MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư của Dương Chí Dũng bác tin nộp tiền thoát án tử

03-01-2014 - 10:09 AM | Xã hội

Trước án tử của Dương Chí Dũng,gia đình bị cáo đã gửi đơn xin cứu xét và niềm tin về việc Dương Chí Dũng có thể thoát án tử càng được củng cố sau khi tìm hiểu về Nghị quyết 01/2001 của TAND Tối cao.

Thế nhưng, Luật sư của ông Dương Chí Dũng lại bác bỏ ý kiến này.

Luật sư: Ông Dũng không thừa nhận tội Tham ô

Ngày 2/1, trao đổi với chúng tôi trước sự việc gia đình ông Dũng có ý định nộp tiền bồi thường để thoát án tử, Luật sư Trần Đình Triển (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, một trong ba luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng) cho biết: "Việc nộp tiền bồi thường là thông tin hoàn toàn không chính xác".

Ông Triển nói rõ: "Nghị định 01 cũng nằm trong Điều 46 của Bộ luật hình sự, có nghĩa nếu họ khắc phục hậu quả thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Nhưng ở đây giảm nhẹ cái gì, ông Dũng có xin giảm nhẹ đâu, vì ông Dũng khẳng định mình không phạm tội tham ô, trong khi đó tội tham ô là mức án tử hình".

Ông Triển nhấn mạnh rất nhiều lần rằng: ông Dũng khẳng định mình không phạm tội thì bồi thường cái gì? Dựa vào điều đó làm gì?
Dương Chí Dũng không thừa nhận tội danh Tham ô tài sản
Dương Chí Dũng không thừa nhận tội danh Tham ô tài sản

"Thông tin chính xác phải từ ông Dũng nói ra chứ người nhà thì làm sao dựa vào đó mà xem xét được", ông Triển khẳng định.

Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin thì đơn kháng cáo của ông Dũng có nội dung là xin xem xét mức độ trách nhiệm trong việc buộc tội bị cáo "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Kêu oan về việc bị buộc tội Tham ô tài sản".

Bên cạnh đó, ngày 26/12, cụ Trần Thị Hương (trú phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng), mẹ đẻ của ông Dương Chí Dũng đã gửi lá đơn gần kín hai mặt giấy A4 có tiêu đề "Đơn xin cứu xét" gửi đến các cơ quan báo chí.

Nói về lá đơn này, ngày 31/12, Luật sư Triển chia sẻ: "Đây không phải đơn kêu oan mà đơn đề nghị xem lại về việc tội tham ô. Anh Dũng có chứng cứ khẳng định được việc mua bán ụ nổi có lịch sử từ ông Chủ tịch HĐQT trước và thông qua hội đồng quản trị, anh ấy chỉ ký thôi chứ anh ấy không biết ai từ phía Nga và Singapore cả, cho nên tại Tòa anh ấy đòi đề nghị đối chất với phía Nga và Singapore, làm rõ vụ việc này".

Theo ông Triển, đây là yêu cầu chính đáng và gia đình mong phải làm rõ được việc đó ra, chứ không thể kết tội một cách áp đặt như vậy.

Gia đình có hi vọng là làm

Theo lời chia sẻ của bà Dương Thị Băng Tâm, em gái thứ ba trong gia đình họ Dương nổi tiếng đất Cảng, thì gia đình bà đang trong cơn bĩ cực, đau đớn và ảm đạm. Sau vụ bê bối của anh trai Dương Chí Dũng mọi thứ đã sụp đổ một cách chóng vánh.

Ngày 1/1, bà Tâm cho biết: “Đọc được thông tin về Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy tội phạm bị tuyên án tử hình hoàn toàn có thể được giảm xuống chung thân hoặc giam giữ có thời hạn nếu tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả. Thông tin này khiến tôi cũng như nhiều người thân khác trong gia đình bớt đi sự lo sợ về bản án tử hình dành cho anh Dũng tới đây”.
Bà Phương (vợ Dương Chí Dũng) kiệt quệ vì chạy tiền lo cho chồng
Bà Phương (vợ Dương Chí Dũng) kiệt quệ vì chạy tiền lo cho chồng

Cũng theo lời bà Tâm, đây chính là niềm tin vào vào đặc ân của pháp luật dành cho ông Dũng. Trả lời về việc gia đình có bồi thường thiệt hại để được xem xét ân giảm hay không, bà Tâm cho biết: “Hiện nay, chị Phạm Thị Mai Phương, vợ anh Dũng đang lâm vào tình trạng khó khăn, kinh tế kiệt quệ. Đến tiền thuê luật sư bào chữa cho anh Dũng chị ấy cũng phải đi vay mượn của nhiều người”.

Bà Tâm cho hay, trong những ngày tới gia đình sẽ họp bàn về việc khắc phục hậu quả trong vụ án Vinalines như Nghị quyết 01/2001 đã nêu.

"Trước mắt phải cứu anh Dũng thoát bản án tử hình để anh có cơ hội được chứng minh phải trái cũng như khắc phục sai lầm. Tôi cũng đã nói chuyện với vợ anh Dũng và mọi người đều thống nhất: Dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản chúng tôi cũng phải cứu anh ấy. Chúng tôi tin và có niềm hy vọng vào đặc ân của luật pháp", bà chia sẻ.

Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP của TAND Tối cao
4.4. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 4.1 và 4.3 Mục 4 này thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).


Theo Thanh Huyền

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên