Tăng lương: Mừng ít, lo nhiều
Lương tăng thì giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng theo, trong khi DN có thể cắt giảm chi phí cho người lao động khiến thu nhập của họ có thể không tăng.
- 17-06-2015Năm 2016 sẽ tăng lương đồng loạt và "trảm" cán bộ "cắp ô"
- 03-06-2015Thu ngân sách tăng nhưng chưa đủ tăng lương
- 29-05-2015"Tăng lương như hiện nay là chắp vá, chưa phải là cải cách tiền lương"
- 26-05-2015Ngân sách vượt 80 ngàn tỷ, sao không tăng lương?
- 22-05-2015Vì sao các nhà kinh tế học phản đối tăng lương tối thiểu?
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu để tăng lương cho người lao động vào năm 2016.
Thông tin này có thực sự khiến người lao động vui mừng không? Có lẽ là vui – buồn lẫn lộn. Bởi, ai cũng muốn tăng lương để có điều kiện cải thiện cuộc sống. Thế nhưng với nhiều người, lương tăng chẳng ý nghĩa gì vì lương tăng thì giá cả các mặt hàng cũng tăng theo, có khi lương mới còn phải sống kham khổ hơn mức lương cũ. Giá – lương bao năm qua cứ vờn đuổi nhau. Lương thì luôn chạy theo giá. Vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp cầm lương mới trên tay thì giá các mặt hàng đã tăng mất rồi. Tác động của tiền lương với những người làm công là một vấn đề, nhưng với xã hội thì lại là vấn đề khác.
Chị Nguyễn Thị Minh Lý, công nhân KCN Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: “Lương công nhân hiện đang hơn 5 triệu/tháng. Mức lương này chỉ đủ trang trải cho cuộc sống bản thân. Mỗi lần tăng lương thì giá thuê nhà trọ, tiền mua thức ăn cũng tăng theo. Cho nên, việc tăng lương không có nhiều ý nghĩa với người lao động. Mong muốn của người lao động là Nhà nước giữ ổn định, giảm giá điện, xăng dầu, nước sinh hoạt, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thì việc tăng lương mới có ý nghĩa”.
Ông Nguyễn Văn Đại, hiện đang là lao động tự do cho rằng, tăng lương là tăng cho những người làm công ăn lương chứ người dân như chúng tôi đâu có lợi gì. Đã không có lợi thì chớ, mỗi khi tăng lương giá cả các mặt hàng lại tăng vùn vụt. “Người ta bán hàng thì bán cho toàn xã hội chứ đâu có phân biệt ông này không có lương thì bán rẻ, ông kia mới được tăng lương thì bán đắt hơn” – ông Đại thở dài nói.
Nghe nói đên tăng lương thì cả người lao động và doanh nghiệp đều sợ. Người lao động sợ thị trường sinh hoạt phí sẽ có mặt bằng mới, lương mới không thể kham nổi. Còn doanh nghiệp, khi lương tối thiểu tăng sẽ kèm theo mức đóng bảo hiểm tăng. Việc tăng các khoản chi phí cho lao động đồng nghĩa với giảm tiền trong túi của doanh nghiệp. Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mức độ tăng lương tối thiểu sẽ tác động lớn tới mức tăng của các loại phụ cấp và các khoản chế độ chính sách liên quan. Do đó, khi tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương DN phải chi trả cho NLĐ tăng thêm hơn 17%.
Ông Triệu Tuấn Phong – Giám đốc Công ty Xây dựng Hùng Mạnh cho biết: “Công ty phải tuân thủ các qui định của pháp luật về chế độ lương, thưởng, nghỉ lễ… của người lao động. Mặc dù có cả năm chuẩn bị cho việc tăng lương sắp tới nhưng chúng tôi không thể không lo lắng. Ở đây không phải chỉ lo chi trả cho người lao động trong 1 tháng hay 1 năm mà cả một quá trình lâu dài. Với điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay, chúng tôi không biết có đảm bảo doanh số để có thể trả lương cho người lao động theo đúng luật hay không. Có thể chúng tôi phải cân đối để cắt một số khoản thưởng, ăn trưa… để chia sẻ với tình hình khó khăn của công ty”.
Có thể thấy, ai cũng có cách ứng phó riêng của mình với việc “tăng lương”. Doanh nghiệp sẽ co khoản thưởng, thu nhập tăng thêm. Người làm công, đặc biệt làm làm cho các DN thì thu nhập “vẫn y nguyên” nhưng trên danh nghĩa là có tăng lương. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng sẽ thay nhau “chạy” trước lương. Và chốt lại, tất cả mọi người, kể cả người không có lương, phải tìm cách “bóp” các nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của mình.
Đúng là nói tới câu chuyện tiền lương và giá cả thì rất vô cùng. Người đi làm mong muốn có được đồng lương tương xứng với sức lao động của mình để trang trải cuộc sống nhưng câu chuyện giá và lương luôn đeo đuổi nhau khiến cuộc sống của họ luôn trong tình trạng phải cân đong từng đồng.
Bao giờ sống được bằng lương? Theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Giữa tiền lương với giá trị lao động người ta mang đến theo đúng yêu cầu công việc với giá trị để trả cho công việc đó tương ứng thì hiện nay mình đang xác định tiền lương không đủ, không đáp ứng được. Nếu bàn về chế độ thì từ trước tới nay mình chưa làm được tiền lương cho ra tiền lương, chưa làm đúng. Bây giờ phải làm cho đúng.
Nhưng đúng rồi thì mình giữ nguyên bộ máy như hiện này thì hết nhiều tiền quá. Số người đáp ứng được công việc mới chỉ được 50% thôi, số còn lại không đáp ứng được. Cho nên, không biết đến bao giờ mới gỡ được bài toán cải cách tiền lương. Vì như hiện nay là đụng đâu chạm đấy”.