MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo méo mó thị trường cạnh tranh

31-07-2014 - 17:18 PM | Xã hội

Trong hơn 1 tháng trở lại đây, vấn đề của các hãng hàng không trong nước thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, trong đó có việc xin thêm cơ chế của Tổng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Liên tục xin cơ chế

Hồi đầu tháng 7, trong phương án cổ phần hóa (IPO) gửi Bộ Giao Thông vận tải, Vietnam Airlines đã xin giữ lại thặng dư vốn cổ phần (khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu thực tế với mệnh giá hàng nghìn tỷ đồng) và tiếp tục được Nhà nước bảo lãnh miễn phí 100%vốn khi mua máy bay sau khi IPO.

Tiếp đó, do lo lắng tình hình kinh doanh khó khăn, người “anh cả” của ngành hàng không lại tiếp tục xin thêm cơ chế như muốn giảm 25% giá các dịch vụ hàng không áp dụng cho cả năm 2014, xin giảm hơn một nửa thuế suất nhập khẩu xăng dầu; xin bán vốn tại công ty con cho Tổng công ty vốn đầu tư nhà nước SCIC vì khó thoái vốn theo lộ trình; xin bán vốn tại một doanh nghiệp khác không nằm trong diện phải thoái vốn…

Hơn thế, Vietnam Airlines còn xin cơ quan quản lý làm việc với các nhà chức trách liên quan tại Lào và Campuchia để giúp Tổng công ty điều chỉnh đường bay nhằm giảm giờ bay, tiết kiệm chi phí. Không chỉ xin cho mình, Vietnam Airlines còn lên tiếng xin cho cả liên doanh đang nắm giữ 49% vốn là hàng không Cambodia Angkor Air (K6) được áp dụng giá phí dịch vụ như các hãng hàng không nội địa…

Lý giải cho những kiến nghị này, Vietnam Airlines cho biết đó là để đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội với vai trò là Hãng hàng không quốc gia, đồng thời đảm bảo đời sống cho hơn 10.000 cán bộ công nhân viên!

Các cơ chế mà Vietnam Airlines đưa ra khiến nhiều chuyên gia bức xúc cho rằng, nếu được chấp thuận thì Vietnam Airlines không những đã làm sai bản chất của cổ phần hóa mà còn không công bằng với các doanh nghiệp khác và làm méo mó thị trường cạnh tranh.

Làm “anh” khó lắm…

Được mệnh danh là “ông lớn” của khối doanh nghiệp nhà nước với quy mô tài sản khổng lồ lên tới hơn 57.000 tỷ đồng, và là người “anh cả” trong ngành hàng không với tuổi đời lớn hơn rất nhiều so với các “em” vừa chập chững cất cánh được vài năm nay, thế nhưng những gì Vietnam Airlines đang thể hiện với các “đàn em” lại khiến cho cả giới quan sát không mấy tâm phục khẩu phục.

Trong hoạt động kinh doanh hàng không, Vietnam Airlines đã có nhiều năm làm ăn thua lỗ, và 6 tháng đầu năm nay dự kiến lỗ khoảng 160 tỷ đồng (trong đó riêng Hãng hàng không Vietnam Airlines dự kiến lỗ 177 tỷ) dù được ưu đãi rất nhiều.

Vietnam Airlines kêu khó, kêu lỗ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không đầy khó khăn, nhưng khi có các hãng bay tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư và “chia lỗ” để chia sẻ trách nhiệm vận chuyển người dân thì “anh cả” lại có những hành xử kỳ lạ (xin ưu tiên sử dụng các dịch vụ mặt đất như xe thang, ống lồng, xe chở hành lý, ra vào đường bay, và tiếp tục xin thêm cơ chế khi gặp khó khăn), là một trong các nguyên nhân khiến cho các hãng sinh sau đẻ muộn khó cạnh tranh nổi phải lần lượt phải rút khỏi thị trường.

Hơn nữa, có bề dày lịch sử hoạt động khá lâu nhưng Vietnam Airlines cũng không tránh khỏi những sai sót, những sự cố như mọi hãng hàng không khác, chẳng hạn như bị rơi lốp, cháy động cơ, máy bay suýt va vào nhau, hành khách mở cửa thoát hiểm, tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao...

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an ninh hàng không 6 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhắc nhở chân tình và nghiêm khắc Vietnam Airlines làm người "anh cả" thì phải tạo điều kiện cho các hãng hàng không sinh sau, cho “các em” cùng phát triển, chứ không phải là việc cạnh tranh không lành mạnh.

“Làm anh khó lắm”, không phải làm anh thì có thể dễ dàng “đì” những người em bằng các cơ chế ưu ái xin được. Không chỉ Bộ trưởng Thăng mà tất cả người dân đều mong muốn, các hãng hàng không phải cạnh tranh lành mạnh làm sao để ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho hành khách thông qua các dịch vụ hàng không tiên tiến, giảm giá vé cho người dân để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch quốc tế.

>>> Vietnam Airlines không dễ thoái vốn

>>> Lo kinh doanh khó khăn, Vietnam Airlines xin thêm hàng loạt cơ chế


Tùng Lâm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên