MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nhiều ‘tiến sĩ giấy’ vì xã hội có nhu cầu cao"

25-02-2014 - 08:10 AM | Xã hội

Xã hội chúng ta đang có nhu cầu rất cao đối với những người có chức danh tiến sĩ nhưng không làm công việc của tiến sĩ.

Đáng ra tiến sĩ là phải đi làm đạo tạo cho bậc đại học trở lên thì nay lại đi làm quản lý. Và cũng dễ hiểu khi quản lý là nghề có thu nhập rất cao.

PGS.TS Phạm Bích San, Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và giám định xã hội, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã đưa ra góc nhìn của mình và cắt nghĩa việc vì sao Việt Nam lại có nhiều tiến sĩ nhưng không làm công việc của tiến sĩ.

Thị trường có cầu ắt có cung

PV: Thưa ông, thời gian gần đây dư luận bàn nhiều tới việc chúng ta có nhiều tiến sĩ nhưng khi cần xử lý công việc thì không thấy các tiến sĩ thể hiện năng lực của mình. Bằng chứng là các ứng dụng gần đây như các máy về nông nghiệp như máy thái hành, băm bèo, sấy nông sản… đều do nông dân chế tạo. Trong khi đó con số thống kê lượng tiến sĩ lại dày lên theo mỗi năm. Theo ông vì đâu có nguồn cơn sự “nhân bản” tiến sĩ nhanh như vậy?

PGS.TS Phạm Bích San: - Chúng ta hãy đặt vấn đề lại rằng ta đang trong thời buổi kinh tế thị trường, có cầu thì ắt có cung. Ở đây chỉ có điểm không đúng là chúng ta dùng nhiều tiến sĩ để làm gì và có sự nhầm lẫn về khái niệm.

PGS.TS Phạm Bích San
PGS.TS Phạm Bích San: "Xã hội có nhu cầu nhiều tiến sĩ thì ắt có nguồn cung thôi"

Tức là ngày xưa người ta đi học thi đỗ xong rồi làm quan thì được gọi là tiến sĩ. Còn tiến sĩ hiểu theo nghĩa hiện đại thì chủ yếu là người có trình độ cao để đi dạy học cho bậc đại học, trên đại học và để nghiên cứu khoa học. Như vậy hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Rất lưu ý điều này bởi vì làm quan tức là làm quản lý. Mà đã là quản lý lại học nhiều quá rất dễ bị ảnh hưởng vì bản chất của nghiên cứu khoa học là phải cân nhắc trước sau. Trong khi đó quản lý là nghề phải ra quyết định ngay, nhanh và kể cả khi còn thiếu thông tin.

Còn làm nghiên cứu khoa học thì cân nhắc, lên, xuống, thử nghiệm, thu thập thông tin đầy đủ nên sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy đặt cái này thành cái kia sẽ là không phù hợp.

Nghĩa là đã làm quản lý nhưng lại nghiên cứu trở thành tiến sĩ thì rất có thể tiến sĩ sẽ không hỗ trợ được nhiều cho công việc quản lý, thậm chí còn bị ảnh hưởng mới đặc thù của người làm nghiên cứu.

PV: - Thưa ông nhưng như ông đã nói ở trên thực tế nhu cầu làm tiến sĩ của xã hội là có nên mới có nhiều người dù không có điều kiện nhưng cũng cố để trở thành nghiên cứu sinh thậm chí là học giả đến khi bảo vệ thì chạy chọt. Và như chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh thì còn có cả chuyện đề tài tiến sĩ viết thuê khoảng 300 triệu đồng, khoán trắng cả đầu vào đến đầu ra là 500 triệu đồng. Ông nghĩ sao về chuyện này?

PGS.TS Phạm Bích San: - Như tôi đã nói, đã có cầu thì xã hội ắt có cung thôi.

PV: - Phải chăng chính vì thực tế này dẫn tới việc nhiều tiến sĩ đã không giải quyết được công việc bằng chính chuyên môn của mình nghiên cứu. Ví dụ tiến sĩ ngành nông nghiệp mà không phân biệt được cây lúa với cây cỏ vực?

PGS.TS Phạm Bích San: - Chuyện này nhiều chứ. Như tôi nói người ta đi làm tiến sĩ là để làm quản lý chứ không phải để làm khoa học. Do vậy đương nhiên sẽ có câu chuyện tiến sĩ nông nghiệp không phân biệt được cây cỏ vực với cây lúa. Ví như một người làm quản lý ngành nông nghiệp thì không nhất thiết phải biết cây lúa A khác cây lúa B như thế nào cả.

Giả sử chúng ta có một cách nào khác để lựa chọn một người xứng đáng đi làm quản lý hơn là việc coi bằng tiến sĩ như một điều kiện cần thì chắc là chuyện này sẽ giải quyết nhanh thôi.

Dù rằng chúng ta không có quy định chính thức rằng phải có bằng tiến sĩ mới được đi làm quản lý. Nhưng rõ ràng chúng ta đều thấy nếu có bằng tiến sĩ thì đường đầu vào đi làm quản lý của ai đó sẽ được hanh thông hơn, ưu đãi hơn.

Thành ra tôi cũng thấy rất làm lý thú khi chị bộ trưởng Bộ Y tế tuyên bố làm giám đốc bệnh viện thì không nhất thiết phải làm tiến sĩ. Nhưng có điều tôi cũng tự hỏi rằng nếu chị bộ trưởng này không có bằng tiến sĩ thì liệu chị ấy có làm bộ trưởng hay không?

Tôi cũng nhớ rằng trước đó bộ trưởng Bộ Y tế cũng là một ông tiến sĩ và các nhiệm kỳ trước đó nữa cũng như vậy.

Như vậy thành ra câu chuyện này cũng rất là khó nói.

PV: Trong quá trình công tác của ông có khi nào ông gặp những trường hợp là tiến sĩ nhưng lại phạm vào những nguyên tắc cơ bản nhất trong nghề không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: - Trong nghề xã hội học của tôi từng có vị tiến sĩ khi điều tra khảo sát thông tin đã đặt câu hỏi: “Gia đình anh chị có ai làm những nghề khó nói sau đây hay không: 1 trộm cắp;2 gái điếm; 3 cờ bạc, 4 buôn lậu….”. Trong lý thuyết xã hội học không bao giờ được đưa ra những câu hỏi như vậy để đi đến thống kê hay kết luận đúng sai.

Có nghĩa là ngay cả khái niệm cơ bản của xã hội học để đặt một câu hỏi để đi phỏng vấn, khai thác thông tin họ cũng không biết. Thế nhưng họ vẫn trở thành tiến sĩ xã hội học như bình thường.

Hay như với 5 mẫu câu hỏi 4 câu trả lời có, 1 câu trả lời không thì có vị tiến sĩ đã kết luận ngay là 80% trả lời đồng ý.

Đây là những chuyện rất bình thường và dễ gặp trong ngành xã hội học để thấy được không ít tiến sĩ đang nắm không vững cả khái niệm cơ bản trong nghề của mình. Tôi nghĩ các ngành khác cũng nhiều.

Khó khăn khi nhiều tiến sĩ mà ít người làm được việc

PV: - Chính cái sự hữu danh vô thực như vậy nên đã có ý kiến đề nghị rằng, nếu nhờ nước ngoài sát hạch lại bằng cấp của các tiến sĩ ở Việt Nam có lẽ có đến 90% không đạt yêu cầu. Theo ông kiến nghị này có là phù hợp?

PGS.TS Phạm Bích San: - Tôi nghĩ kiến nghị này cũng không hợp lý bởi nước nào thì cũng có nhiều loại tiến sĩ khác nhau. Cũng có người đi sang nước ngoài vài tháng là kiếm được bằng tiến sĩ. Nói chung tiến sĩ cũng chỉ là cái bằng cấp thôi.

Chỉ khi nào quy định chặt chẽ tiến sĩ thật thì phải làm gì, ví dụ có công trình công bố trên tạp chí được thừa nhận và được trích dẫn. Rồi làm giáo sư thì phải đi dạy học chứ không phải cứ ngồi khơi khơi rồi cũng thành giáo sư.

Tức là sắp đặt lại nhu cầu thì sẽ chỉnh ngay được những người nhao vào làm tiến sĩ giấy thôi.

Ví dụ như chúng ta biết làm tiến sĩ bên Mỹ là một công việc rất là cực nhọc, đầu tư nhiều mà thu nhập lại không cao. Trong khi đó ở ta, nói như GS.VS Trần Đình Long, chính việc hạ chuẩn khiến ai cũng có thể làm được tiến sĩ. Nhưng tôi muốn nhắc lại, vì chúng ta có nhu cầu cần những tiến sĩ như thế. Và các tiến sĩ đi làm quan thì thu nhập rất cao so với các nghề khác nên chẳng tội gì làm tiến sĩ thật trong phòng thí nghiệm, hay nghiên cứu chuyên sâu làm gì.

PV: Thưa ông với thực trạng như vậy liệu Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có gặp khó khăn gì khi xây dựng đội ngũ chuyên gia cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội về lâu dài?

PGS.TS Phạm Bích San: - Tôi nghĩ rằng đây là điều vô cùng khó khăn nếu không nói là một sự thật kinh hoàng. Bởi bây giờ thật giả lẫn lộn. Rất đáng lo ngại cho thời gian sắp tới khi có quá nhiều tiến sĩ giáo sư nhưng lại quá ít người làm được việc.

Nếu một nền kinh tế định hướng để làm việc thật thì đương nhiên các tiến sĩ thật sẽ ra mặt và tiến sĩ giả sẽ bật ra ngay. Còn nếu chúng ta vẫn dung dưỡng các tiễn sĩ giả thì đương nhiên sẽ có những tiến sĩ mà không phải làm công việc của một tiến sĩ.

Trong khi đó thực tế xã hội chúng ta đang có nhu cầu rất cao đối với những người có chức danh tiến sĩ nhưng làm công việc của tiến sĩ. Đáng ra tiến sĩ là phải đi làm đạo tạo cho bậc đại học trở lên thì nay lại đi làm quản lý. Và cũng dễ hiểu khi quản lý là nghề có thu nhập rất cao. Do vậy khi cần tìm người làm việc thật và được việc sẽ là rất khó khăn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên