Luật Giao thông đường bộ: Phát sinh nhiều hạn chế sau 6 năm
Qua 6 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế và cần sự chung tay của các bộ, ngành, các Sở GTVT và cả các doanh nghiệp vận tải góp ý, sửa đổi Luật.
- 14-01-2016Hạ tầng giao thông phải đi trước phát triển kinh tế
- 13-01-2016Người vi phạm giao thông nộp phạt gần 150 tỷ ở Hà Nội
- 10-09-2015Vi phạm Luật Giao thông đường bộ: Tăng mức phạt tới 10 lần
- 30-07-2015"Siết" quản lý dự án BOT giao thông đường bộ
- 13-11-2014Bộ Giao thông Vận tải: Giá cước vận tải đường bộ có thể giảm từ 5,6 – 8%
Bộc lộ nhiều hạn chế
Sau khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực, hệ thống giao thông đường bộ phát triển, công tác bảo trì đường bộ được tăng cường hơn trước; công tác quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, công tác đổi mới quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho rằng Luật này đã phát sinh hạn chế như: Phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh trong khi vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tai nạn giao thông giảm liên tục nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng còn nhiều…
Ngoài ra, một số lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được thể hiện trong Luật Giao thông đường bộ 2008 như: Luật đang quy định Giấy phép lái xe theo số chỗ ngồi, trong khi thực tế có cả xe chỗ nằm và chỗ đứng; Luật cũng chưa quy định phân loại Giấy phép lái xe số tự động và số sàn. Khi xảy ra sự cố đường bộ, Luật mới quy định trách nhiệm đối với lái xe ô tô vận tải khách còn chưa có quy định trách nhiệm cụ thể với lái xe ô tô vận tải hàng hóa. Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng chưa quy định cụ thể về chủ phương tiện cũng như trách nhiệm của chủ phương tiện mà mới quy định trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa đối với hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, một trong những bất cập của Luật Giao thông đường bộ 2008 đó là đưa ra nhiều luật để khống chế vận tải hành khách tuyến cố định.
“Bến xe là kết cấu hạ tầng nên bị đánh thuế rất nặng, mức thuế này đè lên chủ xe, hành khách. Các tỉnh, thành phố cũng có suy nghĩ bến xe trong nội đô nhếch nhác thì điều chuyển ra ngoài nhưng nếu điều chuyển xa thì lại càng có xe dù, bến cóc. Rồi quy hoạch bến xe, TP. Hải Phòng nhỏ như vậy mà cho quy hoạch xây dựng đến 5 bến xe, trong đó 1 bến xe sắp phá sản. Còn TP. Đà Nẵng chỉ hơn 1 triệu dân mà xây 2 bến xe to. Ngành giao thông đầu tư gần 190.000 tỉ đồng cho kết cấu hạ tầng nhưng giá thành vận tải đã có dấu hiệu giảm chưa?”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Bổ sung thêm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ và bổ sung trong Luật về việc xe sử dụng phần mềm Uber, Grab. Do tính kết nối rất nhanh nên với những xe không có mào, mũ như taxi nên có thể ảnh hưởng đến sự cạnh tranh bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi sử dụng phần mềm mới.
Chính sách đưa ra không thể vừa làm xong đã vướng
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận, Luật Giao thông đường bộ mới thực hiện được 6 năm nhưng đã bộc lộ quá nhiều tồn tại dẫn đến hiệu lực hiệu quả của quản lý Nhà nước chưa cao đồng thời cũng chưa lường hết được sự phát triển của kinh tế đất nước và thế giới.
Đặc biệt, nhiều điều quy định trong luật trước đây không thực hiện được như đất giành cho giao thông đô thị của 2 thành phố lớn nhất là Thủ đô Hà Nội và TPHCM phải từ 20-26% nhưng thực tế chỉ có 7-8% và Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng không lường được sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân như hiện tại cả nước 45 triệu xe máy, 4 triệu ô tô (mỗi năm tăng 3-4 triệu xe máy và 300.000 ô tô).
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thành Luật Giao thông đường bộ theo hướng người dân, doanh nghiệp được quyền làm theo Luật, cải cách thủ tục hành chính giảm tối thiểu cơ chế xin-cho, tạo thị trường cho vận tải phát triển lành mạnh đồng thời dự báo sự phát triển của đường bộ trong tương lai gồm vận tải đường bộ, vận tải đa phương thức.
“Những thể chế chính sách đưa ra phải đáp ứng thực tiễn, sự sống trong nhiều năm chứ không thể vừa làm xong đã vướng. Việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ là trách nhiệm chung của Bộ GTVT, các đơn vị liên quan, Sở GTVT địa phương. Cơ hội sửa chữa Luật rất khó vì không thể chốc lát làm được mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung trí tuệ, nhân lực, không thể sửa hời hợt”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Báo Chính phủ