Quốc hội có thể giới thiệu thêm nhân sự bầu lãnh đạo cấp cao
Bắt đầu từ sáng 30/3, Quốc hội khoá 13 sẽ thực hiện những bước đầu tiên về kiện toàn nhân sự cấp cao.
- 28-03-2016“Đại biểu Quốc hội cần tăng tính chuyên nghiệp, tránh công chức hóa”
- 28-03-2016Đại biểu “mượn lời Thủ tướng” để chúc Quốc hội khóa 13
- 28-03-2016Người không xứng đáng vào Quốc hội: Ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 28/3, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc chuẩn bị cho công tác nhân sự đã chu tất.
Ai tự ứng cử hoặc được đề cử thì sẽ thảo luận
thì Với các báo cáo về nhân sự thì vào chiều 28/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến để vào ngày 30/3 trình ra theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng. Còn các cơ quan tham mưu đã chuẩn bị đầy đủ, ông Lưu cho biết.
Phó chủ tịch cũng nói rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp chung về công tác nhân sự, còn trong quy trình (diễn ra trong 10 ngày - PV) thì có những việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể phải họp riêng.
Ví dụ như sau khi các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về từng nhân sự có vấn đề gì, thì Thường vụ phải cho ý kiến để chuẩn bị báo cáo của Thường vụ ra trước Quốc hội, để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
“Đây là quy trình theo nội quy kỳ họp và theo quy định của pháp luật. Rất thận trọng, rất kỹ”, Phó chủ tịch khẳng định.
Phương án miễn nhiệm các chức danh chủ chốt, theo Phó chủ tịch là đã có. Luật đã quy định cơ quan nào có quyền đề nghị với Quốc hội bầu vị trí như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội thì cơ quan đó có trách nhiệm trình tờ trình ra trước Quốc hội miễn nhiệm đối với chức danh đó, ông giải thích.
Về việc bầu mới các chức danh chủ chốt, Phó chủ tịch giải thích, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ theo luật là chỉ được bầu trong số các vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm.
Nếu đại biểu Quốc hội nào tự ứng cử hoặc đề cử nhân sự nào đó thì sẽ đưa ra Quốc hội để thảo luận và quyết định đưa ai vào danh sách để bầu.
Còn nếu người được đề cử hoặc ứng cử xin rút, thì theo luật sẽ cho họ rút.
“Chiều nay Thường vụ sẽ họp bàn về vấn đề này”, ông Lưu chốt lại.
31/3, 2/4 và 7/4
Theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị, quy trình làm nhân sự sẽ được bắt đầu từ 10h30 sáng 30/3.
Tại đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Việc miễn nhiệm và bầu nhân sự mới đều được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín với cùng một ban kiểm phiếu.
Chiều cùng ngày, sau khi kết quả bỏ phiếu miễn nhiệm được công bố, nhân sự dự kiến để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ được trình Quốc hội.
Sáng 31/3, sau khi có kết quả kiểm phiếu và Quốc hội thông qua nghị quyết bầu chức danh này thì Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Ngay sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Nhân sự mới để bầu Chủ tịch nước được trình vào chiều cùng ngày và kết quả bầu được công bố sáng 2/4. Chủ tịch nước cũng sẽ tiến hành tuyên thệ trước Quốc hội.
Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng.
Cuối chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả bầu Thủ tướng mới sẽ được công bố vào sáng 7/4. Sau đó, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ như hai chức danh nói trên.
VnEconomy