MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng, Chủ tịch nước sẽ phải tuyên thệ nhậm chức

18-12-2015 - 14:26 PM | Xã hội

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao buộc phải thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hộị.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, do Chủ tịch nước ký và Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố sáng nay (18/12).

Trong những quy định liên quan đến nhân sự, nghị quyết đã bổ sung trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội.

Nội quy kỳ họp lần này cũng bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với 4 chức danh đại diện cho những cơ quan đứng đầu Nhà nước, là nguyên thủ quốc gia và người đại diện cho nhóm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, đây là một nội dung mới thể hiện theo quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.

Thông lệ, tại kỳ họp đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ, sau khi Quốc hội bầu, phê chuẩn để kiện toàn bộ máy Nhà nước thì Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng cũng có thời gian ra mắt Quốc hội và phát biểu. Tuy nhiên, chưa có quy định bắt buộc về việc này cũng như chưa có định hướng cụ thể về nội dung phát biểu, thời lượng khống chế… cho hoạt động này.

Với nghị quyết của Quốc hội vừa được công bố thì việc phát biểu sau khi nhậm chức được quy định cụ thể là “tuyên thệ nhậm chức”, bắt buộc thực hiện thủ tục này đối với 4 chức danh nói trên.

Đồng thời, sẽ ấn định thời lượng 3 phút cho mỗi chức danh để thực hiện việc tuyên thệ trước Quốc hội.

Như vậy, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 dự kiến vào tháng 7 năm sau, nghi lễ tuyên thệ sẽ chính thức được bắt đầu.

Liên quan đến những vấn đề khác của kỳ họp Quốc hội nội quy mới cũng bổ sung quy định về người được mời, người dự thính kỳ họp Quốc hội.

Đáng chú ý là nội quy kỳ họp Quốc hội lần này được sửa đổi theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào thăm quan nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội một mặt nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, mặt khác tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

Việc công dân được vào dự thính tại các kỳ họp Quốc hội là một việc làm mới đối với Quốc hội Việt Nam, nên cần thực hiện và rút kinh nghiệm để có điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, nội quy quy định giao Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, nội quy sửa đổi bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội thông qua nghị quyết về các vấn đề quan trọng chưa được quy định trong các luật, nghị quyết khác bao gồm các nghị quyết về: kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; kế hoạch tài chính 5 năm và dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; chương trình mục tiêu quốc gia; dự án quan trọng quốc gia; quyết định đại xá, vấn đề chiến tranh và hoà bình, ngày bầu cử toàn quốc và bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội giữa nhiệm kỳ…

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên