Quy định mới về quản lý người nước ngoài cư trú tại Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 64/2015/NĐ-CP quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10.
- 26-12-2014Nhiều quy định mới về thủ tục xuất, nhập cảnh
- 10-09-2013Xuất nhập cảnh “không thể đóng mở theo ý ta”
- 13-03-2013Thảo luận dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
Theo đó, Chính phủ yêu cầu việc phối hợp giữa các cơ quan phải đảm bảo chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời; tập trung, thống nhất, không chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan liên quan...
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh phải phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong việc trao đổi thông tin cấp thị thực, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép lao động, Giấy phép hành nghề; chỉ đạo cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú của người nước ngoài.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi phát hiện người nước ngoài bị tai nạn, tử vong..., phải trao đổi với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện nước đó.
Về việc cấp giấy tờ cho người nước ngoài, Chính phủ quy định, danh sách người được cấp thẻ tạm trú phải được chuyển cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sau 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp.
Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong thời hạn 1 ngày làm việc phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài và đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh để từ chối cấp thị thực hoặc thu hồi, hủy bỏ thị thực đã cấp đối với các trường hợp giả mạo giấy tờ để được duyệt cấp thị thực hoặc sau khi duyệt mới phát hiện có vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, quốc phòng.