MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá nhiều giấy phép con, cháu, chắt

18-06-2014 - 10:24 AM | Xã hội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN) nhận định như vậy tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 17-6 về dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp (DN) mở ra trong khi các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn thì bó lại.

Giấy phép con vô hiệu hóa quyền tự do kinh doanh

“Với quá nhiều quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở các cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật DN đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần. Nay dự thảo luật lại quy định rằng nếu luật chuyên ngành quy định khác với Luật DN về tổ chức và quản lý cũng như giải thể DN thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành” - ông Lộc nói.

"Tôi lo ngại rằng tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về doanh nghiệp sẽ không giảm bớt, thậm chí còn có nguy cơ gia tăng"

Đại biểu VŨ TIẾN LỘC

Đại biểu Vũ Tiến Lộc và đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cùng khẳng định yếu tố quan trọng của công tác hậu kiểm.

Ông Ngân nói trong số 621.000 DN hiện nay chỉ có 356.000 DN đang hoạt động, tức là 57%, còn trên 264.800 DN đang ra sao, một số ngừng hoạt động, đang chờ phá sản, đang chờ cơ hội hoặc đang hoạt động mà Nhà nước không quản lý được?

Vì vậy, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nhân dễ dàng thành lập DN, cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập DN.

Hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các DN mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ DN kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh.

Với kinh nghiệm nhiều năm là lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank, đại biểu Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội) đề nghị cần quy định cụ thể vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu thực có của DN khi thành lập và mở DN cũng như hoạt động kinh doanh của DN.

“Tránh tình trạng nhiều DN không có vốn, thậm chí vay tiền ngân hàng để khai vốn, 1-2 tháng sau là âm. Rất nhiều DN giải thể, phá sản, tạo nên tình trạng vốn ảo rất lớn trong nền kinh tế” - ông Hùng nói.

Cũng như nhiều đại biểu khác, ông Hùng cho rằng nên bỏ toàn bộ chương quy định về DN nhà nước trong dự thảo luật này. Quy định về DN nhà nước nên được thiết kế và đề cập đầy đủ, chặt chẽ trong Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Đối với Luật DN nên xây dựng trở thành một luật chung, mọi DN thuộc mọi thành phần kinh tế khi thành lập và hoạt động đều phải tuân thủ các quy định chung của luật này.

Đề nghị không cấm kinh doanh thám tử, điều tra

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh dự thảo luật này nếu được Quốc hội thông qua sẽ là bước đột phá mới, theo đó DN được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Tuy nhiên, để đảm bảo được tinh thần này thì luật cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Không đưa “nhà hàng nổi” vào Luật giao thông đường thủy nội địa

Sáng 17-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Trước việc có ý kiến của đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc đăng kiểm, quản lý các loại nhà hàng nổi kinh doanh, các loại thuyền du lịch, bo bo... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các phương tiện nêu trên là phương tiện thủy nội địa và phải được đăng ký, đăng kiểm, đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định tại luật này. Hơn nữa, đối với phương tiện nhà hàng nổi, thuyền du lịch đã được quy định riêng trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, không nhất thiết phải bổ sung quy định trên vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị loại bỏ khỏi danh mục cấm kinh doanh một số ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ như: kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha mẹ con nuôi, con nuôi có yếu tố người nước ngoài; đầu tư trong lĩnh vực thám tử, điều tra.

Theo ông Đồng, đây là các ngành nghề đang có nhu cầu thật sự trong xã hội, cơ bản không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, an toàn tính mạng, sức khỏe của con người cũng như an ninh quốc gia, không gây phương hại đến lợi ích cá nhân, cộng đồng.

“Do đó tôi đề nghị bổ sung ngành nghề này vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện” - ông Đồng nói.

Theo đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kontum), mặc dù dự thảo luật quy định “DN có quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm”, nhưng đối với DN nhà nước để đảm bảo kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực, tránh đầu tư dàn trải và nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ Nhà nước đã giao, thì trong luật cần phải có những quy định để DN nhà nước chỉ được kinh doanh đúng ngành nghề mà nhà nước cho phép kinh doanh.

Qua đó để DN Nhà nước không được tùy tiện kinh doanh tất cả ngành nghề và chạy theo lợi nhuận, chạy theo phong trào.

Đề nghị cho đăng ký DN qua Internet

Hoan nghênh việc dự thảo luật có nhiều quy định mới về đăng ký thành lập DN theo hướng giảm thiểu điều kiện thành lập, hồ sơ đăng ký thành lập và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thành lập DN... tuy nhiên đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ quan ngại về việc dự thảo luật chỉ quy định một trình tự đăng ký DN chung là thực hiện trực tiếp tại cơ quan đăng ký DN, với thời hạn xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tương đối dài là năm ngày làm việc.

Trong khi đó theo ông Tiến, ở hầu hết các nước thủ tục đăng ký DN được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử đã trở nên rất phổ biến.

Chẳng hạn như tại Singapore hệ thống đăng ký DN điện tử đã được áp dụng từ nhiều năm nay cho phép mọi người tự khai nhập dữ liệu, đăng ký công ty một cách dễ dàng và nhận được kết quả ngay trong ngày.

Ở VN việc đăng ký thành lập DN qua mạng cũng đã được một số địa phương triển khai trong khuôn khổ đề án cải cách thủ tục hành chính. Do vậy, ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung hình thức này vào dự thảo luật.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đã thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự thảo Luật DN (sửa đổi), để tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu đầy đủ và tiếp thu giải trình, báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp lần sau.

>>> Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Thoáng quá hóa hở

Theo Võ Văn Thành

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên