MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ GTVT: Tăng phí gấp đôi mới bắt kịp...trượt giá

06-12-2013 - 15:26 PM | Xã hội

Sau khi đại diện các Hiệp hội DN vận tải ô tô Việt Nam, Hà Nội lên tiếng phân tích và phản ứng chuyện "phí chồng phí" khi Thông tư 159 ra đời, ngày 5/12

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin xung quanh vấn đề này.

Ba loại phí đường bộ nhưng không... chồng phí!

PV: - Thưa ông, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2014. Theo thông tư mức phí thu đối với các phương tiện sẽ bắt đầu tăng. Là nhà quản lý, ông có thể nói rõ hơn về loại phí mới này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: -Vừa rồi, Bộ Tài chính có ban hành Thông tư 159, thay cho Thông tư 90 về việc hướng dẫn thu phí trên toàn quốc.

Bởi vì, hiện nay việc thu phí theo Thông tư 90 được quy định từ năm 2002, mức thu phí bị lạc hậu so với thu nhập cũng như tình trạng trượt giá đang diễn ra. Cho nên việc thay thế Thông tư 90 là một yêu cầu cần thiết, đồng thời chúng tôi cũng đã nhận được sự chỉ đạo của các Bộ, ngành để mà triển khai thực hiện thay đổi thông tư này.

Bên cạnh đó, khi mà thay đổi mức thu phí, Bộ GTVT cùng với Bộ Tài chính đã tính toán đến mức thu nhập tại thời điểm hiện nay. Trong Thông tư 90 cũng đã đưa ra một lộ trình để tăng phí phù hợp. Ví dụ như tại thời điểm hiện nay tăng lên 2 lần so với mức Thông tư 90 trước đây, tôi thấy là hợp lý.

Năm 2015 tăng lên 2,5 lần, năm 2016 tăng lên 3,5 lần, mức này áp dụng cho những trường hợp nào, quy định rất rõ ràng. Thứ nhất, hiện nay các trạm thu phí mà thu nộp cho nhà nước đã dừng thu phí từ ngày 1/1/2013, mức thu phí hiện tại chỉ áp dụng cho các trạm thu phí đầu tư theo hình thức BOT. Đối với những nhà đầu tư họ sẽ căn cứ vào mức đầu tư để xây dựng lộ trình thu phí, đồng thời xây dựng lộ trình hoàn vốn.

Các trạm thu phí được lập ra là do yêu cầu
Các trạm thu phí được lập ra là do yêu cầu

Trong Nghị định 18 nói rất rõ việc thu tiền hoàn vốn, vẫn tiến hành song song với việc thu phí qua đầu phương tiện, bởi vì thu phí qua đầu phương tiện chỉ để duy tu, nâng cấp hệ thống đường tuyến lộ, tỉnh lộ không phải các tuyến BOT, còn các tuyến BOT họ thu phí để hoàn vốn đầu tư, đồng thời duy tu, sửa chữa những con đường mà người ta xây dựng bằng phí BOT.

Đây là hai loại phí hoàn toàn khác nhau. Quỹ bảo trì đường bộ là tiến hành bảo dưỡng tất cả các tuyến, còn quỹ BOT thì chỉ để bảo dưỡng những đoạn đường mà họ đầu tư.

Hiện nay Bộ GTVT cũng đang cố gắng để có thể đầu tư các tuyến song hành, đặc biệt là đường cao tốc, để người dân có quyền lựa chọn. Dự án cao tốc xây dựng bằng quỹ BOT, thì cho phép giá dịch vụ do DN đầu tư tự quyết định, ví dụ như cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai thì giá thu BOT không theo Thông tư 19 mà theo thực tế lượng xe lưu thông trên đoạn đường để người dân lựa chọn.

Có nghĩa, người dân được lựa chọn, nếu đi trên đường cao tốc thì tôi phải chịu phí dịch vụ cao hơn, nếu tôi không đi đường cao tốc thì tôi chỉ phải nộp phí theo đúng Thông tư 90.

Nghĩa là hiện nay có ba loại phí để thu, một là phí của Quỹ bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, hai là phí BOT cho các tuyến đường cao tốc bình thường theo Thông tư 90, ba là phí BOT trên đường cao tốc, do DN tự quyết định mức giá, họ vừa thu hút được dân, vừa có thời gian hoàn vốn.

PV: - Hiện nay, thực tế, khi người dân có phương tiện tham gia giao thông đã phải nộp phí Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng khi đi qua đoạn đường được đầu tư BOT thì lại một lần nữa phải nộp phí, không những vậy, thời gian tới sẽ bắt đầu tăng mức thu phí tại các trạm BOT. Điều này đồng nghĩa các phương tiện lại thêm gánh nặng về phí, có nghĩa là phí chồng phí?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Thực ra, đáng lẽ khi xây dựng trạm BOT đó, thì tính phí tại thời điểm giá hiện nay, nhưng Thông tư 90 ban hành năm 2002 nên giá xây dựng trong dự án BOT thì tất cả các giá, đều có câu nói rằng khi nào điều chỉnh Thông tư 90 việc thu phí này sẽ được điều chỉnh theo Thông tư mới với mức thu mới.

Việc tăng phí này lên thực chất mà nói nó đáp ứng, cân đối được mức giá thời điểm hiện nay và mức đưa vào đầu tư BOT. Nếu dùng mức cũ thì không thể hoàn vốn được, cho nên việc tăng phí Bộ GTVT đã có những thông báo trước, người dân khi qua đi trạm BOT đó thì cũng là giúp nhà đầu tư hoàn vốn, chứ không có chuyện phí chồng phí ở đây. Chẳng qua chỉ là điều chỉnh giá sao cho phù hợp thời điểm hiện nay.

Thời điểm này tăng phí gấp đôi là... phù hợp

PV: - Theo ý kiến của một số Hiệp hội doanh nghiệp vận tải ô tô, thì nhà nước nên tính toán cho hợp lý không nên dồn tất cả vào một thời điểm, khi đất nước suy thoái về kinh tế, thu nhập người dân sụt đi, mà người dân phải nộp 2 lần phí mới “được đi ra đường”. Không những vậy, việc mức phí tăng thì DN vận tải sẽ tăng cước vận tải lên, theo khẳng định của DN thì họ khổ một, dân khổ gấp nhiều lần. Quan điểm của ông ra sao trước sự việc này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: -Thông tư 159 đã ban hành, tuy nhiên việc tăng cụ thể ở các trạm thu phí thì phải có quyết định của Bộ tài chính, theo lộ trình đã ký với Bộ GTVT.
Cho nên không phải tất cả các trạm thu phí đều tăng vào thời điểm này, mà phải có lộ trình phù hợp với hợp đồng đã ký kết cùng các nhà BOT. Tuy nhiên, mức phí tăng lên 2 lần, Bộ cho rằng tương đối phù hợp với thời điểm hiện nay, còn việc tăng tiếp theo thì Bộ sẽ tính toán thời điểm thích hợp để đáp ứng được yêu cầu giảm giá cước vận tải cho người dân trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Còn việc tăng phí giao thông ở mức này theo đánh giá của Bộ thì nó tác động đến giá cước vận tải rất thấp, không nhiều lắm, bởi vì nó không tính theo cây số mà chỉ qua từng trạm.

Có doanh nghiệp chỉ qua 1 chặng, có doanh nghiệp đi qua nhiều chặng nhưng không phải là tất cả các chặng, cho nên theo quan điểm của các nhà phân tích kinh tế thì nó tác động rất thấp đến giá thành vận tải.

Đành rằng có những doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều chặng, nhưng trên thực tế số lượng các doanh nghiệp đó cũng đã tính đến việc tăng phí rồi tính toán hiệu quả trong hoạt động doanh nghiệp.

PV: - Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến đề cập tới việc, đành rằng tham gia giao thông thì nộp phí, nhưng nhà quản lý cần phải xem xét mức đầu tư, chất lượng công trình xây dựng của các doanh nghiệp. Đầu tiên, phải xem mức đầu tư của các doanh nghiệp xây dựng đã phù hợp chưa, tại sao giá thành làm đường của Việt Nam cao nhất trong khu vực hiện nay, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: -Trên thực tế từ khi có Quỹ bảo trì đường bộ cũng như các tuyến đường BOT, phải nói là chất lượng các tuyến đường tăng lên rất nhiều, so với trước đây tăng lên đáng kể.

Trong 1 năm gần đây, phải nói các doanh nghiệp vận tải cũng đã cùng người dân tham gia đánh giá việc đầu tư làm sao đạt hiệu quả. Tuy nhiên, một số tuyến đường chất lượng còn kém, hiện nay Bộ cũng đang yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư phải bảo hành, sửa chữa bằng trách nhiệm, mà không ảnh hưởng đến quá trình vận tải.

Thực chất những tuyến đường chất lượng kém một ngày càng thu hẹp lại, Hiện nay, Bộ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này, hầu hết đoạn đường xấu đã được xóa bỏ.

PV: - Trước một số phản ánh tiêu cực tại một số trạm thu phí BOT, như trạm số 1, số 2 QL5 (Hà Nội - Hải Phòng), Hoàng Mai - Bãi Cháy chưa xây xong đã thu phí, trạm thu phí không sửa sang, đây có phải thực trạng các điểm thu phí BOT?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: -Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng hai trạm này để nâng cấp bản thân QL5. Bộ GTVT được Ngân hàng PTNT cho vay vốn đầu tư hai trạm này, dùng hai trạm này thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Đồng thời QL5 là tuyến QL đầu tư bằng NSNN, ngoài ra chịu một nguồn vốn khá lớn nên chính phủ đồng ý cho trích 1 phần tiền thu phí để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hiện nay quá trình này đã hoàn thành xong, quá trình thu phí chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn vốn, chứ không phải là chưa xong đã thu phí.

Còn hai trạm Hoàng Mai - Bãi Cháy, trước đây là hai trạm thu phí nộp cho NSNN, sau khi thực hiện Nghị định 18 thì hai trạm này phải dừng thu. Tuy nhiên, sau này lại được bán cho nhà đầu tư, vừa rồi Bộ đã đàm phán mua lại hai trạm này, tuy nhiên giá cả đàm phán chưa thống nhất nên Bộ tiếp tục vẫn để nhà đầu tư thu phí.

Nhưng tiền đó, nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư bằng với số tiền họ thu được từ nay đến 2015, ô tô vẫn đi qua sẽ không bị thu phí nữa. Nhà nước sẽ trả tiền theo hình thức đếm xe trả cho nhà đầu tư, đây là cách thức thỏa mãn được yêu cầu không thu tiền của dân, không ảnh hưởng mức thu của nhà đầu tư, trước đây là dân trả tiền, giờ đây là Nhà nước trả tiền.

Theo Thanh Huyền

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên