Tăng lương năm 2016: Còn nhiều bất đồng về mức sống tối thiểu
Những thay đổi của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ năm 2016 sẽ tác động không ít đến chính sách tiền lương của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, năm 2016 cũng là năm bắt đầu những thay đổi lớn trong quá trình hội nhập, do đó những vấn đề về thương lượng, thỏa thuận tiền lương, tiền thưởng giữa doanh nghiệp và người lao động ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
- 11-01-2016Tùy tiện cắt giảm khi tăng lương cơ bản năm 2016
- 31-12-2015Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016
- 28-12-2015Chính sách tiền lương, BHXH có hiệu lực từ đầu năm 2016
- 28-12-2015Tăng lương 2016: Sẽ bổ sung kinh phí cho một số địa phương
- 20-11-2015Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016
Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân về vấn đề này.
Chi phí bảo hiểm xã hội dự kiến tăng 10-12%
- Năm 2016 là năm có thay đổi nhiều về chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc doanh nghiệp phải tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội. Vậy, theo ông việc này có ảnh hưởng đến tiền lương của người lao động trong năm nay hay không?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nội dung sửa đổi có thay đổi về mức đóng bảo hiểm xã hội. Nếu như trước đây, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương hợp đồng thì từ năm 2016 mức đóng trên mức lương, phụ cấp và đến năm 2018 phải đóng thêm các khoản bổ sung.
Hiện nay, giữa thu nhập (gồm lương và các khoản phụ cấp, bổ sung khác) có khoảng cách 30-60% so với mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định mới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tính toán tổng chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tùy theo các mô hình sản xuất khác nhau chi phí đóng sẽ tăng khác nhau, dự kiến, mức tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng khoảng 10-12%.
Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Việc điều chỉnh tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo nên tác động kép về chi phí đóng bảo hiểm xã hội và chi phí tiền lương của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2016 sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo lộ trình, việc tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội sẽ tác động đến mức tăng lương tối thiểu vùng.
Phải thương lượng sớm
- Liên quan đến việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình, năm 2015 là năm việc thương lượng tiền lương tối thiểu khá gay gắt. Với những thay đổi về việc đóng bảo hiểm xã hội, năm 2016 hứa hẹn sẽ còn nhiều ý kiến trái chiều hơn nữa, vậy Hội đồng Tiền lương quốc gia lên kế hoạch làm việc, thương lượng tăng lương như thế nào trong năm nay?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Thực tế, khi mức lương điều chỉnh càng cao, càng sát với nhu cầu sống tối thiểu sẽ càng ảnh hưởng nhiều hơn đến chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp sử dụng đông lao động thì việc điều chỉnh lương là một điều khó khăn.
Năm 2015, việc thương lượng tăng tiền lương tối thiểu khá vất vả. Vì vậy, sang năm 2016 việc thương lượng sẽ được thực hiện sớm hơn. Ngay từ đầu năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để đặt ra kế hoạch. Theo tôi, quan trọng nhất là các bộ phận kỹ thuật của đại diện ba bên phối hợp thống nhất để tính toán các căn cứ làm cơ sở để điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Hiện nay, các bên đều có những ý kiến khác nhau về cách tính toán mức sống tối thiểu làm căn cứ tính mức tăng lương phù hợp. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc thống nhất phương pháp tính là rất khó. Vấn đề là chung ta phải đưa khoảng cách bất đồng này càng hẹp càng tốt.
Hội đồng Tiền lương quốc gia công bố phương án tăng lương năm 2016. (Ảnh Hồng Kiều/Vietnam+)
- Bên cạnh tiền lương thì tiền thưởng cũng là vấn đề nhiều người lao động quan tâm, xin ông cho biết hiện nay Luật Lao động đã quy định về tiền thưởng như thế nào thưa ông?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Theo Điều 103 của Bộ Luật Lao động, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Doanh nghiệp thường căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, đánh giá quá trình đóng góp cho người lao động sau một quá trình đóng góp để có một khoản tiền thưởng. Kết thúc chu kỳ sản xuất kinh doanh thường có một khoản tiền thưởng, tiền thưởng rơi vào Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch gọi là tiền thưởng Tết… nhưng trong thực tế, luật không có quy định thưởng Tết.
Các khoản tiền thưởng sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Theo tôi, doanh nghiệp phải công khai thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và quan trọng nhất là công đoàn cơ sở phải đại diện cho người lao động. Khi thấy doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhưng chủ sử dụng lao động không cung cấp đầy đủ thông tin thì phải có trách nhiệm phải thương lượng, đối thoại để xây dựng các quy chế tiền thưởng. Cạnh tranh gay gắt từ dịch chuyển lao động.
Cạnh tranh gay gắt từ dịch chuyển lao động
- Năm 2016 là năm bắt đầu những thay đổi lớn trong quá trình hội nhập khi Việt Nam tham gia và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vậy tiền lương của người lao động liệu có bị ảnh hưởng và thay đổi gì không thưa ông?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Quá trình hội nhập sẽ đem lại nhưng cơ hội và thách thức. Hội nhập sẽ tạo ra cơ hội có nhiều việc làm hơn và có thể có điều kiện tăng mức thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, đối với những công việc có thu nhập tốt, người lao động cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh việc làm từ việc tự do dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập.
Thách thức lớn nhất sẽ là việc chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho quá trình hội nhập sắp tới. Nếu không chuẩn bị tốt sẽ có những ngành nghề, vị trí việc làm thu nhập tốt, lương cao nhưng lao động Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh với lao động các nước khác và việc đầu tư có thể cũng sẽ dịch chuyển tới các nơi có nguồn nhân lực tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Năm 2015 là năm sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm và chăm lo tốt hơn đến người lao động. Theo số liệu thống kê do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiền lương năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014, lương bình quân là 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014.
Lương bình quân của lao động tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 7,04 triệu đồng/tháng (tăng 8%), doanh nghiệp tư nhân là 4,99 triệu đồng/tháng (tăng 6%), doanh nghiệp FDI là 5,47 triệu đồng/tháng (tăng 9%).
Vietnam+