ngày 10/4 tại Đà Nẵng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân-triển vọng và thách thức".

Đảm bảo an sinh cho lao động yếu thế

Luật BHXH sửa đổi, được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/201, đã bổ sung những chính sách mới nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH; Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Đồng thời, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để đảm bảo cân đối thời gian hưởng BHXH của người lao động.

Điểm tối ưu hóa trong Luật BHXH sửa đổi là có nhiều chính sách mới liên quan đến quyền lợi của những người lao động yếu thế như các lao động mùa vụ, người lao động không chuyên trách cấp xã, đối tượng hưu trí; chế độ thai sản; chi phí quản lý BHXH …

Luật BHXH sửa đổi còn mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần; tăng mức trợ cấp ốm đau; minh bạch thông tin BHXH cho người lao động…

Bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua BHXH

Mặc dù những sửa đổi này đều có mục đích mang lại thêm nhiều quyền lợi cho người lao động, nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, Luật BHXH sửa đổi phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình triển khai.

Hiện nay, chỉ có 60-70% người lao động tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc so với qui định của pháp luật. Điều này đã gây khó khăn cho ngành bảo hiểm và cả quyền lợi của người lao động trong quá trình làm việc và hưởng chế độ.

Hiện có 37 triệu lao động nằm trong khuôn khổ tham gia BHXH tự nguyện (23 triệu lao động nông nghiệp và gần 14 triệu lao động khu vực không chính thức). Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện luật BHXH, chỉ có gần 140.000 người tham gia hình thức này, chiếm 0,5% tổng số lao động trong cả nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng (58,5% dân số đang trong độ tuổi lao động) nhưng quá trình già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Điều đó có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu. Điều này sẽ đặt gánh nặng lên ngân sách Nhà nước khi tạo tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam trong dài hạn.

Với quy định mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc và tự nguyện, để đảm bảo tính khả thi, theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cần tăng cường công tác quản lý lao động, thực hiện khai trình lao động theo đúng quy định của các Luật Lao động, Việc làm, Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông thực sự cần được đẩy mạnh để người lao động hiểu và đón nhận khi những thay đổi chính sách BHXH có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và DN.

Bà Đỗ Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục kiện toàn lại bộ máy với việc tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Quan trọng hơn, ngành sẽ tăng cường giám sát, thanh kiểm tra việc đóng BHXH đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, vận động người dân khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện vì quyền lợi của chính họ.

Hiện nay, mới có 167.000/488.000 DN đang hoạt động trong cả nước đóng BHXH cho người lao động, chiếm tỷ lệ 34%. Trong đó, có 11,4 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 22% tổng số lao động), 190.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động.

Ngành BHXH phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động, tương đương với khoảng 28 triệu người tham gia BHXH như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành. Trong đó, có 25 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc và 3 triệu lao động tham gia BHXH tự nguyện.

>>>Chính phủ thống nhất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Theo Hồng Hạnh

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên