MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Tổ chức Chính phủ: Không cụ thể nhiệm vụ, khó quy trách nhiệm cá nhân

08-06-2015 - 10:23 AM | Xã hội

Phân công cụ thể nhiệm vụ thì tổ chức thực hiện thuận lợi hơn. Khi có khuyết điểm cũng rõ ai sai, ai chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, thời gian qua còn có sự chồng chéo trong phân công trách nhiệm, nhiệm vụ. Nhiều người cùng phụ trách về một lĩnh vực thì khi có vấn đề không quy được trách nhiệm cho ai. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

- Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thể hiện trong Luật rõ hơn trách nhiệm. Quan điểm của đại biểu thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ rất lớn, là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội nên tất cả vấn đề liên quan kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại… đều thuộc quyền điều hành của Chính phủ, thì đi đôi với đó phải rõ trách nhiệm, nhất là chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.

Tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến phát biểu cần có thêm quy định rõ hơn trách nhiệm của tập thể Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong xử lý vấn đề liên quan.

Vấn đề nào đó xảy ra trong tập thể thì trách nhiệm người đứng đầu là quan trọng nhất. Trách nhiệm tập thể phải quy được trách nhiệm của ai, không phải chỉ nhận trách nhiệm tập thể là xong. Tôi nghĩ ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu. - Dự luật lần này bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch hoạt động của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp để người dân kiểm tra, giám sát. Ở góc độ Trưởng ban Dân nguyện, ông đánh giá thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền: Tôi rất tán thành với điểm đổi mới trên cơ sở tinh thần Hiến pháp 2013 được thể hiện trong dự luật.

Tôi cho rằng công khai hóa là vấn đề rất quan trọng để nhân dân biết và giám sát. Qua đó cử tri đề xuất kiến nghị vấn đề quan tâm; đồng thời theo dõi xem việc giải quyết của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đối với kiến nghị đó như thế nào, diễn biến ra sao trong thực tế cuộc sống.

Việc công khai các hoạt động của cơ quan công quyền để người dân tham vấn, đóng góp ý kiến có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước, gắn bó với dân. Đấy cũng là cơ sở xây dựng niềm tin nơi dân.

- Công khai việc làm tốt để người dân ủng hộ và phát huy nhưng cũng cần chỉ ra những hạn chế, yếu kém và trách nhiệm ở đâu, do ai, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền: Đó là chuyện bình thường. Cái làm được thì công khai cho người dân thấy và tin tưởng thêm. Cái nào chưa làm được thì cũng phải báo cáo, giải trình với nhân dân để có giải pháp giải quyết.

Liên quan đến giải quyết kiến nghị của cử tri cũng đều xác định cơ quan nhà nước giải quyết được cái gì, sẽ giải quyết như thế nào. Có vấn đề tác động tới người dân không chỉ có trách nhiệm của một bộ ngành mà của rất nhiều bộ ngành trong cơ chế phối hợp.

Điều gì chưa làm được thì cũng phải thông báo để người dân thông cảm nhưng phải giải trình tại sao chưa làm được. Hạn chế bất cập cũng phải báo cáo để tổng hợp ý kiến nhiều người dân hiến kế, tạo điều kiện nền tảng để Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Công khai thì người dân sẽ đánh giá trách nhiệm thuộc về ai; thể hiện tâm tư nguyện vọng và chính kiến, ý kiến khẳng định, đánh giá bên này sai hay bên kia đúng.

Tôi muốn nói cái nào cần không khai nữa thì công khai hơn để người dân hiểu thêm. 

- Qua thực tế có thể thấy nơi nào người đứng đầu thể hiện rõ vai trò của mình thì công việc vẫn “chạy” chứ không phải hoàn toàn do luật chưa hoàn thiện?

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền: Người đứng đầu bao giờ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định cơ chế chính sách và thực thi nhiệm vụ được giao.

Vấn đề ở đây là trong tập thể có trách nhiệm người đứng đầu rồi thì còn trách nhiệm của các thành viên trong tập thể đó đối với từng lĩnh vực, công việc được phân công cụ thể.

Thời gian qua chúng ta còn trùng chéo trong phân công trách nhiệm, nhiệm vụ. Nhiều người cùng phụ trách về một lĩnh vực thì khi có vấn đề không quy được trách nhiệm cho ai cả. Điều này cần rút kinh nghiệm.

Tôi xin nhắc lại một điều, càng phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể thì việc tổ chức thực hiện thuận lợi hơn. Khi có bất cập, tồn tại, khuyết điểm cũng sẽ rất rõ ràng trong việc chỉ ai sai, ai chịu trách nhiệm trước nhân dân.

- Xin cảm ơn đại biểu!.

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên