Lương tối thiểu vùng 2016: Không thể nói “suông” khi tham gia TPP
Từ đầu năm tới nay, gần 1.500 công nhân Cty CP Việt Hưng (chuyên may hàng xuất khẩu và sơmi nội địa, ở Q.12, TPHCM) luôn nhận tiền lương bình quân hơn 5,51 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt, trong tháng 8 và tháng 9, rất nhiều công nhân nhận được tiền lương thực lĩnh ít nhất trên 6 triệu đồng.
Trả lương cao hơn quy định
Theo bảng lương tháng 8.2015 mà Cty CP Việt Hưng cung cấp, lương của công nhân (CN) Phan Thị Thanh Phượng sau khi trừ các khoản BHXH, BHYT, BHTN, đoàn phí CĐ, còn hơn 7,76 triệu đồng. Tương tự, CN Phan Vũ Hoài Tuy, thực lãnh hơn 7,15 triệu đồng; CN Nguyễn Thị Thuỳ Dung thực lãnh hơn 9,91 triệu đồng. Người lĩnh thấp nhất trong bảng lương này là hơn 5,76 triệu đồng.
Ông Phan Công Minh - TGĐ Cty CP Việt Hưng - cho biết, Cty có xây dựng thang, bảng lương và đăng ký đúng quy định, mức lương cơ bản Cty đang áp dụng là 3,48 triệu đồng (cao hơn quy định 348.000 đồng). Ngoài ra Cty còn trả lương theo sản phẩm, lương tháng 13 và trả các khoản trợ cấp tổng cộng gần 940.000 đồng/tháng. Cộng với tiền lương bình quân 5,51 triệu đồng/tháng, gần 1.500 CN ở đây mỗi tháng thu nhập bình quân khoảng 6,4 triệu đồng/người.
Đây là mức lương cao hơn nhiều so với tiền lương thối thiểu vùng (LTTV) năm 2015 và cao hơn cả mức LTTV dự kiến sẽ áp dụng tại vùng I trong năm 2016 là 3,5 triệu đồng như Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất trong phiên họp ngày 3.9. “Bây giờ mà chỉ trả lương cho CN theo mức LTTV sẽ không có ai làm việc cho mình đâu. Khi Việt Nam gia nhập TPP, cạnh tranh LĐ gay gắt, DN còn phải tính trả lương, phúc lợi tốt hơn để giữ chân CN” - ông Minh nhận xét.
Không chỉ riêng Cty CP Việt Hưng, mà nhiều DN dệt may, da giày, thuỷ sản ở khu vực phía Nam hiện trả lương cơ bản cho CN cao hơn mức LTTV theo quy định 300.000 - 500.000 đồng. Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty Pou Yuen (TPHCM) - cho biết: Bình quân tiền lương của hơn 83.000 LĐ trong Cty hiện đạt mức trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch CĐ Cty Việt Nam Shamho (huyện Củ Chi, TPHCM) - bổ sung: “Các DN ở Củ Chi hiện đang trả lương cơ bản cho CN là 3,6 triệu đồng/tháng, cao hơn cả mức LTTV dự tính áp dụng trong năm 2016 là 3,5 triệu đồng/tháng”. Còn ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bình Phước - khẳng định: Khi NLĐ ký HĐLĐ thường có mức lương 3-3,1 triệu đồng/tháng, còn thu nhập thực tế của NLĐ, theo báo cáo của các CĐCS đạt 3,8-4,2 triệu đồng/tháng.
Tại Cty CP Gò Đàng (chuyên xuất khẩu thủy sản, KCN Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), dù từ đầu năm đến nay không gặp thuận lợi, nhưng lãnh đạo Cty vẫn duy trì lương tối thiểu cho hơn 2.500 CN là 5,5 triệu đồng. Còn tại Cty CP may xuất khẩu Long An, lương trung bình của CN vào khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
Phải thực hiện đúng luật
Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, đời sống CNLĐ hiện còn nhiều khó khăn, có 19,9% số NLĐ cho biết lương không đủ sống; 72% số NLĐ phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; chỉ có 8% số NLĐ có tích luỹ. Điều này lý giải tại sao có 62% số NLĐ Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống và vì thế NLĐ không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, học hành, nâng cao trình độ.
Nhìn ở góc độ pháp luật, luật sư Trần Phi Đại - Cty Luật Thiện Việt (Đoàn Luật sư TPHCM) - phân tích: Chúng ta vừa kết thúc đàm phán và tới đây sẽ ký kết gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một trong những yêu cầu khi Việt Nam gia nhập TPP là cả DN và Nhà nước phải triệt để tuân thủ các công ước quốc tế mà VN tham gia ký kết cũng như pháp luật trong nước. Mà theo quy định tại Điều 91, Bộ luật LĐ năm 2012, “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện LĐ bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.
Bộ LĐTBXH cam kết với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc thực hiện đầy đủ Điều 91 này vào năm 2017. Do đó, nếu năm nay mà chỉ điều chỉnh mức LTTV ở mức thấp sẽ dồn toàn bộ phần còn lại cho năm sau và như vậy, DN sẽ phải gánh chịu mức tăng quá lớn. Cho nên, việc đề nghị điều chỉnh LTTV năm 2016 của Tổng LĐLĐVN lên 14,4% là phù hợp, còn nếu không cũng không thể thấp hơn mức 12,4% như Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất trong phiên họp ngày 3.9.
Ông Goto Daisuke - Quản lý nhân sự hành chính Cty Takagi (100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất các loại vòi, thiết bị lọc nước, KCN Thăng Long 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên):
Cty chúng tôi hoạt động tại Việt Nam đến nay được 6 năm, hiện có 256 NLĐ. Cty chúng tôi thuộc diện áp dụng mức lương tối thiểu vùng (LTTV) 2 là 2,75 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện nay chúng tôi đang trả lương cơ bản cho NLĐ phổ thông với mức thấp nhất là 2,95 triệu đồng, cao hơn LTTV. Cty chúng tôi luôn có quan điểm là phải tuân thủ pháp luật tại nước sở tại mình đang sản xuất, kinh doanh.
Chúng tôi được biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua “chốt” mức tăng LTTV năm 2016 để trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, LTTV vùng 2 sẽ tăng thêm 350.000 đồng, lên mức 3,1 triệu đồng/tháng. Chúng tôi chắc chắn sẽ trả cao hơn mức LTTV trên. Chúng tôi sẽ tính toán cả các yếu tố khác như mức sống của NLĐ, trượt giá của đồng tiền để có mức tăng phù hợp cho NLĐ, đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu của NLĐ và quỹ lương của Cty.
Ông Yasuo Maegawa - TGĐ Cty SEWS-COMPONENTS Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất bộ kết nối điện ôtô, KCN Thăng Long 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên):
Cty chúng tôi hiện có hơn 900 NLĐ. Hiện Cty đang trả mức lương cơ bản cho CN mới vào Cty là 2,943 triệu đồng/tháng, cao hơn mức LTTV áp dụng nơi Cty đang hoạt động. Ngoài ra, tùy theo vị trí công việc, tay nghề và thâm niên, chúng tôi xếp ở bậc lương cao hơn. Tính cả các khoản trợ cấp, phụ cấp, thu nhập bình quân của NLĐ tại Cty là trên 5 triệu đồng/tháng. 4 năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động tại Việt Nam, Cty luôn tuân thủ pháp luật của Việt Nam, chấp hành tốt việc tăng LTTV. Được biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất với Chính phủ mức tăng LTTV năm 2016 với mức tăng trung bình 12,4% so với năm 2015.
Chúng tôi chắc chắn sẽ tuân thủ, khi có quyết định chính thức của Chính phủ, Cty sẽ bàn bạc, thảo luận giữa các Cty trong tập đoàn hiện đang hoạt động tại Việt Nam để đưa ra quyết định mức tăng cụ thể. Trước khi “chốt” mức lương trả cho NLĐ, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra về mặt bằng giá cả trên địa bàn, nhu cầu sống của NLĐ và bàn bạc cụ thể đối với CĐCS để đưa ra mức lương phù hợp, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. Theo tôi, DN trả mức lương hợp lý, ổn định sản xuất kinh doanh sẽ thu hút được NLĐ, nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng tài chính của Cty. Hà Anh - Quế Chi ghi
Lao động