Thu tiền bồi thường trong án hình sự: Khó như "hái sao trên trời"!
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là, khoản bồi thường “siêu khủng” kể trên sẽ được các cơ quan thi hành án thu hồi ra sao khi hai bị cáo đã nhận án tử?
Chiều 8/5, trao đổi với PV chúng tôi về những băn khoăn kể trên, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên TGĐ Vinalines) đã bị tuyên án tử hình, những tài sản của hai tử tù này cũng đã bị kê biên nếu không đủ số tiền bồi thường theo phán xét của tòa án thì các cơ quan thi hành án (THA) cũng đành phải chịu. “Họ còn tài sản thì mới thi hành được, nếu hết rồi mà chưa đủ số tiền bồi thường thì các cơ quan thi hành án cũng phải ra quyết định đình chỉ bản án chứ cũng chẳng thể làm gì khác được”, ông Tiền nói.
"Cổ nhân có câu: Nắm người có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu. Người ta mà không còn tài sản thì có 10 cơ quan THA cũng không thể thi hành được”. Luật sư Trần Xuân Tiền |
Theo ông Tiền, hiện nay các bản án khó thi hành về phần dân sự trong các vụ án tham nhũng trở nên rất phổ biến, bởi công tác kê khai tài sản hiện nay rất phức tạp và khó khăn. Nhiều đối tượng phạm tội tham ô nhưng tài sản của họ lại đứng tên người thân mà cơ quan chức năng không xác minh ra thì không thể buộc thi hành án được.
Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như bị tòa án tuyên phạt bồi thường mức tiền siêu khủng 4.000 tỷ đồng |
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bách Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng thừa nhận, việc thi hành án dân sự trong bản án hình sự hiện nay rất khó khăn bởi tài sản của đối tượng phải thi hành án không còn hoặc sau khi mãn hạn tù nhiều đối tượng không về địa phương.
Ông Thắng cho rằng, việc thi hành bản án dân sự đối với số tiền 220 tỷ đồng mà Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có khả thi hay không còn phụ thuộc vào tài sản và khả năng THA của hai đối tượng này.
Thừa nhận những tồn tại, khó khăn trong việc THA dân sự trong bản án hình sự, ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, đối với các vụ án hình sự liên quan tới tội phạm tham nhũng, ngay từ đầu khi thực hiện hành vi phạm tội, nhiều đối tượng đã tính toán đến việc tẩu tán tài sản, chuyển nhượng, để người thân đứng tên tài sản... Và khi bản án dân sự có hiệu lực, tài sản của các đối tượng không đủ để THA.
Theo ông Thủy, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành việc kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức độ có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
“Quy định là như vậy, nhưng thực tế việc kê biên tài sản không thực hiện đầy đủ hoặc không phải lúc nào cũng thực hiện được nên gây khó khăn cho việc THA sau này. Ngay ở diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã chỉ ra một trong những tồn tại trong vấn đề THA là các cơ quan tố tụng không áp dụng đầy đủ các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản. Nguyên nhân có thể do khách quan đòi hỏi tiến trình điều tra phải kịp thời, đúng thời gian quy định nên khâu kê biên tài sản không được chú ý. Ngoài ra, cũng còn lý do là tài sản của người phạm tội không có hoặc không phát hiện ra”, ông Thủy nói.