MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm Ngọ nói chuyện thành ngữ về ngựa

01-02-2014 - 10:22 AM | Xã hội

Ngoài đời, ngựa luôn luôn được coi là loài vật hiền lành, có ích, đáng yêu nhưng trong thành ngữ, nghĩa của nó lại “lưỡng phân” thành hai hướng, nửa tích cực, nửa... tiêu cực.

Trong số các thành ngữ liên quan tới ngựa của ông cha ta có nhiều điều thú vị. Điều này thể hiện ở chỗ 
Bốn thành ngữ dưới đây là một ví dụ. Với câu “Mã đáo thành công” và "Thẳng như ruột ngựa" thì ngựa mang một thông điệp hay, tốt lành, còn hai thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” và “Ngựa quen đường cũ” thì chú ngựa lại mang ý nghĩa… “bất kham”, hàm ý xấu.

“Mã đáo thành công”

Nguyên văn đầy đủ theo âm Hán Việt của câu này là "Kì khai đắc thắng, mã đáo thành công", có nghĩa là: "cờ phất (làm hiệu) chiến thắng, ngựa quay về (báo tin) thành công".

Có truyền thuyết liên quan tới chuyện này: Năm Kỉ Dậu 1789, sau cuộc hành binh thần tốc từ Nam ra Bắc, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã đánh tan 29 vạn quân Thanh và tiến vào thành Thăng Long đúng ngày mùng 5 Tết. Để cấp báo tin thắng trận, Nguyễn Huệ sai người mang một cành đào thật đẹp, cưỡi ngựa chuyển ngay cho người vợ yêu dấu của mình là Công chúa Lê Ngọc Hân. Quân sĩ tuân lệnh, cho năm sĩ tốt, ngựa khỏe, tức tốc nhận sứ mệnh mang cành đào Nhật Tân của kinh thành Thăng Long đi ngay. Khi Công chúa Ngọc Hân nhận được, hoa và nụ trên cành đào kia vẫn còn tươi rói. Thế làcànhđào kiamangý nghĩa tin báo tiệp.

Đấy là một cách cắt nghĩa xuất xứ của câu thành ngữ "Mã đáo thành công". Nhưng trong dân gian hiện nay, theo quan niệm phong thủy truyền thống, thì "Mã đáo thành công" được coi là 4 chữ vàng đối với những người kinh doanh, buôn bán. Thêm nữa, do chữ "bát" cùng âm với chữ "phát", có nghĩa là "phát đạt" nên bức tranh "Bát mã phi nước đại" với câu thành ngữ "Mã đáo thành công" viết trang trọng được coi như món quà mừng cho những ai bắt đầu khởi nghiệp làm ăn, khai trương cửa hàng...

Dần dần, câu "Mã đáo thành công" không chỉ dùng trong giới thương gia hay những người làm ăn, liên quan tới kinh tế mà người ta còn dùng để chúc nhau, mong muốn cho nhau gặp thuận lợi, mọi việc được hanh thông, tấn tới, phát tài phát lộc: Mã đáo như gió cưỡi mâyThành công sẽ tới hôm nay rất gần...

“Thẳng như ruột ngựa”

Chắc ai trong chúng ta cũng biết một điều là khi nói về tính tình của một người bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, không giấu giếm...dân gian hay dùng thành ngữ “Thẳng ruột ngựa"hay"Thẳng như ruột ngựa"để diễn tả.

Nhưng sao lại nói "Thẳng như ruột ngựa" mà lại không nói "thẳng như ruột bò" (vì ruột ngựa mà thẳng thì chúng ăn uống, tiêu hóa thế nào)!

Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu bò, nhưng bộ máy tiêu hoá của ngựa lại khác rất xa với trâu bò. Dạ dày ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hoá được nhiều chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày (gọi là manh tràng) cũng dài tới 1m và rất lớn giống một chiếc ống, thẳng và to với đường kính 15-25cm. Quá trình tiêu hoá chủ yếu diễn ra ở đây chứ không phải ở dạ dày. Có lẽ dựa vào cơ sở giải phẫu nội tạng của con ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan mà trong nhận thức của người Việt Nam, ruột ngựa được xem là một đối chứng về tính chất "thẳng" và trái ngượcvới "cong queo", "ngoằn ngoèo" vốn là đặc điểm của ruột các con vật nói chung.

