Nhức nhối thất nghiệp
Dù kinh tế có ấm lên trong quý I/2015 và dự báo cả năm nay sẽ tăng trưởng lạc quan nhưng tình trạng thất nghiệp và giải quyết việc làm chưa đồng hành tương ứng, thậm chí sắp tới còn bi quan hơn nhiều
- 20-03-2015Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
- 04-03-2015TP.HCM: Tỷ lệ làm thủ tục thất nghiệp tăng cao
- 28-02-2015Những điểm mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp
- 27-02-2015Đầu năm hàng ngàn người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp
- 22-02-2015Hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mới thế nào?
- 19-11-2014Chất vấn Bộ trưởng LĐTB-XH về tình trạng thất nghiệp, nợ đọng bảo hiểm
Tình trạng thiếu việc làm nói chung và cử nhân thất nghiệp nhiều nói riêng đã từng khiến dư luận “choáng”. Và hôm 24/4, một lần nữa, dư luận lại giật mình khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận thông báo tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Mặc dù trong giai đoạn 2010-2014, số lao động có trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng nhưng người thất nghiệp cũng tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong khi người có việc làm chỉ tăng 38% thì người thất nghiệp tăng gấp đôi (ở nhóm lao động này - NV)”.
Việc làm tăng không kịp số người cần việc
Đó quả là con số nhức nhối, phản ánh đúng thực tế hiện nay. Theo số liệu của PGS-TS Trần Đình Thiên và các cộng sự (Viện Kinh tế Việt Nam), trong năm 2014, nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực hơn so với 2 năm 2012 và 2013 nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,494 triệu lao động, đạt 98,8% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2013. Tuy nhiên, đó chỉ là dấu hiệu tích cực về mặt số lượng, chất lượng việc làm mới vẫn thấp và thiếu bền vững.
Tư vấn tuyển dụng cho người thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể hơn về tình trạng này, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Đến thời điểm 31-12-2014, dân số cả nước là 90,7 triệu người, trong đó có 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động. Cả nước đã có khoảng 1,2 triệu lao động thiếu việc làm (tỉ lệ 2,45%, trong đó khu vực thành thị là 1,18% và nông thôn là 3,01%) và gần 1 triệu lao động thất nghiệp chiếm 2,08%; trong số này khu vực thành thị là 3,43% và nông thôn là 1,47%.
Như vậy, số việc làm tạo ra dù tăng nhưng không theo kịp số người có nhu cầu tìm việc, vì vậy tỉ lệ thất nghiệp vẫn nóng bỏng.
Vì đâu nên nỗi?
TS Bùi Sỹ Lợi đúc kết một số nguyên nhân cơ bản khiến thất nghiệp ở Việt Nam trở thành vấn đề thách thức.
Một là, lực lượng lao động phân bố không đồng đều giữa các vùng địa lý kinh tế, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Hồng (không bao gồm Hà Nội): 15,2%, đồng bằng sông Cửu Long: 19,1%, trong khi các vùng đất rộng có tỉ trọng lao động thấp như trung du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,7%, Tây Nguyên chiếm 6,3% lực lượng lao động.
Vì vậy, chưa tạo điều kiện phát huy được lợi thế về đất đai, tạo việc làm cho người lao động và góp phần phân bố lại lực lượng lao động, đây chính là nguyên nhân tạo ra sự mất cân đối cục bộ về lao động và là tác nhân của thất nghiệp, thiếu việc làm.
Số người có việc làm năm 2014 dù tăng so với năm 2013 nhưng chưa thể giải quyết được nạn thất nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Hai là, lực lượng lao động có chất lượng thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp...
Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%. Khoảng cách khác biệt về tỉ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn là khá cao (20,4% và 8,6%).
Ngoài ra, thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn nghề nghiệp chưa tốt; bên cạnh đó, kỷ luật lao động còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Ba là, năng suất, hiệu quả lao động trong các ngành kinh tế thấp và có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực nông nghiệp với khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ.
Bốn là, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra. Thị trường lao động nước ta chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, nơi có nhiều KCX-KCN, như: Long An, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Ngược lại một số tỉnh như Bạc Liêu, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An lại có tình trạng dư cung, đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao.
Năm là, mặc dù đã tiến hành 2 đợt cải cách tiền lương (năm 1993 và 2004), bước đầu tách bạch tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp, tạo điều kiện đổi mới chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo định hướng thị trường nhưng mức tiền lương tối thiểu thấp chưa được tính đúng, tính đủ cho mức sống tối thiểu và chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản của người lao động, thấp hơn mức lương tối thiểu thực tế trên thị trường khoảng 20% và hiện nay mới đạt khoảng 45% mức tiền lương tối thiểu trung bình của khu vực ASEAN.
Sáu là, công tác quản lý nhà nước về lao động - việc làm còn nhiều hạn chế, các chính sách, pháp luật đang từng bước hoàn thiện, hệ thống thông tin thị trường lao động còn sơ khai thiếu đồng bộ. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hết sức tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn nhằm không chỉ hỗ trợ cuộc sống người lao động khi mất việc làm mà còn phải đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ để giúp quay lại thị trường lao động.
Chưa thể lạc quan
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, kết thúc năm 2014, tình hình lao động - việc làm và thất nghiệp của thị trường lao động đã có xu hướng cải thiện hơn, cụ thể: Cả năm có gần 68.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, trong khi đã có thêm 75.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,7% so với năm 2013, tăng 10,3% so với số giảm.
Ngay từ quý I/2015, kinh tế đã có tín hiệu khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt 6,03%, điều này sẽ tác động nhanh đến doanh nghiệp trong việc thu hút lao động, bởi Việt Nam đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, điều này làm tăng tính cạnh tranh trong thu hút nhân tài, từ một thị trường lao động có nguồn cung giới hạn.
Không lạc quan như vậy, PGS-TS Trần Đình Thiên lo ngại: Trong năm 2014, số lượng lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp bị giải thể vẫn rất lớn. Số doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn số doanh nghiệp giải thể nhưng số lượng việc làm mới tạo ra thấp hơn số việc làm mất đi. Các doanh nghiệp mới thành lập thường tạo ra chỗ làm mới bấp bênh hơn những doanh nghiệp cũ có thời gian dài hoạt động ổn định.
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), dẫn dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm (1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN), do tác động của xây dựng cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, 60% trong số việc làm này là việc làm yếu thế!