Lương, “món nợ” nhiệm kỳ
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
- 16-02-2016Xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương thế nào?
- 23-01-201613.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương
- 03-12-2015Cà Mau không còn tiền trả lương công chức
- 11-11-2015Khó tăng lương công chức trong năm 2016
- 10-11-2015Đã cân đối được tiền để tăng lương công chức từ 1/5/2016
- 10-11-2015Nan giải bài toán tăng lương công chức
Lương cán bộ, công chức vẫn là “món nợ” trong nhiệm kỳ vừa rồi, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chiều 24/2.
Nhấn mạnh tiền lương là vấn đề có cả ý nghĩa kinh tế và xã hội, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng đây vẫn là “món nợ” khi nhiệm kỳ qua có hai lần điều chỉnh dưới “sức ép” của Quốc hội nhưng chưa phải lộ trình tăng lương một cách khoa học.
Hay và... chưa hay
Ghi nhận các kết quả trong nhiệm kỳ qua, nhiều ý kiến tại phiên thảo luận khen báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng là báo cáo hay nhất, đúng yêu cầu tổng kết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phải là hay mà còn bộn bề nhiều vấn đề.
Ông Ksor Phước cho rằng, Chính phủ là cơ quan chấp hành của của Quốc hội thì báo cáo cần làm rõ 5 năm qua theo nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ đã làm được bao nhiêu và còn tồn tại những gì.
Đề cập một số tồn tại nhức nhối cần giải quyết trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng cần đánh giá cho đúng về thực hiện tam nông, hiện nay lĩnh vực này vấn đang là yếu kém nhất.
Bên cạnh đó, những bức xúc mà theo ông đã được cảnh báo hơn 3 nhiệm kỳ là môi trường và biến đổi khí hậu nhưng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là bảo vệ rừng.
Tồn tại nhức nhối tiếp theo được ông Ksor Phước đề cập là vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch đặc biệt là quản lý đất đai. Luật Đất đai mới thông qua 2014 nhưng nguy cơ khiếu kiện về đất đai vẫn không giảm, ông nhận xét.
Ông Ksor Phước cũng tỏ ra sốt ruột khi yêu cầu xây dựng chính quyền chuyên nghiệp trong sạch và hiệu quả được đề ra từ thời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lý luận thì ngày càng hay nhưng thực hiện so với yêu cầu phát triển thì còn lạc hậu.
Mô hình chính quyền đô thị được làm rất chậm so với thực tiễn, cần làm nghiêm túc cho khoá sau. Việc này thực hiện càng chậm thì càng làm chậm sự phát triển của đất nước, ông Ksor Phước góp ý.
Lãng phí trong xây trụ sở, tượng đài
Thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nhiệm kỳ qua Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đặc biệt là đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như trong lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời đã quản lý chặt chi tiêu công, giảm các đoàn đi nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công… Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Trong cải cách hành chính, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, kết quả đạt được chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”.
Theo cơ quan thẩm tra thì bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
VNEconomy