MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội chiều 19/11: Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTBXH quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài đến VN

19-11-2014 - 14:36 PM | Xã hội

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ LĐTB-XH rà soát hệ thống tổ chức đào tạo, từ đầu vào đến đầu ra. Cần thực hiện kết nối thị trường, nhà nước, doanh nghiệp và người lao động để có hệ thống đào tạo tốt.

Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều 19/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyề tiếp tục giải trình chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội và thất nghiệp.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Đồng Nai đặt câu hỏi: Về vấn đề đóng BHXH, trường hợp người lao động đã đóng tiền BHXH nhưng nhà tuyển dụng không đóng thì trách nhiệm thuộc về ai và giải quyết như thế nào?

Trả lời chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định thì doanh nghiệp phải đóng BHXH cho người lao động. Trường hợp doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm theo quy định, các cơ quan quản lý trực tiếp sẽ xem xét, xử lý. Doanh nghiệp phải đóng cá biệt cho các trường hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định, quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm phải đảm bảo công bằng. Dự kiến đến năm 2016 thời gian đóng bảo hiểm sẽ bình đẳng quyền lợi giữa các đối tượng trong và ngoài khu vực công.

Đại biểu Trần Đình Long – Đắc Nông chất vấn: Về mức lương tối thiểu vùng, theo quy định hiện nay có khuyến khích được doanh nghiệp đến các vùng khó khăn hay không? Và giải pháp như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời: Theo quy định sẽ thực hiện mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2015, phương án này đã được Thủ tướng phê duyệt. Khi phân theo vùng sẽ vừa đảm bảo nhu cầu tối thiếu của người dân, vừa thu hút phát triển kinh tế vùng.

Theo Bộ trưởng, việc phân định mức lương tối thiểu vùng trên khía cạnh nào đó sẽ khuyến khích doanh nghiệp, mức lương thấp hơn sẽ thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Về vấn đề tiền lương tại sao phải chia thành 2 khu vực, Bộ trưởng cho biết, lương của khu vực sản xuất kinh doanh theo thị trường, khu vực hành chính sự nghiệp là theo ngân sách. Mức trả lương khu vực sản xuất tùy thuộc vào khả năng phát triển của doanh nghiệp. Còn ở khu vực nhà nước thì lấy mức lương tối thiểu nhân hệ số. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn nên mức lương chưa thể đảm bảo mức sống của người lao động.

Trước khi Quốc hội bước sang phần chất vấn và trả lời chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết: Những vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đều là những vấn đề chiến lược và là những vấn đề khó.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã trải qua thời gian dài công tác và có nhiều kinh nghiệm. Các vấn đề bao gồm cả những vấn đề chiến lược và vấn đề cụ thể, liên quan đến lao động, phát triển kinh tế xã hội đồng bào vùng sâu vùng xa. Bộ trưởng đã trả lời rất cụ thể, rõ ràng và chắc chắn và đã giải đáp được nhiều khúc mắc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết những vấn đề về lao động, xã hội cần quan tâm trong thời gian tới như sau:

(i) Công tác đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả còn chưa cao, vấn đề tồn tại là đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm. Yếu tố ảnh hưởng đến việc làm gồm: thiếu việc làm và việc làm không đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng đào tạo thấp nên không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTB-XH rà soát hệ thống tổ chức đào tạo, từ đầu vào đến đầu ra. Cần thực hiện kết nối thị trường, nhà nước, doanh nghiệp và người lao động để có hệ thống đào tạo tốt. Từ đó nhằm nâng cao chất lượng lao động, cũng như thị trường lao động.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải coi thị trường lao động là thị trường quan trọng và là nơi kết nối gặp gỡ các thị trường khác như thị trường hàng hóa, thị trường xuất khẩu, thị trường tài chính …

Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTB-XH quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài đến VN. Đồng thời yêu cầu Bộ trưởng làm tốt hơn nữa việc đưa lao động ra nước ngoài, đảm bảo lao động VN ra nước ngoài chấp hành luật pháp nước ngoài. Cần tạo ra bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng với khoa học công nghệ, quản lý, cần nâng cao năng suất lao động.

(ii) Về tiền lương và chế độ cho người lao động, Chủ tịch Quốc hội thừa nhận, đây là vấn đề còn nhiều bất cập và là một tồn tại chung. Bên cạnh đó, còn có những chênh lệch chưa hợp lý giữa các lĩnh vực. Tùy theo tình hình thực tế của đất nước để giải quyết vấn đề một cách tích cực nhất.

Đặc biệt đối với vấn đề tiền lương, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp; phát huy tối đa vai trò của công đoàn trong doanh nghiệp.

(iii) Về vấn đề BHXH, trong đó vấn đề được quan tâm nhiều là chính sách phát triển BHXH, sẽ có điều chỉnh luật cho phù hợp. Về vấn đề nợ Bảo hiểm, Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTB-XH phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, phân loại và giải quyết một cách tốt nhất; hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng bảo hiểm và nợ bảo hiểm.

(iv) Một số chính sách xã hội đang được rà soát để điều chỉnh, tiếp thu và bổ sung cho hợp lý.

>>> Nội dung chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền sáng 19/11




Nguyệt Quế

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên