Lương hưu sẽ đủ sống
Từ ngày 1-1-2016, phí bảo hiểm xã hội sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương của người lao động.
- 05-08-2015Thủ tướng trả lời chất vấn về lương hưu thấp
- 01-08-2015Xem xét tăng lương hưu
- 17-07-2015Công bố hoãn thực thi điều luật “người lao động có lương hưu”
- 15-06-2015Công nhân phải sống được bằng lương hưu
Từ thời điểm 1-1-2016, phí bảo hiểm xã hội của hàng chục triệu người lao động sẽ bắt đầu được thu theo quy định mới.
Theo đó, phí bảo hiểm xã hội sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương của người lao động. Những thay đổi của chính sách bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập hiện tại và lương hưu trong tương lai của người lao động?
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã giải đáp đầy đủ về vấn đề này qua cuộc trao đổi với chúng tôi.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: “Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2016, một số quy định quan trọng liên quan trực tiếp đến chính sách đối với người đóng và thụ hưởng BHXH được sửa đổi.
Trong đó, đang được quan tâm nhất là thay đổi phương thức tính mức thu BHXH, thay vì chỉ tính trên lương, từ năm 2016 BHXH sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương của người lao động (NLĐ).
Theo sự phê chuẩn của Quốc hội, lộ trình thay đổi này thực hiện từ năm 2016 đến 2018.
Sẽ có thay đổi lớn về chi phí
|
Ảnh: THANH HÀ |
* Như vậy phí đóng BHXH sẽ tăng lên đáng kể, bao gồm cả khoản do NLĐ phải tự đóng hằng tháng?
- Tuy tỉ lệ đóng không tăng, nhưng do đóng trên nền lương tăng nên phí BHXH của nhiều người sẽ tăng.
Với tỉ lệ 14% do chủ sử dụng lao động chịu trách nhiệm và 8% do NLĐ tự đóng, phí đóng BHXH của cả hai bên sắp tới đều tăng. Nhưng có sự thay đổi rõ rệt nhất là ở khối doanh nghiệp.
Hiện nay, lương đóng BHXH của NLĐ trong khối doanh nghiệp và một số đơn vị sự nghiệp có thu mới chiếm 40-50% tổng thu nhập. Sắp tới phần còn lại cũng phải tham gia đóng BHXH. Đối với những doanh nghiệp lâu nay chỉ đóng BHXH trên nền lương tối thiểu sẽ có thay đổi lớn về chi phí.
“Lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập chính là để người lao động tích lũy lâu dài, sau này sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn so với mặt bằng hiện nay
Thứ trưởng Phạm Minh Huân
Còn về phía NLĐ, nếu mức đóng mới ảnh hưởng đến thu nhập, làm giảm thu nhập thực tế được nhận thì NLĐ cần kiến nghị để doanh nghiệp tăng bù khoản này vào tiền lương trả cho NLĐ.
Theo như tôi được biết, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã tính toán khả năng tăng thu nhập bù lại khoản đóng BHXH theo quy định mới để thu nhập thực tế của NLĐ không bị giảm sút.
Quy định này áp dụng đối với cả NLĐ trong khối hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước. Nhưng về cơ bản, đối với khối này, cách thu BHXH mới năm 2016 sẽ không ảnh hưởng nhiều vì phần lớn NLĐ có lương và thu nhập gần như trùng nhau, từ trước đến nay cơ bản đã đóng BHXH trên gần hết tổng thu nhập.
|
Người dân P.Bến Nghé, Q.1 lĩnh lương hưu tại Bưu điện TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Kéo dài tình trạng này NLĐ sẽ thiệt thòi
* Thưa ông, nhiều ý kiến từ giới chủ doanh nghiệp và một số chuyên gia kinh tế phân tích rằng hiện nay mức đóng phí BHXH, bảo hiểm y tế... của NLĐ đang ở mức cao nhất trong khu vực. Vậy tại sao còn cần có sự điều chỉnh cách thu khiến chi phí này còn cao hơn nữa, tăng thêm sức ép lên khả năng chi trả lương của doanh nghiệp? Phía NLĐ cũng e ngại liệu chính sách thu BHXH mới có thật sự mang lại lợi ích cho họ, trong khi trước mắt khoản nộp vào đã tăng lên?
- Tỉ lệ đóng BHXH hiện nay của chúng ta là 22%, trong đó NLĐ 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, đúng là một mức khá cao. Nhưng do đóng trên nền lương chưa cao nên con số tuyệt đối đóng vào BHXH của phần đông NLĐ vẫn ở mức thấp.
Đó là do tình trạng nhiều doanh nghiệp hiện đang lấy mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định để làm lương ký hợp đồng lao động chính thức và đóng BHXH cho NLĐ, phần thu nhập còn lại được trả dưới dạng các khoản phụ cấp, thu nhập bổ sung.
Việc này dẫn đến tình trạng nhiều NLĐ cả đời chỉ được đóng BHXH xung quanh mức lương tối thiểu, đến khi nghỉ hưu được hưởng 75% mức đóng, thành ra chỉ được nhận lương hưu thấp hơn cả lương tối thiểu.
Nếu kéo dài tình trạng này NLĐ sẽ thiệt thòi. Chính vì thế, Nhà nước đã nghiên cứu để thay đổi chính sách, quy định đóng BHXH trên tổng thu nhập.
Cũng phải nói rõ thêm là theo điều 90 của Luật lao động mới đang được áp dụng, định nghĩa về lương đã thay đổi, tiền lương bây giờ phải bao gồm cả lương cơ bản, các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung...
Với cách tính phí BHXH mới, từ 1-1-2016 nhiều chủ sử dụng lao động sẽ phải thay đổi mức phí đóng BHXH cho NLĐ vì mức lương nền để tính BHXH tăng lên.
Do đó hiện nay các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị giãn tiến độ thực hiện lộ trình thu phí BHXH theo quy định mới vì lo ngại tăng chi phí vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và hội nhập.
Là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ có trách nhiệm thu thập kiến nghị của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xem xét, cân nhắc có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
* Thay đổi cách tính BHXH như vậy sẽ tác động như thế nào đến lương hưu trí của NLĐ khi hết tuổi làm việc? Lương hưu thấp liệu có phải chỉ do mức lương nền đóng BHXH chưa cao hay còn do cách xác định tỉ lệ lương hưu chưa hợp lý?
- Mục đích của việc đổi mới hệ thống chính sách BHXH là nhằm thực hiện hiệu quả hơn nguyên tắc đóng hưởng, chi trả tốt hơn cho đối tượng thụ hưởng BHXH. Khó khăn nhất của chúng ta trong chi trả BHXH hiện nay là xung quanh bảo hiểm hưu trí, tức là lương hưu của NLĐ.
Mô hình của ta đang áp dụng là mô hình mà Ngân hàng Thế giới và các nước gọi là xác định mức hưởng trước. Hiện nay tuổi thọ của người VN ngày càng tăng, số người thụ hưởng tăng và thời gian hưởng lương hưu kéo dài hơn nên sẽ dẫn đến có tình trạng mất cân đối giữa đóng và hưởng.
Đó cũng là tình hình chung đối với quỹ lương hưu, bảo hiểm hưu trí ở nhiều nước. Nhưng thực tế đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp.
Tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa đối với những NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của nước ta ở mức 75% là thuộc loại cao nhất thế giới.
Lương hưu các nước chỉ xấp xỉ khoảng 50%. Nhưng con số tuyệt đối của họ cao hơn do lương thực tế đóng bảo hiểm hưu trí cao và có thêm nhiều phúc lợi xã hội khác cho người hưu trí. Việc điều chỉnh cách đóng BHXH sắp tới cũng là một giải pháp để tăng tiền lương hưu trí cho NLĐ.
Lộ trình thu bảo hiểm xã hội
Năm 2016
|
Đến 2017
|
Đến 2018
|
Thu trên mức lương và phụ cấp, phụ cấp nào có trong hợp đồng đều phải cộng vào để đóng BHXH.
|
Đóng BHXH trên cả các khoản thu nhập bổ sung, là những khoản người lao động nhận được ngoài lương thường xuyên.
|
Đóng BHXH trên tổng thu nhập, gồm tất cả những khoản người lao động được chi trả. |
Đa dạng các hình thức tham gia BHXH
Một điểm mới của quy định BHXH sẽ áp dụng từ tháng 1-2016 là sẽ đa dạng hóa các hình thức tham gia BHXH. Hiện tại BHXH có hai loại là tự nguyện và bắt buộc. Sắp tới sẽ thêm hình thức BHXH bổ sung.
Đồng thời, trước đây quy định đóng BHXH chỉ giới hạn cho đối tượng có hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên, nay sẽ mở rộng hơn nữa, NLĐ cứ có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên là có thể tham gia đóng BHXH.
Người nước ngoài làm việc ở VN cũng sẽ được tham gia đóng BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc tùy theo công việc, thỏa thuận với chủ sử dụng lao động và việc ký kết hiệp định song phương về BHXH giữa VN và các nước. Đây là một xu thế trong hội nhập quốc tế.
Hệ thống BHXH của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia. Hiện nay đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chiếm 20% số người trong độ tuổi lao động.
Mục tiêu của chúng ta là mở rộng lên 25%, tiến tới là 30% số người trong độ tuổi sẽ tham gia BHXH bắt buộc.
Đồng thời, sắp tới sẽ có những chính sách nhằm tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như không khống chế tuổi trần được đóng BHXH, thu hút NLĐ làm việc phi chính thức, nông dân... tham gia.
Theo đó, NLĐ là công dân VN đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nếu có nguyện vọng thì được tham gia BHXH tự nguyện và khi có đủ điều kiện sẽ được hưởng chế độ hưu trí.
Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ... sẽ được Chính phủ quyết định trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của từng thời kỳ.