Nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng: Thêm một giám đốc BQL dự án đường sắt bị tạm dừng chức vụ
Cục Đường sắt VN cũng đã ra Quyết định số 76 tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (BQLDAĐS) đối với ông Trần Văn Lục trong 15 ngày để giải trình.
- 24-03-2014Nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng: "Ai cũng cam kết là không nhận tiền..."
- 24-03-2014Thứ trưởng Bộ GTVT đi Nhật tìm danh sách cán bộ nhận hối lộ 16 tỷ đồng
- 24-03-2014Chính phủ giao Bộ Công An chủ trì điều tra thông tin lãnh đạo ngành đường sắt nhận hối lộ
- 24-03-2014“Nghi án” hối lộ: JTC, PCI và thanh danh quốc gia
- 24-03-2014Tạm dừng công tác cán bộ dự án đường sắt để giải trình nghi vấn hối lộ
- 23-03-2014Nghi án hối lộ: Kể cả cán bộ nghỉ hưu cũng phải giải trình
Ngày 24/3, Cục Đường sắt VN cũng đã ra Quyết định số 76 tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (BQLDAĐS) đối với ông Trần Văn Lục trong 15 ngày để giải trình. Ông Lục trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc BQLDAĐS của Cục Đường sắt VN đã giữ chức Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN. Ông Lục sẽ phải làm giải trình rõ trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm Giám đốc RPMU do có liên quan đến nhà thầu tư vấn - Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thực hiện gói thầu “Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1”.
Sáng cùng ngày, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt VN cho biết đã có quyết định tạm dừng công tác đối với 2 phó tổng giám đốc tổng công ty này là ông Ngô Anh Tảo và Trần Quốc Đông, thời hạn 10 ngày. Hai ông Tảo và Đông sẽ phải viết tường trình cá nhân về thời gian công tác liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1.
Trong giai đoạn chuẩn bị đến thời điểm chính thức triển khai gói thầu tư vấn kỹ thuật dự án đường sắt số 1, lần lượt các ông Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu giữ chức Giám đốc RPMU. Trong đó, ông Trần Văn Lục đảm nhận vị trí khi dự án trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đầu tư, mở thầu và chọn thầu.
(Xem thêm: Tạm dừng công việc 2 phó tổng giám đốc Đường sắt)
Dự án đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 12.2.2004. Tổng công ty đường sắt VN, chủ đầu tư dự án và RPMU là đại diện chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn từ tháng 4.2008, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt kết quả đấu thầu cho liên danh tư vấn do JTC đứng đầu, liên danh với các công ty Nhật Bản khác và VN gồm JARTS, JRC, KOKEN, TEDI… gọi tắt là JKT.RPMU đã ký hợp đồng với liên danh JKT ngày 9.9.2009.
Dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) với tổng giá trị 21,271 tỉ yen, các giai đoạn của dự án bắt đầu triển khai từ năm 2008.
Chủ đầu tư có liên đới trách nhiệm ?
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành đường sắt phân tích, với các dự án tài trợ vốn ODA, thông thường nếu nguồn viện trợ là các tổ chức như WB, ADB bao giờ cũng yêu cầu đấu thầu quốc tế công khai. Tuy nhiên, nếu nguồn viện trợ từ một quốc gia, thông thường trong Hiệp định vay vốn ODA đều có điều khoản yêu cầu ưu tiên các nhà thầu của nước viện trợ như nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, hoặc dự án phải mua trang thiết bị của nước tài trợ.
Nghị định 17 và sau đó là Nghị định 131 về sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quy định, sau khi ký hiệp định vay vốn, sẽ thành lập Ban quản lý dự án (BQLDA), chuẩn bị kế hoạch đấu thầu, tài liệu đấu thầu, hồ sơ mời thầu. BQLDA có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng. Theo đó, BQLDA sẽ mở thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên kết quả lựa chọn nhà thầu sẽ phải trình lên chủ đầu tư và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong trường hợp dự án đường sắt đô thị số 1, theo chuyên gia trên, BQLDAĐS - đại diện chủ đầu tư, trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án từ mở thầu, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, nhưng kết quả lựa chọn nhà thầu phải được chủ đầu tư là Tổng công ty đường sắt VN phê duyệt.
“Không lạ gì Công ty tư vấn JTC” Ông Hà Ngọc Trường, chuyên gia cao cấp đường sắt, Phó chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM, cho rằng: “Điều cần phải khẳng định đầu tiên là việc vay vốn ODA của các nước phát triển để xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị cho VN là vô cùng cần thiết và cấp bách. Bởi lẽ, vốn đầu tư cho các dự án này cực kỳ lớn, nằm ngoài khả năng kinh tế của một nước nghèo như nước ta. Tuy nhiên, quá trình vay và sử dụng nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông đặc biệt là các dự án đường sắt, đã phát sinh một số sơ hở, bất cập gây thất thoát, tham nhũng. Điều đáng tiếc là đây không phải lần đầu người Nhật họ tự phát hiện và xử phạt được người của họ vi phạm, còn VN thì chỉ sau khi sự việc vỡ lở mới xử lý phần đuôi”. Theo ông Trường, những người làm nghề tư vấn đường sắt không lạ gì Công ty tư vấn JTC. Họ trúng thầu khắp từ bắc chí nam, ở phía bắc thì dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Hà Nội) như trên, còn ở phía nam họ đã và đang làm hai dự án tư vấn đường sắt lớn là dự án “đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu” và “Trảng Bom - Hòa Hưng”. “Một điều đáng nói là các dự án do tư vấn Nhật thực hiện nói chung và JTC nói riêng, thường xuyên phải điều chỉnh giá (điều chỉnh tăng) và tổng mức đầu tư của dự án thường bị đội lên một cách không bình thường. Tôi cho rằng một nguyên nhân gây ra chuyện này là các BQLDA hoặc nói rộng ra là các cơ quan quản lý biết nhưng có thể làm ngơ hoặc không thể làm gì hơn. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị phải sửa lại luật Đấu thầu và Nghị định về sử dụng nguồn vốn ODA, đồng thời phải thường xuyên kiểm soát gắt gao các hoạt động của BQLDA, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn nước ngoài, và phải xử nghiêm khi phát hiện vi phạm, để làm gương cho các đơn vị khác”, ông Trường nói. Mai Vọng |