Nên công khai thu nhập, tài sản của quan chức
“Để chống tham nhũng có hiệu quả, cần công khai thu nhập và tài sản của quan chức ngay khi họ đang đảm nhiệm chức vụ, đừng đợi đến khi họ đã về hưu”
- 18-04-2014Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?
- 22-07-2013Tài sản tăng thêm: Phải giải trình nguồn gốc
Ông Peter Hain, hạ nghị sĩ Vương quốc Anh, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ Anh, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn chúng tôi.
Ông Peter Hain nói:
- Đến VN lần này, tôi được một số cơ quan chức năng và trường đại học ở VN mời nói chuyện về những kinh nghiệm phòng chống tham nhũng (PCTN) ở Anh, về vai trò của người đứng đầu các cơ quan chức năng và về việc làm sao để xây dựng những chính sách tốt hơn trong công cuộc PCTN.
Trong lĩnh vực này, VN còn một con đường rất dài trước mặt, nhưng điểm tích cực là các bạn đã thể hiện được sự quyết tâm của mình. Thông điệp chính tôi muốn trình bày là tham nhũng có thể xảy đến với tất cả các nước trên thế giới, ngay cả ở nước Anh mặc dù chúng tôi có hồ sơ PCTN khá tốt.
Trên bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, có những nước dẫn đầu, lại có những nước ở vị trí thấp. Vị trí gần đây nhất của VN (116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ) cho thấy các bạn cần phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện tình hình.
* Ông đến VN vào thời điểm mà dư luận đang quan tâm đến việc cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra nội dung liên quan đến khối tài sản của một quan chức đã về hưu. Ở Anh lâu nay có trường hợp nào tương tự không và cách xử lý như thế nào?
"Tham nhũng làm suy yếu quốc gia, giảm mức độ thu hút đầu tư nước ngoài. Liệu có ai lại muốn đầu tư vào một nước có quá nhiều vấn đề tham nhũng" Peter Hain |
- Bất cứ hệ thống luật pháp nào cũng có thể bị lợi dụng, lách luật. Vì vậy cần phải có một hệ thống được công khai, minh bạch bằng cách tăng quyền kiểm soát của báo chí và người dân.
Cần phải có những quy định cụ thể và nghiêm khắc đối với các cán bộ, công chức, đại biểu Quốc hội... để xử lý những vấn đề liên quan đến họ ngay trong quá trình họ đương chức, chứ không phải giải quyết khi đã muộn.
Ở Anh, nếu có chuyện báo chí phản ánh trường hợp kiểu như quan chức về hưu xây nhà to bất thường cảnh sát sẽ ngay lập tức điều tra, xác minh tài sản. Nếu đó là tài sản có được từ các hành vi nhận hối lộ, tham nhũng người đó sẽ bị truy tố trước pháp luật.
* Đối với những chính khách như ông, ở Anh việc kiểm soát thu nhập được thực hiện như thế nào?
- Ở Anh, những đại biểu quốc hội nếu sống xa trung tâm thành phố thì ngoài căn nhà mình đang ở được có thêm một căn nhà nữa tại trung tâm. Căn nhà này sẽ do Chính phủ chi trả các chi phí cơ bản như điện, nước, điện thoại... Như trường hợp của tôi, sống cách thủ đô London 300km nên được Chính phủ cho thuê và trả tiền điện, nước... cho một căn nhà trong trung tâm. Các đại biểu được hưởng chế độ này sẽ làm một bản yêu cầu các chi phí cơ bản. Có vài đại biểu đã lợi dụng điều này để yêu cầu những chi phí không được tính đến.
Chẳng hạn có người đòi 900 bảng cho một chiếc tivi (giá tivi màn hình lớn xem được ở Anh khoảng 150-200 bảng). Một người khác lại đòi chi phí... nuôi vịt vì ông này có một cái ao. Một vài đại biểu có các hành vi tham nhũng, lợi dụng quy định pháp luật để trục lợi không đúng quy định đã bị khai trừ khỏi quốc hội và thậm chí chịu án tù.
Cách đây hơn 20 năm, một vài đại biểu trong quốc hội đã lợi dụng quyền đặt câu hỏi cho Thủ tướng bằng cách ra giá họ sẽ hỏi những câu mà các cơ quan báo chí, truyền thông muốn nếu được nhận tiền. Điều này cũng vi phạm pháp luật.
* Báo chí đã đưa tin một số nhà lãnh đạo các nước khác nhau gửi tiền ở ngân hàng Thụy Sĩ. Ông có lời khuyên nào cho các cơ quan chức năng của VN để phát hiện, ngăn chặn việc gửi tiền “bẩn” ra nước ngoài?
- Đây là một vấn đề không dễ giải quyết, kể cả với nhiều nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải có những phương thức công khai, minh bạch tài sản. Minh bạch là kẻ thù của tham nhũng. Và để công khai, minh bạch tài sản của các quan chức, đại biểu quốc hội cần sự tham gia mạnh mẽ của báo chí cũng như toàn bộ công dân trong quá trình giám sát.
Năm 2005, quyền tự do tiếp cận thông tin của báo chí ở Anh đã được mở rộng hơn. Luật quy định các cơ quan báo chí có quyền yêu cầu được tiếp cận những thông tin công khai từ các tổ chức, cơ quan trong Chính phủ. Ở Anh, các quan chức, đại biểu quốc hội phải cập nhật tình hình chi phí, các loại tài sản của mình ba tháng một lần trên hệ thống Internet và bất cứ ai cũng có quyền tiếp cận những thông tin như vậy.
* Ở VN cũng đang có những đề nghị công khai bản kê khai tài sản của quan chức ở khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân giám sát. Theo ông, đâu là ranh giới giữa bí mật đời tư và việc công khai thu nhập, tài sản như vậy?
- Trên góc độ của tôi thì không ai có thể đến bệnh viện để đòi xem sổ khám bệnh tình hình sức khỏe của tôi, đó là vấn đề riêng tư. Nhưng nếu như tôi nhận bất cứ một khoản tiền nào ngoài tiền lương của mình, hoặc một số tiền vượt quá 1% thu nhập của tôi, thì tôi sẽ phải giải trình về việc đó trước quốc hội, công chúng.
* Theo đánh giá của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN tại VN, vừa qua các vụ tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài phức tạp có chiều hướng gia tăng (như mua ụ nổi, tàu cũ, tàu già của nước ngoài, hối lộ quan chức VN để thắng thầu...). Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Năm 2010, Anh ra đời một bộ luật PCTN về vấn đề chống hối lộ. Thời điểm trước đó, một vài công ty ở Anh có hoạt động đầu tư nước ngoài đã đưa tiền cho các công ty bản địa để thực hiện hối lộ quan chức địa phương nhưng sau đó lại nói rằng đó là việc của các công ty bản địa, còn họ không liên quan.
Bộ luật ra đời để ngăn chặn các hành động như vậy. Bộ luật cũng quy định rõ ràng rằng hối lộ không chỉ xảy ra khi cần lấy thông tin hay thắng một hợp đồng, kể cả khi một người muốn đẩy nhanh tốc độ xin visa, hộ chiếu mà đưa tiền cho nhân viên, quan chức... thì cũng bị coi là hối lộ.
Đó là những gì mà Chính phủ Anh đang nghiêm túc thực hiện. Tôi nghĩ rằng VN cần có luật và các chế tài xử phạt cũng như cách thức giám sát chặt chẽ hơn nữa. Nếu bất cứ một vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài nào cũng bị lôi ra ánh sáng và xử phạt thật nặng thì những tình huống như vậy sẽ giảm bớt rất nhiều.
Peter Gerald Hain (sinh ngày 16-2-1950) là một chính trị gia Đảng Lao động Anh, hoạt động trong nội các chính phủ dưới thời hai thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown. * Ông là người lãnh đạo của hạ viện 2003-2005 và bộ trưởng ngoại giao Bắc Ireland năm 2005-2007 và ngoại trưởng Xứ Wales năm 2007-2008. * Ông là tác giả của 20 cuốn sách, thường xuyên trả lời phỏng vấn trên phát thanh và truyền hình. Ông cũng viết bài cho nhiều tờ báo ở Anh. |
Theo V.V.Thành - P.Nguyên