Thay "cố ý làm trái" bằng 6 tội danh mới
Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành) đã được thay bằng 6 tội danh mới tại dự thảo bộ luật sửa đổi.
- 14-07-2015Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
- 19-06-2015Sửa Bộ Luật Hình sự: “Án lệ” bầu Kiên vẫn chưa thể khép?
- 16-06-2015Bộ trưởng Vinh lo Luật Hình sự "bó" luật kinh tế
- 12-09-2012Tổng kết thi hành Bộ luật hình sự
Thông tin này được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết tại phiên họp sáng 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cao nhất là 20 năm tù
Như kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy đa số đồng tình với việc thay thế tội cố ý làm trái bằng các tội danh cụ thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, việc bỏ điều 165 và thay thế tội danh này bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết.
Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, cân nhắc kỹ kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về tội cố ý làm trái quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thay thế điều 165 bằng 6 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; kế toán; quản lý thuế; xây dựng.
Với các tội danh mới này thì khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm với các hành vi phạm tội gây thiệt hại về tài sản của nhà nước có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.
75 tuổi trở lên không bị tử hình
Không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên là vấn đề trở đi trở lại ở nhiều phiên thảo luận.
Dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật, Ủy ban Tư pháp vẫn để hai phương án. Một là quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên như dự thảo và hai là không quy định vấn đề này.
Với một số nội dung khác, cơ quan thẩm tra vẫn dự kiến để hai phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường băn khoăn khi Ủy ban Tư pháp quá thận trọng.
“Đã đến giờ này rồi mà cứ đưa ra nhiều phương án thì chỉnh lý thế nào, không áp dụng tử hình với người 75 tuổi thì tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình rồi mà vẫn để hai phương án”, ông Cường nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung nào đã lấy ý kiến nhân dân thì cố gắng chỉnh lại theo ý kiến đa số nhân dân và chỉ để một phương án khi trình ra Quốc hội.
Giảm tử hình càng nhiều càng tốt
Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy đa số tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo trình Quốc hội.
Một số ý kiến đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội khác: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy ; chiếm đoạt chất ma túy ; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy hoặc vận chuyển ma túy với số lượng lớn, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Bình luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giảm tử hình càng nhiều càng tốt. Vì không tử hình thì phạt tù chung thân không giảm án hoặc 30 năm mới giảm án thì thế cũng là nghiêm rồi.
Không văn minh gì cái tử hình, có những nước không có tội tử hình, mọi người trên trái đất này phải bình đẳng chứ nơi bắn nơi thì không bắn, ông nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị có thể bỏ án tử hình thêm một số tội danh khác nữa. Tuy nhiên với các tội chống loài người và tội phạm chiến tranh thì không nên bỏ.
Tội tham ô thì vẫn giữ hình phạt tử hình, nhưng nếu người tham ô mà hoàn trả lại số tiền đó mà có hành vi tích cực khai báo, lập công lớn thì có thể không tử hình, Phó chủ tịch nói.