Nợ đọng bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng cao
Tình trạng trốn hoặc nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động tại các DN đã trở thành bệnh “mãn tính” từ nhiều năm nay.
- 29-05-2014Bộ Tài chính: Tăng tuổi hưu vì... tuổi thọ người Việt tăng
- 23-05-2014DN ngang nhiên chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động?
- 16-05-2014Nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
- 12-02-2014Ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi BHXH
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6, số người tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 62,4 triệu người, tăng 2,54 triệu người (4,3%) so với cùng kỳ năm 2013. Số thu BHXH, BHYT đạt 90.577,5 tỷ đồng, bằng 46,85% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (180.915 tỷ đồng). Nhiều địa phương có số thu đạt cao so với tỷ lệ chung của toàn ngành như: Trà Vinh 53%, Hải Phòng 51,9%, Hà Giang 51,1%...
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, nợ đọng vẫn diễn ra ở nhiều DN và xảy ra ở tất cả các địa phương làm cho số nợ BHXH, BHYT tiếp tục tăng cao.
Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), hiện nay số đơn vị đăng ký thành lập DN trên cả nước có khoảng trên 500.000, tuy nhiên thực tế chỉ có khoảng 300.000 DN đang hoạt động. Trong số này lại chỉ có 150.000 DN tham gia BHXH. Như vậy, còn 50% DN không tham gia đóng BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, nhiều DN dù đã đăng ký đóng BHXH nhưng vẫn nợ đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng.
Một thực tế đáng buồn là nợ BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở những địa phương phát triển về kinh tế như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Trị... Nguyên nhân của tình trạng nợ cao, theo BHXH Việt Nam, chủ yếu là do hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ở một số địa phương còn hạn chế.
Tính đến ngày 30-6, số nợ của ngành bảo hiểm khoảng 11.900 tỷ đồng, chiếm 6,69% so với tổng số phải thu. So với cùng kỳ 2013, con số này đã tăng hơn 2.521 tỷ đồng, tương đương 27%. Trong đó, riêng nợ BHXH là 9.000 tỷ đồng (nợ từ 6 tháng trở lên là 3.700 tỷ đồng), nợ BHYT là 2.900 tỷ đồng.
Tuy số nợ tiếp tục tăng cao nhưng công tác thu hồi nợ đọng vẫn chưa hiệu quả. Tính đến ngày 31-5, đã có 52 trong số 63 cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện khởi kiện 1.451 đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhưng số tiền thu hồi chỉ đạt 126,2 tỷ đồng.
Thêm quyền cho BHXH
Theo BHXH Việt Nam, mỗi năm có trên 600.000 người được hưởng chế độ BHXH một lần và gần 5 triệu người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, trên 150.000 người được giải quyết hưởng các chế độ hưu trí và BHXH hàng tháng. Tuy nhiên, việc nhiều cơ quan, đơn vị, DN chậm nộp hoặc trây ỳ không đóng BHXH và BHYT không chỉ gây khó khăn cho người lao động trong quá trình ốm đau, thai sản, chuyển công tác, mà nó còn khiến dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ lương hưu.
Nhiều DN không chỉ chậm đóng, nợ BHXH, BHYT mà một số chủ DN còn trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không đóng mà chiếm dụng để làm vốn duy trì hoạt động. Bởi số tiền nợ BHXH, BHYT có lãi chậm đóng thấp hơn lãi suất khi đi vay vốn từ các ngân hàng lại còn phải làm thủ tục thế chấp.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành chính đối với các DN vi phạm BHXH lại quá nhẹ, theo nghị định 86/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá hạn, trốn đóng BHXH thì mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Chính vì vậy, DN sẵn sàng chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH thay vì nộp tiền bảo hiểm đúng hạn cho người lao động.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng ngày càng phổ biến, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, BHXH Việt Nam đã đề xuất tăng mức lãi suất chậm đóng lên gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng. Đề nghị phải quy định tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Bộ luật Hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm hành chính.
Trên thực tế, hiện ngành BHXH là cơ quan trực tiếp tiếp cận với việc thu, chi nên có thể phát hiện những sai phạm nhưng lại không chủ động can thiệp được do không có chức năng thanh tra. Vì vậy, nhằm giải quyết được các vấn đề về vi phạm BHXH như tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH, bà Minh cũng đề xuất, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi nên trao thêm quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm cho cơ quan BHXH. Đồng thời, trao thêm quyền phát mại tài sản khi DN phá sản hoặc bỏ trốn… cho cơ quan BHXH để nhanh chóng xử lý các chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Bên cạnh việc trao thêm quyền cho các cơ quan BHXH để phù hợp với tình hình thực tế, ngành BHXH cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt "đòi nợ” tiền BHXH, đối với những DN trây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài cần có chế tài xử phạt nghiêm, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Với những tổ thu BHXH không thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi nợ BHXH cũng cần có chế tài xử lý...
>>>Nợ đọng bảo hiểm xã hội, 1 phần cũng do doanh nghiệp cố tình
Theo PV