Nguy cơ mất an toàn tại những ngôi nhà xập xệ trong phố cổ
Sau vụ việc sập biệt thự cổ tại 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) ngày 22/9, công tác bảo tồn những căn biệt thự cổ trở thành tiêu điểm và thu hút sự quan tâm đặc biệt.
- 24-09-2015Biệt thự cổ Hà Nội được bảo tồn như thế nào?
- 23-09-2015Chưa có hướng giải quyết đối với ngôi biệt thự cổ bị sập tại Hà Nội
- 23-09-2015Vụ sập nhà cổ Hà Nội: Bộ Xây dựng lên tiếng
- 23-09-2015Cận cảnh những biệt thự cổ... "chờ sập" ở Thủ đô
Việc cải tạo và bảo tồn các công trình này không chỉ cần đến kinh phí lớn mà còn cần sự hợp tác của người dân và cả sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Doãn Đức - Hội Kiến trúc sư Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Tại nhiều kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, việc bảo tồn, quy hoạch và quản lý các biệt thự cổ đã được bàn đến. Tuy nhiên, dù đã được “báo động” nhưng sự cố vừa xảy ra tại 107 Trần Hưng Đạo là rất nghiêm trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Ngô Doãn Đức: Điều này đã được đề cập đến tại quy hoạch Hà Nội và lần gần đây nhất là khi Hà Nội mở rộng địa giới. Thực tế hiện nay, việc này đã được quy định, thậm chí thành pháp lệnh, nhưng triển khai trên thực tế lại gặp nhiều vấn đề bất cập. Có những phần phải hoàn thiện thêm.
Ví dụ, khi chúng ta đánh giá quỹ di sản thì vướng sự quản lý để thực hiện việc này. Việc chưa thực hiện được cũng một phần do thiếu kinh phí, nhưng bên cạnh đó phải thẳng thắn thừa nhận là khâu quản lý chưa tốt.
- Thực tế Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội, nhưng từ quy chế đến thực hiện theo ông còn những bất cập gì?
Ông Ngô Doãn Đức: Chúng ta luôn luôn nói về khâu yếu của quản lý nhưng nếu cứ để yếu như thế này thì di sản sẽ mất, nó mất đi không bao giờ trở lại. Khâu bảo tồn và duy tu những quỹ kiến trúc thuộc di sản của Hà Nội là một điều cực kỳ đáng tiếc và trở thành báo động.
Chúng ta thấy hiện tượng nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, khi thực hiện nghiên cứu đánh giá thì rất nhiều ngành nghề tham gia cho nên Hà Nội có cơ sở tốt để thực hiện bảo tồn phát huy giá trị những quỹ di sản kiến trúc nói chung. Chúng ta tiến hành được nhưng trên thực tế nó không được như quy hoạch.
- Muốn vừa đảm bảo được an toàn cho người dân mà vẫn bảo tồn được biệt thự và nhà cổ thì cần có giải pháp gì thưa ông?
Ông Ngô Doãn Đức: Biệt thự được xây dựng từ Pháp tại các khu vực Ba Đình, Hai Bà Trưng tương đối dày đặc và chúng ta phải rà soát lại một cách nghiêm túc. Không chỉ có các khu biệt thự cũ mà cả khu vực người dân đang ở trong phố cổ cũng có tình trạng xập xệ không kém.
Hiện các khu nhà trong phố cổ nhìn chung đang rơi vao tình trạng leo thang, cao lên dần, chèn vào nhau. Khoảng trống đang mất dần, các công trình cơi nới bám, tựa vào nhau, tiềm ẩn về sự không an toàn. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này là cả thách thức lớn.
Việc thực hiện bảo tồn thì không phải cứ muốn là dàn đội ngũ bảo tồn là làm được. Trước mắt cần xây dựng một chương trình cụ thể, tuyên truyền cho người dân hiểu và thu hút họ nhập cuộc. Phải làm rõ các vấn đề như tuổi thọ của ngôi nhà không thể tồn tại muôn đời mà nó chỉ có thời gian nhất định. Đến một thời điểm cần thiết thì phải duy tu, tôn tạo.
Nếu cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các thông tin này thì cần có trách nhiệm xử lý, giúp đỡ người dân và cộng tác với họ để giữ gìn quỹ nhà này để nó vừa an toàn mà vẫn đảm bảo tiêu chí của di sản. Muốn vậy, cần có phương án cụ thể hơn trong công tác bảo vệ di sản khỏi xuống cấp, hoặc hư hỏng, hoặc gây nguy cơ sụp đổ trong quá trình bảo tồn và giữ gìn nó.
Theo Vietnam+