MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm nhiều nhiệm vụ cho Thủ tướng trong dự luật

04-11-2014 - 09:54 AM | Xã hội

Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Bản thuyết minh về dự án luật cho hay đã bổ sung một số nhiệm vụ của Thủ tướng để phù hợp với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành.

Như quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

Trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì Thủ tướng sẽ giao quyền các chức danh này trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Thủ tướng còn được tạm thời giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chức danh này, và yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đình chỉ, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới, khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nước ngoài cũng thuộc quyền của Thủ tướng.

Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng là một trong những nhiệm vụ của Thủ tướng được quy định tại dự thảo luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc ủy nhiệm cho Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ là người phát ngôn của Chính phủ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thẩm tra dự án luật, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 6 điều 98 Hiến pháp thì trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng đã được Hiến định.

Do đó, các ý kiến này đề nghị cần quy định rõ những trường hợp nào thì Thủ tướng ủy quyền cho người phát ngôn của Chính phủ.

Còn lại, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, một trong hai vấn đề Chính phủ tách riêng xin ý kiến Quốc hội liên quan đến nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Theo tờ trình thì Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 quy định: bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước”.

Tuy nhiên, trong thực tế chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, chỉ thực hiện đối với một số bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế.

Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Chức năng này sẽ do Chính phủ thực hiện hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bình báo cáo.

Đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc không quy định bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ để quy định cụ thể về cơ chế tổ chức, hoạt động nhằm thực hiện chức năng này trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

>>>

Theo Nguyên Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên