MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật sau các bản kê khai tài sản

12-03-2014 - 08:54 AM | Xã hội

Minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đã được luật hóa và có hiệu lực gần 15 năm nay.

 Nhưng chỉ tới khi chuyện của nả “chìm, nổi” của các quan chức, cựu quan chức đột nhiên “lòi” ra thì dư luận mới thật sự giật mình…

Minh bạch… “hình thức”

Năm 1998, quy định về công khai tài sản đã được đề cập trong Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng. Năm 2005, văn bản này đã được nâng lên thành luật rồi tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012 và gần đây (2013) các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan đến công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được ban hành.

Nhìn chung, cơ sở pháp lý là tương đối đầy đủ; quyết tâm chính trị về phòng, chống tham nhũng cũng không hề thấp. Thế nhưng, dư luận thi thoảng vẫn “giật mình” khi nghe báo chí loan tin, xã hội bàn tán về những khối tài sản “chìm, nổi” cực lớn có liên quan đến một số quan chức hoặc cựu quan chức.

Vì thế, nhiều người cho rằng chuyện kê khai tài sản vốn là một trong những mấu chốt của công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng đang diễn ra hết sức “hình thức”. Nhận định này không chỉ từ dư luận nhân dân mà Bộ Chính trị trong Chỉ thị số 33 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản mới đây cũng đã nêu rõ:

“Thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế….”.

Sự “hình thức” trên rõ ràng bấy lâu ai cũng biết, nhưng ít có dẫn chứng cụ thể để chỉ tên, điểm mặt, chỉ tới khi những vụ việc kiểu như đại án tham nhũng ở TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị đưa ra anh sáng thì người ta mới hay nguyên Chủ tịch “Tổng” này có nhà siêu sang tặng “bồ nhí” tại một số cao ốc chọc trời thuộc Hà Nội...

Hay tin, nhiều người đặt câu hỏi: Tiền đâu để Dương Chí Dũng mua nhà? Tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có thẩm tra, xác minh tài sản trước khi bổ nhiệm Dũng làm Cục trưởng ở Bộ Giao thông…?
Chưa hết, gần đây dư luận lại “nóng” hơn khi báo chí tiết lộ thông tin, hình ảnh về những khối tài sản cực lớn được cho là của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Vị cựu quan chức một thời đứng đầu cơ quan vốn chủ việc phòng, chống tham nhũng của Chính phủ sau đó đã lên tiếng phủ nhận “cáo buộc” của truyền thông...

Nhưng, những dẫn chứng kiểu này cũng ít nhiều cho thấy việc kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập mà chúng ta đang làm đều đặn mỗi năm là hết sức hời hợt và dần trở thành một “căn bệnh” tái đi, tái lại đối với một bộ phận không nhỏ những người thuộc diện phải kê khai.

Bao giờ thành công cụ “đánh, bắt” tham nhũng?

Nếu tính từ thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời thì quy định cán bộ đảng viên phải công khai tài sản đã thực hiện được 8 năm. Về lý thuyết, trong chừng ấy thời gian, chúng ta đã kiểm soát được tài sản của các đối tượng phải kê khai.

Nhưng cách đây không lâu, trong sơ kết 5 năm thực hiện Luật này, Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, như: Nhận thức về công tác kê khai tài sản trong cán bộ, công chức chưa thực sự đúng đắn; những quy định cũ về kê khai tài sản chủ yếu dựa vào tính tự giác mà không có biện pháp kiểm soát; quá trình tổ chức ở một số cấp, ngành thiếu đồng bộ…

Vì thế, cho đến thời điểm này, chúng ta chưa phát hiện, xử lý được một vụ tham nhũng nào từ những số liệu trong các bản kê khai của các cán bộ, công chức…

Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 khắc phục được những hạn chế vừa nêu nên được nhân dân và cán bộ, đảng viên kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để “đánh, bắt” tham nhũng. Theo đó, những kẻ hở trước đây đã được xử lý thông qua các quy định như: phải công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tại nơi người đó công tác; người kê khai phải có nghĩa vụ giải trình về giá trị tài sản tăng thêm hàng năm và đặc biệt là quy định thẩm tra xác minh tính chính xác trong bản kê khai của cơ quan có thẩm quyền đối với các bản kê khai…

Các chuyên gia trong lĩnh vực Nội chính nói rằng, quy định này là khá “mạnh tay”, thậm chí mạnh hơn so với luật pháp về minh bạch tài sản của một số quốc gia.

Cụ thể, Nghị định 78/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng về minh bạch tài sản quy định: người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng; Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng… trong Quân đội nhân dân; thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát; Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND xã, phường… phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập…

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Jairo Acuna-Alfaro - Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng UNDP tại Việt Nam nhận định: “Thực thi Nghị định 78, có đến 600.000 người nằm trong danh sách phải kê khai tài sản. Số lượng người phải kê khai lớn như vậy khiến mọi việc trở nên khó quản lý…”.

Chuyên gia này dẫn chứng thêm: “Kinh nghiệm thành công của quốc tế cho thấy số lượng quan chức phải kê khai tài sản càng “tinh” thì việc kiểm tra tính chính xác của bản kê khai càng dễ dàng. Điều quan trọng thứ hai là xã hội - đặc biệt là báo chí - phải được tiếp cận với thông tin kê khai tài sản để cùng kiểm chứng.”.

Ở đây, chúng ta chưa bàn sâu tới phạm vi đối tượng, chỉ nhấn mạnh đến tính minh bạch trong các bản kê khai. Và trong khi chúng ta thừa nhận việc này đang “hình thức”, thì mọi việc phụ thuộc rất lớn vào sự giám sát, xác minh một cách có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hàng chục vạn bản kê khai đã và đang được thu thập hàng năm.

Theo Võ Tuấn

cucpth

Phapluat Online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên