Liên tiếp sập giàn giáo: Bộ Lao động thương binh và xã hội nói gì?
“Để xảy ra tình trạng sập giàn giáo liên tiếp là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao”, lãnh đạo Bộ LĐTB & XH nhận định.
- 27-03-2015Sập giàn giáo tại Formosa: Hai năm liên tiếp không được kiểm tra
- 27-03-2015Lộ diện 2 nhà bảo hiểm trong vụ sập giàn giáo Vũng Áng
- 27-03-2015Sập giàn giáo tại Formosa: Trách nhiệm thuộc về ai?
- 26-03-2015Đại diện Formosa đến thăm hỏi nạn nhân vụ sập giàn giáo
- 26-03-2015Sập giàn giáo Formosa do sự cố má phanh hệ thống thủy lực
- 26-03-2015Sập giàn giáo ở Formosa: Nhà thầu Hàn Quốc lên tiếng
Ngày 25/3, vụ sập giàn giáo tại công trường Dự án cảng Sơn Dương (Khu kinh tế Vũng Áng- Hà Tĩnh) khiến 13 người tử vong và hàng chục người bị thương. Trước đó, tại một số công trường khác cũng có hàng chục sự cố sập giàn giáo gây thiệt hại về người.
Trước thực trạng này, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu công tác an toàn lao động tại các công trường có sai sót? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ- Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thưa ông, vừa qua sự cố sập giàn giáo làm rất nhiều người thương vong, khiến dư luận bàng hoàng. Đặc biệt, gần đây nhất là vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng… đã cướp đi sinh mạng 13 người. Là người quản lý trong lĩnh vực an toàn lao động, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Theo báo cáo về tình hình tai nạn lao động trong thời gian qua, số vụ tai nạn lao động và số người chết tăng lên. Tuy nhiên, nếu tính tần suất, số vụ tai nạn lao động/100.000 dân hiện đang có xu hướng giảm.
Nói thế không có nghĩa chúng ta hài lòng khi có thêm một vụ tai nạn lao động, có thêm một người chết, đặc biệt là vụ tai nạn xảy ra tại công trường của Dự án Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) khiến nhân dân cả nước bàng hoàng, đau đớn.
Qua sự việc, đòi hỏi các cấp chính quyền, công đoàn, người sử dụng lao động có ý thức hơn về công tác phòng ngừa tai nạn lao động để giảm thiểu những thiệt hại về người và của.
Tai nạn liên tiếp xảy ra, từ sự cố sập giàn giáo đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông; sập giàn giáo tòa nhà cao nhất Việt Nam (Keangnam, Hà Nội); sập giàn giáo ở Vũng Áng… đã cướp đi sinh mạng nhiều người. Ông có thể lý giải nguyên nhân do đâu?
Sở dĩ để xảy ra tình trạng nêu trên là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn của người sử dụng lao động chưa cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hơn 73% vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua là do ý thức chấp hành luật của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, một phần bản thân người lao động cũng chưa tự trang bị những kiến thức phòng chống tai nạn lao động.
Ngoài ra, sự gia tăng về số lượng, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nên số lượng lao động tăng cao. Do đó, nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn lao động cũng gia tăng.
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn lao động. Ông nghĩ sao về điều này?
Hiện nay việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động của các DN vẫn còn khá nhiều hạn chế.
Theo kết quả điều tra của Cục An toàn lao động- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thời gian qua cho thấy, số DN đầu tư bài bản cho an toàn lao động mới chỉ dừng lại ở các DN dầu khí, DN của nhóm có vốn đầu từ từ các đối tác như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...; còn lại phần nhiều các DN nhỏ và vừa trong nước chưa chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động.
Tuy nhiên, về công tác thanh tra, việc thực hiện quy định đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc trong các DN, tôi phải thừa nhận, hiện còn một số khó khăn. Lực lượng thanh tra lao động cả nước chỉ có gần 500 người nhưng cũng chỉ khoảng 1/3 trong số này thanh tra trong lĩnh vực an toàn lao động.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ sử dụng lao động chưa hiểu đúng hoặc không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động.
Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt với doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động chưa nghiêm, dẫn đến doanh nghiệp “nhờn" với Luật?
Việc xử lý vi phạm của DN được thực hiện theo quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, trước những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, ngoài Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng cũng nên vào cuộc quyết liệt. Ngoài ra, cần có những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chưa tốt trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người giữa các bộ, ngành cũng là nguyên nhân khiến các DN cố tình vi phạm.
Hiện số vụ tai nạn lao động chết người được đưa ra xét xử ít, nên nhiều DN cố tình "trây ì" trong việc thực hiện quy định đảm bảo an toàn cho người lao động.
Vậy theo ông, giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động trong thời gian tới là gì?
Việc đầu tiên là phải nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động.
Người sử dụng lao động cần được đào tạo qua các khóa huấn luyện, có thể là ngắn ngày để biết các quy định xung quanh công tác an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, các DN phải có bộ phận chuyên làm công tác an toàn vệ sinh lao động và tuân thủ quy định một cách đầy đủ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Diệu Linh