MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều câu hỏi đặt ra với quy định căn cước công dân

15-10-2014 - 15:02 PM | Xã hội

Nếu theo dự kiến, từ năm 2016 có đến 3 loại giấy chứng minh nhân dân và căn cước công dân cùng có hiệu lực.

Không dừng cấp CMND 12 số

Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh là việc cấp CMND theo công nghệ mới có 12 chữ số đang được thực hiện song song với quá trình soạn thảo và xem xét thông qua dự thảo Luật Căn cước công dân (trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8). Theo đó, gần 400.000 CMND mới đã được cấp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau khi triển khai thí điểm cấp CMND theo công nghệ mới tại thành phố Hà Nội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho triển khai mở rộng, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đã tổ chức cấp CMND mới trên toàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên; tổ chức khảo sát, xây dựng hạ tầng, tập huấn cho cán bộ để tiếp tục triển khai tại 11 địa phương.

Nhiều vấn đề đã được Đại biểu Quốc hội đặt ra, trong đó đề cập tại sao Bộ Công an không trình Chính phủ dừng cấp Chứng minh nhân dân 12 số để chờ Luật Căn cước công dân ban hành sẽ cấp thẻ Căn cước công dân bảo đảm sự đồng bộ, tránh việc công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ không cần thiết?

Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), dự kiến Luật Căn cước công dân đến ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực, trong khi đó nhu cầu cấp Chứng minh nhân dân của công dân là nhu cầu thường xuyên, liên tục và hiện nay đang tồn tại hai loại Chứng minh nhân dân đều có hiệu lực.

Số Chứng minh nhân dân 12 số của công dân đã và đang cấp có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp, dự thảo Luật có điều khoản chuyển tiếp vẫn công nhận giá trị sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước theo Luật này.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho rằng, công tác cấp Chứng minh nhân dân theo công nghệ đang phát huy hiệu quả; mặt khác nhà nước đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chất lượng cao, vì vậy nếu dừng cấp Chứng minh nhân dân 12 số sẽ ảnh hưởng đến hệ thống máy móc và đội ngũ cán bộ.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, sau khi Luật được thông qua như dự kiến, sẽ vẫn tồn tại 3 loại giấy chứng minh thư 9 số, 12 số và căn cước công dân.

Liệu có phát sinh bộ máy và kinh phí?

Về mối quan hệ giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan quản lý căn cước công dân trong việc đăng ký khai sinh và cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em mới sinh ra liệu có làm cho phát sinh thêm thủ tục, Bộ Công an cho biết cơ quan đăng ký hộ tịch là cơ quan tiến hành các thủ tục đăng ký khai sinh cho công dân, sau khi thu nhập dữ liệu thông tin của người sinh ra, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ chuyển dữ liệu thông tin đó sang cơ quan quản lý căn cước công dân để tiến hành làm các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân và chuyển lại cho cơ quan đăng ký hộ tịch trả cho công dân.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cũng cho rằng, việc cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em mới sinh ra thay cho giấy khai sinh không làm phát sinh thêm thủ tục cho công dân vì công dân vẫn phải tiến hành làm các thủ tục đăng ký khai sinh, sau đó cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm chuyển dữ liệu thông tin sang cơ quan quản lý căn cước công dân để làm căn cứ cấp thẻ căn cước mà công dân không phải làm lại thủ tục xin cấp căn cước.

Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định, việc triển khai thi hành Luật căn cước công dân không làm phát sinh thêm kinh phí, bộ máy cán bộ để tổ chức thực hiện.

Theo đại diện Bộ Công an thì đội ngũ cán bộ của cả ngành Tư pháp và Công an từ cấp trung ương đến địa phương như hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về mặt nhân lực phục vụ công tác cấp thẻ căn cước công dân.

Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc sẽ được nhà nước đầu tư cho dự án cấp Chứng minh nhân dân theo công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu trong công tác cấp thẻ căn cước công dân sau này. Chỉ cần bổ sung thêm vật liệu và một số máy móc, thiết bị để đảm bảo công suất thực hiện cấp CMND cho cả số người dưới 14 tuổi theo dự thảo Luật.

Băn khoăn chọn số định danh cá nhân

Có nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ Công an đề xuất sử dụng dãy số gồm 12 chữ số làm số định danh cá nhân, vì cho rằng 9 số như CMND hiện hành vẫn đảm bảo về quỹ số và phục vụ công tác quản lý.

Theo lý giải của đại diện Bộ Công an, phải sử dụng 12 số mới khắc phục được những vướng mắc: Khi công dân chuyển hộ khẩu, hoặc thay đổi địa chỉ thường trú từ tỉnh này tới tỉnh khác thì phải cấp lại CMND vì theo quy định 2 số đầu của số CMND quy định đơn vị hành chính cấp tỉnh là nơi đăng ký thường trú của công dân. Vì vậy sẽ dẫn đến một công dân có thể có nhiều hơn 1 CMND.

Cùng với đó, để quản lý công dân từ lúc sinh đến khi chết đi, đòi hỏi mã số cá nhân cấp cho công dân phải là duy nhất là chỉ gán cho một công dân nhất định từ lúc sinh ra đến khi công dân chết đi.

Thứ ba, mã tỉnh, thành phố nơi đăng ký thường trú của công dân nếu quy định 2 số thì chỉ đáp ứng đủ yêu cầu của 63 tỉnh, thành phố (kể cả dự phòng nếu chia tách tỉnh sau này), nhưng không đảm bảo đủ mã số để cấp cho công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài (gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ)./.

Theo Ngọc Thành

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên