MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng CSXH nói gì về vụ “cậu Thủy”?

30-10-2013 - 10:03 AM | Xã hội

“Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hoàn toàn là từ cái tâm của mình, không có chuyện tư túi hay quan hệ cá nhân với ông Nguyễn Thanh Thúy (cậu Thủy)”.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, phó chủ tịch ban chấp hành công đoàn NH CSXH, khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về những vấn đề xung quanh việc đơn vị này thuê “cậu Thủy” đi tìm hài cốt liệt sĩ trong thời gian qua. Ông Phương cho biết:

- Tháng 7-2012, đoàn cựu chiến binh của NH CSXH đi vào chiến trường xưa để thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ ở một số tỉnh, sau đó một đồng chí có thư đề nghị tổ chức phát động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Chúng tôi xem xét, họp để thống nhất thông qua chủ trương này.

Công đoàn quyết định làm văn bản kêu gọi các đoàn viên, được anh em trong toàn hệ thống ủng hộ. Năm 2012, NH CSXH ban hành quy chế thành lập và sử dụng nguồn cho chương trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Theo đó, chi phí hỗ trợ một hài cốt liệt sĩ hoàn tất việc quy tập là 75 triệu đồng. Quỹ này hiện nay có tổng cộng gần 70 tỉ đồng, đây là số tiền đóng góp hai ngày lương mỗi năm của khoảng 9.000 cán bộ nhân viên trong ngân hàng.

Cơ sở nào để công đoàn NH CSXH lựa chọn thuê “cậu Thủy” đi tìm hài cốt liệt sĩ?

- Thật ra từ những thông tin mà công đoàn NH CSXH nắm bắt được thì ông Nguyễn Thanh Thúy đi tìm kiếm mộ liệt sĩ cho tương đối nhiều người. Công đoàn NH CSXH đến gặp ông đặt vấn đề nhờ tìm giúp hài cốt cho thân nhân liệt sĩ. Công đoàn NH CSXH phối hợp để cùng ông Thúy tìm kiếm bốn đợt tại Đắk Lắk (hai đợt), Bình Phước và Quảng Trị.

Tổng số hài cốt được quy tập qua việc tìm kiếm là 97 bộ. Còn thông tin 115 hài cốt là do có 18 liệt sĩ do cán bộ NH CSXH đi quy tập thân nhân của mình về, được công đoàn hỗ trợ.

Từ trước khi “cậu Thủy” bị bắt, có người lên tiếng đặt nghi vấn về việc có thể những ngôi mộ liệt sĩ có dấu hiệu làm giả. Với tư cách là người trực tiếp tham gia một số cuộc tìm kiếm này, ông có ý kiến như thế nào?

- Tôi có tham gia cả bốn đợt quy tập, các đợt này đều có lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), đại diện bộ chỉ huy quân sự địa phương tham gia. Ví dụ như tại Bình Phước, sau khi tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ, chúng tôi ký biên bản bàn giao 15 hài cốt cho Sở LĐ-TB&XH. Toàn bộ sự việc diễn ra bình thường, không có bất cứ phát biểu nào về hiện tượng bất thường của vị trí khai quật đó.

Tất cả di vật của liệt sĩ khai quật được tại Bình Phước đều được đưa vào hộp và NH CSXH công khai chuyển cho Sở LĐ-TB&XH, không ai có ý kiến gì.

Tại Quảng Trị, việc tìm kiếm cũng giống như vậy, có đủ thành phần tham dự. Còn sau này có những phát biểu, nhận định là hài cốt giả thì hiện nay cơ quan chức năng vào cuộc rồi, ông Thúy thì bị bắt rồi. Cái này tôi nghĩ sau này kết luận đúng sai như thế nào sẽ rõ.

Về thông tin liệt sĩ mất ở nơi này nhưng tìm thấy ở nơi khác như liệt sĩ Mẫn Bá Phùng thì thời điểm tìm thấy hài cốt tôi không được biết. Đến nay dư luận nêu mới nắm được, nhưng theo tôi, việc liệt sĩ mất ở nơi không phải địa điểm đóng quân của đơn vị cũng là bình thường.

Theo chúng tôi được biết, xác suất tìm được “hài cốt liệt sĩ” với “cậu Thủy” rất cao...

- Chúng tôi đi bốn đợt, tìm được 97 hài cốt, sau khi nhập vong, hầu hết là tương đối trúng. Tuy nhiên về địa điểm đào thì có những hài cốt phải đào rộng hơn so với điểm xác định ban đầu. Các lần tìm kiếm này đều được Sở LĐ-TB&XH ghi nhật ký, phía bộ chỉ huy quân sự đều cử lực lượng rà phá bom mìn...

Ông có thể cho biết mức giá 75 triệu đồng/hài cốt liệt sĩ được chi trả cho “cậu Thủy” là căn cứ vào đâu?

- Cái này cũng đơn giản thôi, đối với mộ cá nhân thì ông Thúy tìm với giá khoảng 150 triệu đồng. Nhưng khi làm việc với ông Thúy, NH CSXH nói đây là việc nghĩa của ngân hàng, đề nghị xem lại giá cả. Rồi ông ấy thống nhất giá trọn gói 75 triệu đồng. Tôi cho rằng giá này là phù hợp rồi.

Có thông tin cho rằng phía NH CSXH tìm kiếm hài cốt liệt sĩ với mức chi phí khoảng 300 triệu đồng/bộ, bao gồm cả phần thuê “cậu Thủy”?

- Thông tin này không phải từ cán bộ công đoàn của NH CSXH nên không chính xác, họ không thể biết chi phí là bao nhiêu, tất cả đều đồn đoán. Tôi không thể nói con số chi phí nhưng chắc chắn không đến con số đó.

Trong các cuộc tìm kiếm này, công đoàn NH CSXH có tổ chức đưa thân nhân liệt sĩ đi theo không, họ có yêu cầu xác định ADN để chứng minh liệt sĩ hay không?

- Các cuộc tìm kiếm này chúng tôi đều tổ chức để thân nhân gia đình đi cùng và được NH CSXH hỗ trợ phương tiện đi lại cũng như tham gia toàn bộ quá trình tìm kiếm. Họ có mặt tại hố đào, xác nhận đúng các kỷ vật của liệt sĩ tìm được là thân nhân của mình thì chúng tôi tạo điều kiện để họ nhận lại hài cốt theo quy định.

Toàn bộ chi phí, kể cả tiền trả cho “thầy”, gia đình đều không mất một đồng nào. Ngoài ra, chúng tôi vẫn quy tập cả hài cốt liệt sĩ chưa rõ danh tính để bàn giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý, xét nghiệm ADN, đưa vào ngân hàng gen chờ thân nhân đến nhận.

Đối với các hài cốt có thân nhân nhận diện, do họ xác định được đúng kỷ vật và tin tưởng rằng đó là thân nhân của mình nên họ không đòi hỏi xét nghiệm ADN. Còn nếu gia đình có nhu cầu thì lúc đó phải đề nghị Sở LĐ-TB&XH hoặc Cục Người có công để lấy mẫu giám định ADN. Khi đó kết quả thế nào thì nói thật người ta chỉ đưa lại cho người đề nghị thôi.

Giả sử nếu có chuyện làm giả, dù chỉ rất nhỏ trong số 97 hài cốt đã quy tập thì trách nhiệm của NH CSXH như thế nào trong việc lựa chọn “cậu Thủy” tiến hành tìm kiếm?

- Nhiều người đặt cho chúng tôi câu hỏi này rồi. Thực tế chúng tôi làm từ cái tâm, sau khi có thông tin từ nhà ngoại cảm, mình cũng có thông tin chéo từ phía gia đình của liệt sĩ, mời gia đình đi để chứng kiến. Không may, nếu khi cơ quan quản lý có kết luận là cái này giả, trong bộ hài cốt có một nửa là giả hay như thế nào đó thì NH CSXH sẵn sàng giải thích làm rõ vì sao nó lại như vậy.

Theo Minh Quang - Lê Thanh

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên