PGS.TS Lê Anh Tuấn: Yêu cầu Trung Quốc xả lũ là việc “lợi bất cập hại”
Liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Việt Nam yều cầu Trung Quốc xả lũ cứu hạn mặn ở ĐBSCL, sáng nay (16.3), PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu BĐKH ĐH Cần Thơ - đã có những chia sẽ với báo chí xoay quanh vấn đề này.
Ông Tuấn cho rằng: Đây là việc “lợi bất cập hại”. Bởi nếu Trung Quốc xả nước, chắc chắn là họ xả cầm chừng, cho có lệ, vì họ cũng cần nước để phát điện cho các tháng mùa khô kế tiếp, trong quãng đường hơn 4.000 km xuống ĐBSCL, chẳng lẽ Thái Lan, Lào, Campuchia không “phỏng tay trên” trước lượng nước chảy qua lãnh thổ của họ trước khi đến vùng ven biển ĐBSCL?
Bên cạnh đó, các vùng trũng, dòng nhánh, khu wetlands dọc lưu vực sẽ tiếp tục gom các nước còn thừa, dòng chảy đến ĐBSCL còn được bao nhiêu? Hầu hết các vùng canh tác lúa và màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết rồi, đưa nước vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa. Campuchia dịp này cũng có thể sẽ yêu cầu thủy điện Yaly xả nước xuống cho vùng Đông Bắc của họ. Vậy, ta lại “lấy đá ghè vào chân mình”.
Theo ông Tuấn, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa con số yêu cầu Trung Quốc xả nước từ đập Cảnh Hồng là 2.300 m3/s, xả liên tục 7 ngày liên tiếp từ đợt 1 từ 7.3 đến 21.3; đợt 2 từ 5.4 - 20.4 (15 ngày). Không rõ ai đề xuất con số này, tuy nhiên, hồ chứa thuỷ điện Cảnh Hồng (Jinghon) có dung tích hoạt động tối đa là 249 triệu m3 nước, nếu xả theo yêu cầu của Việt Nam là tối thiểu 2.300 m3/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ. Như vậy, chỉ sau hơn 1 ngày là hồ hết nước, lấy đâu ra mà xả tiếp mấy ngày sau? Lưu lượng đến hồ Cảnh Hồng hiện nay rất ít. Vả lại, đập thủy điện Cảnh Hồng là đập điều tiết theo mùa nên không thể vận hành theo ngày được.
Lao động