Miền Tây: Giữa tháng 4 mới có nước ngọt
Ngày 5-4, thông tin từ Tổng cục Thủy lợi cho biết khu vực ven biểnĐông, tuy nước từ thượng nguồn đã về đến ĐBSCL nhưng do ảnh hưởng của triều cường nên hiệu quả đẩy mặn chưa cao.
- 17-03-2016Hạn hán và nhiễm mặn sẽ còn gay gắt, nghiêm trọng hơn
- 07-03-2016Báo động tình trạng đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm
- 26-02-2016Nông dân khốn đốn vì lúa nhiễm mặn
- 22-02-2016Đồng ruộng nứt toác, nước nhiễm mặn ở miền Tây
Dự báo sau ngày 12-4, mặn tại các vùng cửa sông Cửu Long mới có thể bị đẩy lùi 10-15 km so với hiện tại và nước ngọt có khả năng xuất hiện tại các vùng cách biển 25-40 km vào lúc triều thấp. Còn khu vực ven biển Tây, độ mặn cũng đang có xu thế giảm và nguồn nước ngọt từ sông Hậu về vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Hậu Giang dự báo sẽ được cải thiện trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 15-4.
Theo ghi nhận, trong hai ngày vừa qua, khu vực đầu nguồn của các tỉnh An Giang và Đồng Tháp bắt đầu thấy mực nước trên các kênh rạch thay đổi, nông dân tranh thủ bơm nước vào ruộng để trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL khuyến cáo người dân chủ động canh thời điểm nước ròng khi độ mặn xuống thấp nhất có thể đo độ mặn rồi bơm trữ trong mương, ao để có thể sử dụng cho việc sinh hoạt, tưới cây ăn trái trong thời gian tới. Bởi vì theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp.
Trên sông Tiền (Tiền Giang), độ mặn có xu hướng giảm nhẹ. Trong khi đó ở huyện Châu Thành (Bến Tre), nhiều nhà vườn cho biết nước mặn có giảm nhưng vẫn còn lợ…
Ngày 5-4, ông Nguyễn Huỳnh Thiên, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Trong ba ngày vừa qua, người dân đem mẫu nước lại điểm đo độ mặn miễn phí tại xã Hưng Khánh Trung B thì độ mặn đã giảm đi đáng kể. Độ mặn được đo trung bình dao động trên-dưới 1 g/lít nên có thể sử dụng bơm tưới vườn cây ăn trái, những thời điểm nước ròng có độ mặn thấp hơn”.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, cho biết địa phương đang theo dõi và quan trắc xuyên suốt, dự kiến sẽ phải chờ đến con nước trong hai đợt từ ngày 10 đến 14-4 và từ ngày 20 đến 25-4 mới hy vọng có nước ngọt. Đối với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về do Trung Quốc xả đập thủy điện hiện vẫn chưa “cảm nhận” được gì. Nếu có nước ngọt, tỉnh cũng chỉ dùng để hỗ trợ bà con trong sinh hoạt và cải tạo đất đai, bởi diện tích lúa gần như đã chết sạch.
Trao đổi với chúng tôi, ThS Trần Minh Tuấn (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết: “Qua quan trắc cho thấy sau ngày 28-3 đến 4-4, mực nước ở các trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) đã tăng, trong đó lưu lượng nước ở Tân Châu trung bình khoảng 3.000 m3/giây, còn Châu Đốc khoảng 583 m3/giây… Lưu lượng nước đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp có tăng nhưng tăng do đã rõ qua kết quả quan trắc và ghi nhận thực tế nhưng nguồn này tăng lên từ đâu không thể minh định rõ vì vừa qua biển Đông có triều cường.
Với tình hình lượng nước ngọt đầu nguồn tăng, hưởng lợi hiện nay để có nguồn nước ngọt là các tỉnh vùng biển Tây vì nước đổ về vùng tứ giác Long Xuyên. Riêng biển Đông với tác động triều cường nên các địa phương như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu phải từ ngày 10 đến 12 và đến cuối tháng 4 khả năng giảm mặn và lấy nước ngọt khi triều thấp”.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng ghi nhận hiện nay trên sông Vàm Cỏ Tây độ mặn biến động chậm, phía trên Tân An (Long An) có thể lấy nước (độ mặn thấp) lúc triều thấp, chân triều. Trong tháng 4, nước ngọt có khả năng ngọt kéo dài đến cuối tháng. Còn sông Vàm Cỏ Đông tại Bến Lức khó có nước ngọt cho đến hết tháng 4, riêng phía trên Bến Lức 15-20 km có thể xuất hiện nước ngọt cùng kỳ với Tân An…
Pháp luật THCM