Tăng lương tối thiểu bao nhiêu là đủ?
Theo lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến năm 2017, lương tối thiểu của người lao động cần được tăng để đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
- 03-07-2015Năm sau, lương tối thiểu có thể tăng bình quân 15% mỗi vùng
- 22-05-2015Vì sao các nhà kinh tế học phản đối tăng lương tối thiểu?
- 13-05-2015Thời sự 24h: Dự kiến tăng lương tối thiểu vùng từ 2016
- 01-04-2015Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất để trả cho NLĐ
Vấn đề tăng lương tối thiểu bao nhiêu là đủ sẽ được bàn thảo tại cuộc họp của Hội đồng lương quốc gia vào cuối tháng 7.
Lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu
Đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vào cuối giờ chiều, chúng tôi gặp nhiều công nhân tan ca đang vội vã đi mua thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Thanh, đã làm công nhân tại đây được 4 năm, cho biết: “Hai năm gần đây, lương tối thiểu được tăng, nhưng thu nhập vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống gia đình. Kể cả làm tăng ca, mỗi tháng thu nhập của tôi chỉ được gần 5 triệu đồng. Thu nhập cả hai vợ chồng cũng chỉ vừa đủ tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà, điện nước. Gia đình có con nhỏ, tôi phải gửi về quê nhờ ông bà trông hộ”.
Còn anh Đoàn Diệu, công nhân xưởng gỗ tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) hiện hưởng lương theo sản phẩm cho biết: “Đầu năm nay, tôi thấy kế toán phổ biến có tăng lương tối thiểu nhưng một số khoản phụ cấp bị cắt giảm. Tính chung thu nhập của tôi vẫn khoảng 5 triệu đồng/tháng, không thay đổi. Do đó, mức tăng lương tối thiểu hiện nay cần phải đi kèm với điều kiện chủ sử dụng không được cắt giảm các khoản phụ cấp khác. Có như vậy thu nhập của công nhân chúng tôi mới tăng”.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tiền lương năm 2015 của người lao động đã tăng 14,75% so với năm 2014, nhờ lương tối thiểu tăng. Tuy nhiên, mức tiền lương tối thiểu vẫn thấp so với nhu cầu sống tối thiểu.
Theo đó, có 32,4% số công nhân lao động có thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người; 26,7% có thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người và có tới 19,9% có thu nhập dưới 3 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, tình hình tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công có diễn biến phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 235 cuộc tranh chấp lao động, tăng 59 cuộc so với cùng kỳ năm 2014. “Các cuộc đình công chủ yếu là để tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Do đó mức tăng lương tối thiểu là cần thiết”, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động nhận định.
Đảm bảo hài hòa
Bộ LĐTBXH đã khẳng định năm 2016 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu, tuy nhiên mức tăng bao nhiêu vẫn còn để ngỏ chờ các bên đàm phán, theo nguyên tắc thị trường.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động, đơn vị đại diện cho người lao động, sẽ đưa ra phương án mức tăng lương đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Để đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu vào năm 2017, mức tăng luôn được phía Tổng Liên đoàn đưa ra là 16 - 20%.
Trong khi đó Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) là đại diện cho doanh nghiệp, chỉ đưa ra mức 10%. VCCI cũng muốn có lộ trình cụ thể từng năm, đồng thời yêu cầu việc tăng lương tối thiểu gắn với tăng năng suất lao động.
Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Tăng tiền lương tối thiểu là vấn đề nan giải trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, do tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta còn thấp. Để có sự chính xác về tăng lương tối thiểu, cần có những nghiên cứu cụ thể đưa ra được tiêu chí về mức sống tối thiểu thời gian tới phù hợp với trình độ phát triển hiện nay. Lộ trình tăng lương đáp ứng 3 dữ liệu: Bù đắp được tỷ lệ lạm phát (tương đương 4 - 5% trong năm nay); tăng năng suất lao động hàng năm (trên 3% mỗi năm); rút ngắn khoảng cách hiện nay với mức sống tối thiểu của người lao động. VCCI có trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp và đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm nay trên 10%”.
Liên quan đến việc gắn năng suất với tiền lương tối thiểu, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Tăng năng suất gắn liền với sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vì vậy, tăng năng suất cần song hành với tăng tiền lương tối thiểu.
Tăng lương tối thiểu phải đảm bảo được sự hài hòa giữa việc đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu cho người lao động nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: “Dựa trên phương án của các bên, Hội đồng tiền lương sẽ lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu để các bên chấp nhận được”.