Phải đóng cửa nhà máy nước BOO Đồng Tâm vì nước quá mặn
Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết vài ngày tới Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) sẽ phải đóng cửa vì nguồn nước tại đây bị mặn xâm nhập vượt ngưỡng cho phép.
- 27-10-2015Hà Nội xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng 3.700 tỉ đồng
- 21-08-2015Hà Nội sẽ xây thêm nhà máy nước
- 10-08-2015Nhà máy sản xuất vi mạch: Cân nhắc liên doanh với nước ngoài
- 02-04-2015Hà Nội: Bổ sung thêm hơn 42.000m2 đất cho Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây
“Theo tiêu chuẩn qui định, chỉ được lấy nước sinh hoạt khi độ mặn không quá 0,3g/lít. Tuy nhiên, độ mặn trên sông Tiền đoạn qua nhà máy nước BOO Đồng Tâm mấy ngày qua đã đạt đến 4-5 g/lít. Dự báo trong đợt rằm tháng hai (âm lịch) tới độ mặn tại đây sẽ cao hơn nên buộc phải đóng cửa Nhà máy BOO Đồng Tâm”, ông Pháp giải thích.
Hiện nguồn nước cung ứng cho sản xuất lúa của dự án ngọt hóa Gò Công đã phải cắt hoàn toàn vì không còn nguồn cung. Ngoài hơn 25.000ha lúa có thể coi là “ăn chắc”, số diện tích lúa còn lại khoảng 5.000ha (trong đó 1.100ha thiệt hại hoàn toàn) người dân địa phương đang tổ chức bơm từ nguồn nước đang có trong kênh, mương để cứu được phần nào hay phần nấy.
Cũng theo ông Pháp, mấy ngày qua, mỗi ngày nhà máy BOO Đồng Tâm phải cung cấp khoảng 70.000m3 nước sinh hoạt cho TP Mỹ Tho và các huyện phía đông của tỉnh. Nếu không còn nguồn cung từ nhà máy nước BOO Đồng Tâm thì phải khẩn trương khoan giếng lấy nước ngầm để bù số nước bị thiếu hụt cho người dân sử dụng.
Ngoài giải pháp dùng giếng khoan, giải pháp đắp đập ngăn sông Sáu Hầu - Xoài Hột (cách Nhà máy nước BOO Đồng Tâm khoảng 500m) để lấy nước ngọt từ kinh Nguyễn Tất Thành bơm nước cung ứng cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cũng đã được duyệt kế hoạch chi tiết. Dự kiến trong tuần tới sẽ tiến hành thực hiện.
Ông Lê văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng giải pháp khoan giếng và đắp đập ngăn sông chỉ là giải pháp tình thế, nhưng với tình hình xâm nhập mặn hiện nay, để có nước ngọt cung ứng cho dân xài thì không còn cách nào khác.
Thường xuyên đo độ mặn để lấy nước ở nhà máy BOO Đồng Tâm - Ảnh: Thanh Tú
Theo ông Hưởng, để có đủ 70.000m3/ngày đêm (tới đây nếu kéo đường ống sang huyện Tân Phú Đông thì cần đến 100.000m3/ngày đêm) thì phải khoan khoảng 50 giếng. Các giếng này sẽ được bố trí tại các trạm nước dọc theo đường ống của Công ty BOO Đồng Tâm để tiện lợi lấy nước hòa vào đường ống chung.
“Vấn đề nan giải hiện nay là để khoan đủ số giếng này phài cần ít nhất một tháng nên trong thời gian chờ đợi khoan giếng phải thực hiện kế hoạch đắp đập ngăn sông để lấy nước ngọt khẩn cấp cung ứng cho dân xài” - ông Hưởng nói.
Tuổi Trẻ