Màn ảo thuật của giám đốc cuỗm 100 tỷ đồng bỏ trốn
Lập công ty chuyên kinh doanh bất động sản nhưng thực tế chẳng mấy dự án đầu tư thành công. Ký hợp đồng góp 261 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Sông Đà 2 (Công ty Sông Đà 2), để nhận đất; đồng thời huy động người dân số tiền trên để mua đất nhưng chỉ giao cho đối tác gần 156 tỷ, số còn lại Cường dùng chi tiêu cá nhân…
- 09-09-2015Bắt giam nguyên Giám đốc thuộc tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
- 08-09-2015Cán bộ thuế bị bắt vì chiếm đoạt 150 triệu thuế
- 07-09-2015141 bắt hàng chục điện thoại Iphone 5 giá... 2 triệu
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Hồ Xương Rồng, thuộc phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt ngày 12/7/2010, với tổng diện tích quy hoạch hơn 45ha, tổng mức đầu tư dự án hơn 1.019 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thái Nguyên sau đó đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sông Đà 2, có trụ sở tại Km10 đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội thực hiện, với mục tiêu xây dựng khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan theo hướng hiện đại. Công trình khởi công tháng 8 năm 2010 và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2016.
Đến tháng 3 năm 2011, Công ty Sông Đà 2 đã thực hiện được một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Do cần vốn để tiếp tục thực hiện dự án, Công ty Sông Đà 2 đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 09 với chủ đầu tư cấp II là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị mới Hà Nội (gọi tắt là Công ty đô thị mới Hà Nội), có địa chỉ 224 Hoàng Ngân, phường Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, do Lương Xuân Cường (39 tuổi; ảnh dưới), trú 26/128, tổ 68 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm Giám đốc.
Theo nội dung hợp đồng, Công ty đô thị mới Hà Nội thực hiện việc góp hơn 172 tỷ đồng vốn đầu tư, Công ty Sông Đà 2 sẽ chuyển nhượng cho Công ty đô thị mới Hà Nội 156 lô đất, với tổng diện tích 20.314 m². Quá trình thực hiện hợp đồng đầu tư số 09 nói trên, hai bên có 3 lần điều chỉnh, bổ sung hợp đồng và xác định tổng số vốn góp làm tròn là 261 tỷ đồng, tương ứng với số lô đất được chuyển nhượng là 232 lô, với tổng diện tích hơn 30.089m².
Đây là dự án lớn của tỉnh, có vị trí đẹp, nằm giữa trung tâm TP Thái Nguyên nên từ tháng 3 năm 2011, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đã gặp Cường để đăng ký mua đất. Cường thảo hợp đồng vay tài sản của họ và nhận tiền của người dân đăng ký mua đất. Tính đến thời điểm tháng 3 năm 2015, Cường đã thu tiền 232 lô đất, được trên 260 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ chuyển cho Công ty Sông Đà 2 gần 156 tỷ đồng.
Vì thế, Công ty Sông Đà 2 chỉ làm thủ tục chuyển nhượng cho Công ty đô thị mới Hà Nội 125 lô đất. Ngày 13/5/2015, Công ty Sông Đà 2 cũng đã bàn giao 97 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, còn lại 28 giấy hiện nay công ty đang quản lý. Ngày 24/3/2015 Lương Xuân Cường bỏ trốn. Ngày 28/5/2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lương Xuân Cường về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 5/8/2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định truy nã và vận động gia đình, người thân tác động để Cường ra đầu thú. Khoảng 17h ngày 24/8/2015, tức tròn 5 tháng sau khi bỏ trốn, Cường đã đến cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Thái Nguyên đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. CQĐT đã ra lệnh tạm giam Cường để củng cố hồ sơ, làm rõ toàn bộ vụ án và đề nghị xử lý trước pháp luật.
Hiện tại đã có 42 người gửi đơn đến CQĐT tố cáo Lương Xuân Cường chiếm đoạt tiền của họ với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Theo điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thái Nguyên, năm 2004 Lương Xuân Cường từng bị TAND quận Đống Đa, Hà Nội xử phạt 30 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “đánh bạc”.
Năm 2007 Lương Xuân Cường thành lập Công ty đô thị mới Hà Nội chuyên giao dịch, kinh doanh bất động sản, tuy nhiên thực chất các thành viên hội đồng quản trị chỉ là hình thức và không có cổ phần, một mình Cường quyết định mọi hoạt động trong công ty. Tháng 10 năm 2014, Lương Xuân Cường đã bị cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội khởi tố về tội “kinh doanh trái phép”, được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Từng học Đại học Luật Hà Nội và đã nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật nên, Cường đã tìm cách lách luật. Luật không cho phép các công ty huy động vốn của người dân khi dự án chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng Cường đã lách luật bằng cách thảo ra hợp đồng vay tài sản của khách hàng (trong đó có thoả thuận về lãi suất), đồng thời yêu cầu khách hàng ký bản đăng ký mua lô đất thuộc dự án Hồ Xương Rồng, có giá cả cụ thể…
Hợp đồng vay tài sản của khách hàng bản chất là hợp đồng mua đất, được hợp thức hoá một cách khéo léo. Bản thân Công ty Sông Đà 2 cũng yêu cầu công ty của Cường không được phép huy động vốn của khách hàng khi chưa được sự đồng ý của Công ty Sông Đà 2 bằng văn bản. Một cán bộ điều tra cho biết, ngoài hành vi chiếm đoạt tiền, Cường rất tinh vi khi tìm cách bỏ trốn.
Tối 24/3/2015, Cường về quê ở Thanh Hoá, sau đó để lại xe máy Airblade và 1 đôi giày da ở bờ sông đầu cầu Hàm Rồng (xe máy khoá cổ nhưng mở cốp, bên trong để một số giấy tờ liên quan đến hợp đồng Dự án Hồ Xương Rồng), đồng thời vứt áo khoác xuống sông, dựng hiện trường giả như đã tự vẫn, nhằm đánh lạc hướng CQĐT.
Quá trình trốn chạy, Cường vào Phú Quốc rồi mua xe máy đi khắp các tỉnh miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó Cường lên xã Ia Đôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai mua gần 18 ha đất rừng, với số tiền gần 1 tỷ đồng để đầu tư trồng cây nhằm mục đích lẩn trốn và làm lại cuộc đời. Tuy nhiên sau trận mưa to thì bị quét sạch. Chán nản, Cường bỏ về Sài Gòn phiêu bạt, đến lúc biết không thể trốn chạy mãi đã quay về Thái Nguyên đầu thú.
Về số tiền hơn 100 tỷ đồng, Cường khai đã dùng hơn 10 tỷ đồng đánh bạc và cá độ bóng đá, hơn 40 tỷ đồng bù vào các dự án thua lỗ khác, còn lại ăn tiêu chơi bời. Hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Cường.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là, cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa chủ đầu tư cấp I và chủ đầu tư cấp II, nhằm bảo đảm dự án đi đến đích, bảo vệ tài sản của khách hàng nếu không sẽ dẫn đến tình trạng những chủ đầu tư cấp II như Công ty đô thị mới Hà Nội của Cường dù nhận tiền rồi nhưng không thực hiện dự án mà ôm tiền bỏ trốn…
Công an nhân dân