MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời sự 24h: Việt Nam sẽ cấp bằng lái xe sử dụng được ở 70 nước

13-11-2014 - 21:01 PM | Xã hội

Từ đầu năm 2015, Việt Nam sẽ cấp bằng lái xe quốc tế, được dịch ra nhiều thứ tiếng và có thể sử dụng ở hơn 70 nước trên thế giới.

Bằng lái xe do Việt Nam cấp có thể sử dụng ở hơn 70 quốc gia

Theo ông Nguyễn Văn Quyền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) hiện nay TCĐB đang xây dựng các văn bản pháp lý trình Bộ GTVT để thực hiện việc cấp GPLX quốc tế cho công dân Việt Nam có thể sử dụng ở 70 nước tham gia công ước Vienna.

Trước đó, vào tháng 8-2014, Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam gia nhập Công ước Vienna (hầu hết các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á). Theo đó, Bộ GTVT đã cho phép công dân các nước tham gia Công ước Vienna được phép sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế ở Việt Nam.

Thông tin trên GPLX quốc tế sẽ in 5 thứ tiếng gồm: tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc (giống hộ chiếu) để sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau. Hiện TCĐB đang xây dựng mẫu GPLX quốc tế, thủ tục cấp, đầu tư trang thiết bị… để trong quý I-2015 sẽ tiến hành cấp GPLX quốc tế cho người có nhu cầu.

Đại biểu đề nghị kéo dài thời hạn nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng

Thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với các quan điểm sửa đổi. Các đại biểu cho rằng chính sách nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm thực hiện phương châm vừa xây dựng lực lượng thường trực chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, vừa xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu.

Bên cạnh hình thức thay thế, cần kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng. Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ngô Minh Tiến - Bắc Giang cho rằng nên kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng đồng thời tăng tuổi nhập ngũ tối đa từ 25 lên 27 tuổi để bảo đảm các đối tượng được miễn, hoãn vẫn có thể tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trái với quan điểm trên, đại biểu Lê Việt Trường - An Giang nhận định việc tăng thời hạn tham gia nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng cần nghiên cứu phản ứng của xã hội về vấn đề này. (Xem them)

Chính thức mở đường bay Việt Nam - Ấn Độ

Tối 12/11, tại TPHCM, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hãng Hàng không quốc tế Ấn Độ (Jet Airways) chính thức công bố mở đường bay giữa hai nước.

Kể từ ngày 5/11 vừa qua, Jet Airways đã khai trương đường bay trực tiếp từ Thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai tới TPHCM (qua Bangkok). Đây là hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch liên danh giữa Jet Airways và Vietnam Airlines vừa được ký ngày 28/10 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ.

Theo đó, các chuyến bay hàng ngày, liên danh giữa Vietnam Airlines và Jet Airways sẽ kết nối TPHCM với Mumbai và New Delhi, cũng như hơn 50 điểm đến trong nội địa của Ấn Độ và xa hơn đến Paris, London, Bắc Mỹ và Trung Đông. (Xem them)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nga và Thủ tướng Australia

Chiều 12/11, tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) nhân Hội nghị cấp cao ASEAN 25, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chính thức Thủ tướng LB Nga Medvedev và Thủ tướng Australia Tony Abbott.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Medvedev, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về thương mại, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân; khẳng định hai bên còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác song phương đem lại kết quả thiết thực. (Xem them)

Vụ Bio-Rad: Viện Huyết học truyền máu Trung Ương phủ nhận

Trao đổi với báo chí ngày 12/11, viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư Nguyễn Anh Trí cho biết từ năm 2004-2014, Viện Huyết học - truyền máu T.Ư đã sử dụng tổng cộng 70 tỉ đồng tiền hóa chất, sinh phẩm và 40 tỉ đồng tiền thiết bị, chủ yếu là hệ thống Elisa và hệ thống phân tích máu tự động, bán tự động nhãn hiệu Bio-Rad.

Ông Trí cũng cho biết viện chưa từng mua trực tiếp từ Công ty Bio-Rad mà mua thông qua trên 10 công ty như Vimec, Medinsco, Thiết bị Minh Tâm, Viet Lab, Thiết bị và sinh phẩm, Biomed, Hapharco, Thạch Phát, Vật tư khoa học kỹ thuật, Hoàng Gia và UD VN. (Xem them)

Bộ trưởng Thăng kỷ luật lãnh đạo TCT Xây dựng đường thủy

Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 4284/QĐ-BGTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách" đối với ông Lưu Đình Tiến, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty, do trong giai đoạn giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy đã có hành vi vi phạm khi thực hiện công trình duy tu nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải.

Trước đó, ngày 13/10/2014, Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP đã có Quyết định số 1717/QĐ-TC để ông Lưu Đình Tiến thôi giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP. (Xem them)

Quyết định tăng lương không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung dành 11.000 tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.

Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, việc dành ngân sách tăng lương cho các nhóm đối tượng đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đến công tác an sinh xã hội.

Đại biểu Bùi Trí Dũng - An Giang cho rằng chủ trương này hoàn toàn hợp lý và không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước năm 2015. Bởi, theo đề xuất tăng lương của Chính phủ, nguồn vượt thu của ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ được chuyển sang sử dụng cho mục đích này. Khoản còn thiếu sẽ được lấy từ kinh phí tăng lương của địa phương mà năm nào cũng có. (Xem them)

Anh Tân (Tổng hợp)

cucpth

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên