Những con đập trên dòng MêKông đang cướp đi nguồn sống của hàng triệu người? (P2)
Câu chuyện xây đập ồ ạt trên dòng Mêkông như trên không phải câu chuyện mới mà thực ra nó đã bắt đầu từ thập niên 1960.
- 17-03-2016Trung Quốc thông báo xả nước giúp chống hạn hạ lưu sông Mekong
- 16-03-2016Cục trưởng Cục Trồng trọt: Hàng trăm ngàn hộ dân có thể bị đói do hạn, mặn
- 16-03-2016Liên Hợp Quốc sẵn sàng giúp Việt Nam chống hạn, mặn
- 16-03-2016Khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập vì hạn, mặn
Phần 2: Chạy đua xây đập trên dòng Mêkông
[Xem phần trước: Những người nông dân tuyệt vọng ]
Vậy Trung Quốc và nhiều nước khác đã làm những gì ở thượng nguồn mà gây ra tình trạng này?
Số liệu được trích dẫn trong báo cáo World Rivers Review được tổ chức phi chính phủ International Rivers trích dẫn cho thấy, tính đến tháng 12/2014, Trung Quốc đã xây dựng 7 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông và có kể hoạch xây dựng thêm 21 đập nữa. Đó là chưa kể đến hàng chục dự án xây đập khác của Thái Lan, Lào và Myanmar.
Tính tổng, tất cả sẽ có đến 134 dự án xây đập thủy điện trên dòng Mekông. Con sông bị băm nhỏ và thậm chí có thể dẫn đến sự biến mất của Mêkông ở phía hạ lưu, chính là ở Việt Nam. 60 triệu người dân các nước trong khu vực Đông Nam Á đang sống nhờ vào nguồn nước uống, nước sinh hoạt, thức ăn, sinh kế từ dòng sông này.
Vấn đề đối với các đập trên dòng Mêkông không chỉ là số lượng đập mà còn bởi rất nhiều trong số đó là những con đập lớn nhất thế giới, ví như đập Nọa Trác Độ (Nuozhadu) và đập Tiểu Loan (Xiaowan) với công suất lần lượt là 5.850 MW và 4.200 MW. Ngoài ra là hàng chục con đập khác với công suất trên 1.000 MW do Trung Quốc, Lào và Thái Lan xây dựng.
Hai con đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan được ví như những quả bom nước khổng lồ trên đầu các nước Đông Nam Á. Đập Nọa Trác Độ cao 254m (hồ chứa nước dài 226km) dự kiến hoàn thành sớm nhất vào năm 2017. Ước tính mỗi hồ tại đập cần ít nhất 10 năm để chứa đủ lượng nước cao 248m và 205m tương ứng.
Hai đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ tạo nên hai hồ chứa nước khổng lồ lên tới hàng vài chục tỷ mét khối nước nằm ở độ cao lên tới 1.000 mét. Với năng lượng dự trữ khổng lồ, sẽ là thảm họa cực kỳ lớn nếu đập thủy điện bị vỡ. Và ngược lại, để hai con đập khổng lồ và hàng chục đập khác trữ đủ nước thì việc các khu vực hạ lưu trở nên khô cằn là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Đồng nghĩa với nó là các đập thủy điện ở khu vực hạ lưu cũng sẽ trở nên vô dụng khi không còn nước nữa.
Câu chuyện xây đập ồ ạt trên dòng Mêkông như trên không phải câu chuyện mới mà thực ra nó đã bắt đầu từ thập niên 1960.
Ở thời điểm đó và đến khá nhiều thập niên sau này, người ta chỉ quan tâm nhất đến việc làm sao tranh giành được nhiều nhất các nguồn lợi kinh tế từ dòng sông mà bỏ qua các tác động môi trường. Đáng tiếc, cho đến khi người ta thực sự ý thức được điều này, mọi chuyện đã không còn có thể cứu vãn được nữa.
Đáng tiếc, cán cân trong cuộc chơi chủ yếu nghiêng về phía Trung Quốc, còn những nước ở khu vực hạ lưu của dòng sông như Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tồi tệ. Nếu tình trạng như hiện tại tiếp diễn, sẽ không lâu nữa người ta sẽ phải nói đến “cái chết của dòng Mêkông” như một bài báo cuối năm 2015 đã cảnh báo.
Những tháng cuối năm 2015, tòa án Thái Lan đã bác đơn kiện của nông dân Thái Lan chống lại 5 công ty điện Thái Lan mua điện từ đập Xayaburi của Lào. Người nông dân Thái Lan hiểu rằng sinh kế của họ đang dần biến mất, quá tuyệt vọng họ đã nằm dài ôm những khẩu hiệu biểu tình ngay trước sân tòa án để thể hiện sự phản đối của mình. Nếu Mê kông có linh hồn, nó sẽ nghĩ gì cho cái chết được báo trước của nó?
Trí thức trẻ/CafeBiz