Thoạt đầu phép so sánh Thẳng (như) ruột ngựa có lẽ chỉ miêu tả tính chất hình thể, vật thể mà con người có thể thấy được, quan sát được. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, ruột hay bụng, lòng, dạ đều có ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người. Ta thấy còn có các câu, như:Ruột đau như cắt, bầm gan tím ruột, nóng gan nóng ruột, (đau) đứt từng khúc ruột, ruột để ngoài da… Chính nhờ vào tính biểu trưng của ruột theo quan niệm của người Việt mà thành ngữ Thẳng (như) ruột ngựa được “cấp” thêm một nét nghĩa mới, biểu thị tính tình con người hoặc tính chất hình tượng thuộc phạm vi tinh thần.

Trong sử dụng ngôn ngữ,Thẳng như ruột ngựathường được dùng để chỉ sự bộc trực ngay thẳng, thật thà của tính cách con người. Trong cách đối xử, người có tính "thẳng ruột ngựa" được xem là người hiền lành, không có ác tâm, không lắt léo, không tính toán vòng vo, không so đo hơn thiệt.

Trong nhiều trường hợp, thành ngữ Thẳng ruột ngựa được dùng để chỉ tính chất mộc mạc, dung dị và chân phương. Thídụ:“Nếu thơ Thái và thơ Mường bay bướm thì thơ Mèo thẳng ruột ngựa, không bóng gió”(Báo Văn nghệ).

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là một thành ngữ Hán Việt đã khá quen thuộc trong giao tiếp hiện nay. Ghép lại theo cấu trúc tổng thể, ngữ nghĩa chung sẽ là “trâu tìm đến trâu, ngựa tìm đến ngựa”. Chuyện này cũng quá rõ rồi. Vì thông thường, mọi loài vật sống theo bầy đàn, có thói quen đi cùng nhau khi kiếm ăn hay về chuồng…

Thế nhưng điều thú vị là hiện tại, ngữ nghĩa chung của thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” này lại lệch theo hướng khác. Nó hàm ý “những kẻ xấu thì thường hay tìm đến những kẻ xấu khác, để cùng giao du hay mưu đồ làm những việc mờ ám”.

Sách Tả truyện, được coi là sáng tác của Tả Khâu Minh (viết trong khoảng năm 722 đến 468 trước Công nguyên), có chép một truyện về danh tướng Ngô Khởi. Ngô Khởi là đệ tử của Khúc Ban mà Khúc Ban lại là học trò yêu của Khổng Tử. Trong một lần chinh chiến, con ngựa của Ngô Khởi bị tuột cương, chạy lạc vào một bầy trâu rừng. Thấy kẻ lạ, bầy trâu bèn quây lại húc con ngựa lạc kia tơi bời. Phải khó khăn lắm ngựa ta mới thoát khỏi vòng vây, may mắn chạy đến một đàn ngựa thả rông trên thảo nguyên. Không chỉ thoát chết, chú ngựa này còn được một bác tiều phu đem về nhà chăm sóc và cuối cùng tìm được chủ tướng Ngô Khởi.

Về xuất xứ là như vậy. Nhưng với người Việt ta, trâu ngựa vốn chỉ được coi là loài vật thân phận thấp hèn (Làm thân trâu ngựa cho loài khuyển dương) và hay có những hành vi độc ác, kiểu súc vật (đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi). Có lẽ chính vì lẽ đó mà câu thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” đã mang một nét nghĩa tiêu cực, chỉ hành động a dua, đua đòi của những kẻ xấu, "thầy nào thì tớ ấy" thôi.

“Ngựa quen đường cũ”

Thành ngữ "Ngựa quen đường cũ" đã đi vào kho tàng thành ngữ Việt Nam với nghĩa quen dùng để nói về hiện tượng ai đó vẫn cứ lặp lại những sai lầm đã mắc, do nhận thức chưa tiến bộ hay do một thói quen khó bỏ nào đấy.

Xuất xứ của câu thành ngữ này lại khá đặc biệt, bắt nguồn từ điển tích liên quan đến ngựa.

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, trong sách Cổ học tinh hoa (NXB Văn học, 2003) kể rằng: Ngày xưa, Quản Trọng (725-645 trước công nguyên) - một danh tướng thời Xuân Thu - vốn xuất thân từ nghề chăn nuôi voi ngựa và có biệt tài “nói chuyện được với voi và ngựa”. Quản Trọng có một chú ngựa đực, ức nở, lông mượt, chạy phi nước kiệu như gió. Có một lần, Quản Trọng phi ngựa tới nhà Thấp Bằng bàn chuyện đánh nước Cô Trúc. Đến nơi, Quản Trọng thả ngựa ra vườn cho nó gặm cỏ. Trong khi hai chủ nhân bàn chuyện,chú ngực đực của ông nghe tiếng hí xa xa của “nàng” ngựa cái của Thấp Bằng. Ngựa cái vừa cựa mình vào máng tàu ngựa, vừa hí. Ngựa của Quản Trọng cũng hí đáp lại. Thế là qua tiếng hí gọi bầy, hai con ngựa làm quen với nhau và trở nên thân thiết.

Mấy hôm sau, khi trở lại nhà rồi, chú ngựa của Quản Trọng nhớ bạn, nhân lúc được thả rông ngoài vườn, nó liền vượt đường xa, đến thăm “cô bạn cũ” của mình. Con ngựa của Thấp Bằng thấy bạn đến thì vui mừng, hí lên mấy tiếng, như có ý hỏi: “Làm sao mà anh biết đường?”. Ngựa đực lấy chân cào cào xuống cỏ cũng như muốn trả lời rằng: “Ấy là giống ngựa nhà ta một lần đi là quen đường cũ”. Biết chuyện này, Quản Trọng không trách ngựa mà còn khen: “Chà! Mày quả là kẻ có tình có nghĩa”.

Sau này, Quản Trọng cùng Thấp Bằng dựng cờ theo Tề Hoàn Công đánh CôTrúc. Một lần, đánh trận xong, quay trở về tuyết bỗng rơi xoá hết đường cũ khiến Quản Trọng và Thấp Bằng không còn nhớ đường về. Bỗng Quản Trọng nhớ đến con ngựa giỏi tìm đường của mình năm xưa. Ông liền nói với nó: "Này ngựaơi, hãyđưa chúng ta vềchốn cũ!" Chú  ngựa như hiểu ý liền tung vó phăm phăm chạy lên trước, đoàn quân của Quản Trọng vàThấp Bằng cứ thế theo sau, vòng qua các khe sâu, rừng thẳm, tuyết dày tìm được đường vềnước.

Như vậy, câu chuyện trên nói về một con ngựa, nhờ khứu giác tài tình đã giúp chủ tìm lại đường về trong cơn hoạn nạn. Nhưng qua thời gian, khi vận dụng vào cuộc sống, dân gian đã dùng diễn tả một ngữ nghĩa khác:Ai đó cứ theo thói quen cũ, không dứt bỏ được, chứng nào tật ấy, không chịu tu tỉnh cải sửa thì thật là điều đáng chê trách. Sự biến chuyển nghĩa đó quả là lạ với chúng ta bây giờ. Nhưng sự thay đổi như vậy không phải ngoại lệ, vì có rất nhiều trường hợp từ ngữ mà dân gian sử dụng thành thói quen đã khác hẳn ngữ nghĩa ban đầu: Ngày xưa tình nghĩa ngựa về/Bây giờ là kẻ theo nghề quen mui/ Chuyện nghe tuy đã cũ rồi/ Vẫn là bài học cho đời hôm nay…

Theo TS Phạm Văn Tình

hangnt

chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên