MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sau 1 năm lấy phiếu tín nhiệm, một số bộ ngành đã có chuyển biến"

13-11-2014 - 11:59 AM | Xã hội

Cuối tuần này (15/11), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Đây là lần thứ hai Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Như thường lệ, cử tri đặc biệt quan tâm đến những lá phiếu dành cho thành viên của Chính phủ.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đoàn Ninh Thuận) cho biết, những "lĩnh vực nóng” như ngân hàng, giao thông vận tải, công thương là có nhiều chuyển biến rõ rệt sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên cách đây một năm.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính hình thức, nên bỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì bởi vì cái này cũng là một chế định tuy không mới, nhưng mình cũng mới thực hiện và đã thấy vai trò, tác dụng của nó khá tốt.

Nhìn lại lần lấy phiếu đầu tiên đối với một số ngành có bộ trưởng mà số phiếu tín nhiệm thấp còn tương đối cao thì nay đã có rất nhiều chuyển biến.

Ví dụ như ngành ngân hàng, giao thông vận tải, công thương thì tôi thấy là đã có những chuyển biến rất rõ rệt. Tuy nhiên cũng có những Bộ trước đây chưa được tín nhiệm tốt thì đến nay cũng chưa có chuyển biến gì như Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Còn nhiều bộ ngành khác thì nhìn chung đã có sự chuyển biến rất rõ rệt, và tôi nghĩ là có khá nhiều bộ chưa được đánh giá cao trong lần lấy phiếu trước thì lần này sẽ được đánh giá cao hơn.

- Cụ thể những ngành nào mà ông nhận định là sẽ được đánh giá cao trong lần bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Theo tôi thì ngành ngân hàng và giao thông vận tải vốn trước đây nhận phiếu tín nhiệm khá thấp, trong kỳ này có thể sẽ được đánh giá cao.

Chúng ta còn nhớ, vào đầu nhiệm kỳ này của Quốc hội, ngành ngân hàng có thể nói rằng đang đứng trước nguy cơ rất nặng nề, nhiều người lo ngại về sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Thời điểm đó có rất nhiều các vụ việc xảy ra, rồi các giải pháp liên quan đến nợ xấu, liên quan đến rất nhiều vấn đề là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Nhưng đó là giai đoạn trước, mà nó dẫn sang thời điểm này.

Tuy nhiên, tôi thấy với sự chỉ đạo quyết liệt trong hai ba năm trở lại đây thì nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng gần như bị loại bỏ, tất cả các vấn đề khác đều đang được giải quyết. Ví dụ như vấn đề nợ xấu, lãi suất cũng đang dần được tháo gỡ. Tôi nghĩ nhìn vào đó đã có thể đánh giá được tất cả.

Đối với ngành giao thông, tôi đánh giá rất cao những giải pháp quyết liệt mà Bộ trưởng Bộ Giao thông đặt ra. Những vấn đề lớn như xử lý xe quá tải, xử lý tại các công trình trọng điểm Quốc lộ 1A, hay sự cố đường cao tốc, rồi những giải pháp khác nữa như là xử lý trong việc chấn chỉnh trong đăng kiểm phương tiện. Tôi nghĩ đấy là điểm sáng. Nó là tiền đề cho việc xây dựng nề nếp trong ngành giao thông vận tải tốt hơn rất nhiều trong thời gian tới.

- Đến thời điểm này, một số đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng đang có khá ít thông tin về các đại biểu sẽ được lấy phiếu tín nhiệm, nên khó bỏ phiếu chính xác. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Nói là có đầy đủ thông tin không thì không ai dám khẳng định, bởi vì báo cáo của Bộ trưởng chỉ là một kênh thông tin, dù nó khá quan trọng.

Bên cạnh đó là lĩnh vực công tác của Bộ trưởng, mỗi đại biểu có một cách thu thập thông tin cho mình, có cách xử lý thông tin theo cách của mình.

- Theo ông, liệu có phải vì áp lực của việc lấy phiếu tín nhiệm mà hiện nay có dấu hiệu nhiều bộ ngành đang xử lý công việc mang tính chất đối phó?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi thì tôi nhìn ở góc độ rộng hơn. Tất nhiên trong việc lãnh đạo chỉ đạo điều hành thì khi có vấn đề thì vẫn phải có những giải pháp để xử lý vấn đề đó. Đôi khi có những sự là trùng hợp, chẳng hạn vào những thời điểm, kỳ họp Quốc hội thì các Bộ trưởng đưa ra giải pháp này, giải pháp khác sẽ dễ khiến dư luận cho rằng đó là giải pháp đối phó.

Tuy nhiên, trong khi Quốc hội đang họp, các đại biểu đặt ra vấn đề này, vấn đề kia và Bộ trưởng giải quyết ngay thì tôi nghĩ đó là giải pháp kịp thời chứ không thể nói là đối phó được.

- Khi sửa Luật Tổ chức Chính phủ, có ý kiến cho rằng nên quy định trách nhiệm cụ thể với bộ trưởng, như từ chức chẳng hạn, để không còn giải pháp lấy phiếu tín nhiệm nữa...

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì, bởi vì điều này là chế định tuy không phải mới, nhưng mình đã thấy vai trò, tác dụng của nó khá tốt, nên duy trì. Còn tất nhiên, đó không phải là giải pháp duy nhất.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như hiệu quả trong điều hành quản lý của nhà nước, tất nhiên phụ thuộc rất nhiều vào cố gắng tự thân của các đồng chí trong Chính phủ để từ đó có những giải pháp. Bên cạnh đó, còn liên quan đến trình độ, năng lực, liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nữa...

Rất nhiều đại biểu chia sẻ về cơ chế từ chức, rằng nên làm như thế nào đó giúp bộ trưởng ý thức hơn về lãnh đạo, quản lý. Nếu khi xảy ra các vấn đề lớn như ở nước ngoài chẳng hạn thì nên quy trách nhiệm bộ trưởng, chứ không nên xử lý theo kiểu “thí tốt”.

- Xin cảm ơn ông!

>>>


Theo
Quảng -Thúy

cucpth

TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên