MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp giao thông nên đi máy bay giá rẻ: Chuyện chẳng có gì mà ầm ỹ

20-10-2013 - 09:29 AM | Xã hội

Thực ra, chuyện đi lại bằng phương tiện công cộng hay máy bay giá rẻ của các sếp còn liên quan đến tiêu chuẩn, thời gian, bí mật công việc và nhiều thứ khác, nhưng nếu làm được thì là điều rất nên làm.

Dư luận đang rộn ràng với việc Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng kêu gọi các sếp ngành giao thong - thay vì đi máy bay hạng thương gia - nên đi bằng máy bay giá rẻ. Không ít người khen ông Bộ trưởng. Không ít người cho rằng ông vận động thế là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Còn nếu xét cho cùng, lẽ ra, chuyện này chẳng có gì mà phải ầm ỹ.

Còn nhớ, cũng khoảng này 2 năm trước - tầm tháng 10.2011, chính Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nhân viên bộ GTVT đi làm bằng xe bus. Để rồi chỉ vài tuần sau, ông lên báo thú nhận rằng, ông thử đi xe buýt hai lần nhưng thấy khổ quá, chất lượng xe bus như hiện giờ ông còn chả đi nổi thì bắt nhân viên đi bus sao được.

Trên thế giới, việc các bộ trưởng, thậm chí cả thủ tướng, tổng thống đi vi hành hoặc đi làm bằng phương tiện công cộng hoặc xe đạp không phải là hiếm.

Mới hôm 25.7, Bộ trưởng Giao thông Singapore Lui Tuck Yew đã đi làm bằng xe bus, một mình và còn phải đứng hồi lâu trên xe vì đông quá. Năm 2011, ông cũng đã đi làm bằng bus để kiểm tra hệ thống giao thông.

Đầu năm nay, ông Simon Burns -lúc đó là Bộ trưởng Giao thông Anh -đã đi làm bằng tàu điện ngầm sau khi bị cáo buộc chi hết 80 nghìn bảng Anh mỗi năm vì thuê tài xế riêng. Và để bắt được chuyến tàu đó, ông đã phải ra bến từ 5h20 sáng, mua vé bình thường, chờ tàu 18 phút, đứng trên tàu 36 phút rồi đi bộ 10 phút mới tới nơi làm việc.

Thủ tướng Anh David Cameron - dịp Olympics London tháng 7.2012 -đã bắt tàu điện ngầm đi xem một trận đấu, không có vệ sĩ riêng, không trống dong cờ mở. Ông Cameron thỉnh thoảng vẫn đi phương tiện công cộng và trước khi thành thủ tướng, ông thường xuyên đi xe đạp đi làm.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngay từ khi nhậm chức giữa năm 2012 đã yêu cầu các bộ trưởng đi công tác bằng xe lửa, nên mua vé máy bay bình dân thay vì vé thương gia, xe công hạn chế dùng loại đắt tiền. Chính ông Hollande không đi chuyên cơ, mà đã đi xe lửa dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hoặc đi nghỉ hè lúc đó.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến ông Hollande vô cùng ngạc nhiên khi bà thú nhận với ông Hollande rằng bà phải thường xuyên bỏ tiền túi cho các chuyến đi vì mục đích cá nhân…

Ở các nước có giao thông công cộng phát triển thì việc các quan chức đi làm bằng phương tiện công cộng hoặc bằng xe đạp là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và việc họ đi lại bằng phương tiện công cộng - với một số quan chức là thường xuyên, với một số người là thi thoảng vi hành - thì cũng diễn ra từ lâu lắm rồi chứ chẳng cần chờ đến thời buổi kinh tế khó khăn phải thắt lưng buộc bụng như bây giờ.

Bộ trưởng Thăng và các quan chức của ông có đi máy bay giá rẻ mới thấy tiết kiệm được chừng nào cho ngân sách. Và cho dù đi máy bay giá rẻ, liệu ông có thể hiểu - dù chỉ phần nào - rằng đôi khi người dân đi máy bay giá rẻ sẽ bị đối xử như “công dân hạng hai” thế nào: Từ việc làm thế nào săn được vé rẻ, nỗi lo về an toàn bay đến chuyện sân bay đông đúc chen chúc, tiếp viên đôi khi không được niềm nở lắm và nhất là cái sự bực mình vì trễ giờ hàng tiếng đồng hồ mà chỉ kèm một lời xin lỗi nhẹ hều…

Thực ra, chuyện đi lại bằng phương tiện công cộng hay máy bay giá rẻ của các sếp còn liên quan đến tiêu chuẩn, thời gian, bí mật công việc và nhiều thứ khác, nhưng nếu làm được thì là điều rất nên làm.

Và không chỉ với các bộ trưởng, tại nhiều công sở, cơ quan, việc lãng phí là tràn lan và bị dư luận lên án từ lâu. Nhưng nhìn lại, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, khuyến nghị về tiết kiệm, không chỉ trong ngành giao thông, không chỉ trong việc đi lại, thì lẽ ra, lời vận động đi máy bay giá rẻ của Bộ trưởng Thăng phải có từ lâu và lẽ ra, đó phải là chuyện “chả có gì mà phải xoắn”!

Theo Mỹ Hằng

thunm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên