Tìm 300.000 tỷ cho giao thông, đường chưa xong đã thu phí
Bộ GTVT đặt mục tiêu huy động 300.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách cho các dự án hạ tầng.
Tăng hình thức đầu tư BOT, PPP
Tờ VnEconomy đưa tin, Bộ GTVT vừa chính thức công bố một bản dự thảo báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo mục tiêu của Nghị quyết là rất lớn, như giai đoạn 2011 - 2015 cần tới 480.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tỉ lệ vốn đầu tư xã hội so với GDP đã giảm từ trên 40% năm 2010 xuống dưới 30% năm 2013, vốn ngân sách dành cho ngành rất hạn chế, chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011 - 2015.
Trong điều kiện đó, Bộ cho biết ngành giao thông đã đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo các hình thức BOT, PPP... để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, tìm hướng đi mới cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Đến nay, đã thu hút được gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án BOT, chưa kể nguồn huy động của VEC khoảng 55.751 tỷ đồng.
Nhiều dự án được chuyển đổi từ vốn Nhà nước sang đầu tư BOT, trong khi nhiều dự án BOT và BT khác cũng đang được triển khai đầu tư.
Dự kiến năm 2014 và 2015 sẽ tiếp tục huy động ngoài ngân sách khoảng 110.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ; đồng thời cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách cho các dự án thuộc lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường sông.
Trong giai đoạn này, tổng nhu cầu vốn đầu tư ước tính là 826.709 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn ngân sách nhà nước là 167.314 tỷ đồng và nguồn trái phiếu Chính phủ là 33.594 tỷ đồng.
Đồng thời, sẽ đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân sách để phấn đấu thu hút được khoảng 300.000 tỷ.
Công trình BOT chưa xong đã cho thu phí
Trong khi, huy động thêm các nguồn vốn và dự án xây dựng từ nguồn phí BOT, PPP, thì đối với các công trình do DN đầu tư, Bộ GTVT lại cho phép DN tiến hành thu phí hoàn vốn kể cả khi chưa xây dựng xong.
Tại hầm Đèo Cả, dù dự án này còn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến năm 2016 mới hoàn thành đã được thu phí.
Ngày 6/3, ông Trình Quang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Nam Thiên Long, cho biết đang làm đơn khiếu nại lên Bộ GTVT và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vì đã thu phí xe bồn vận chuyển xăng dầu của công ty này khi qua lại Trạm Thu phí Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa xong đã thu phí |
Theo ông Nam, việc hầm đường bộ qua đèo Cả chỉ mới xây dựng nhưng đã thu phí hoàn vốn khi xe qua lại 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Bên cạnh đó, ngày 2/3, đoạn tuyến cao tốc từ Km 218+040 đến Km 244+155 (đoạn tuyến đi qua địa bàn của 4 xã của huyện Bảo Thắng và 01 Phường TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã thông xe kỹ thuật, mặc dù chưa hoàn thành xong cũng được cho phép thu phí.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sẽ tiến hành thu phí các phương tiện lưu thông. Mức cao nhất 160.000 đồng cho mỗi lượt được áp dụng cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet. Đối tượng chịu phí là tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên đường tuyến đường cao tốc này.
Hay đến dự án từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ cửa ngõ tỉnh Thái Bình bị chậm tiến độ 1 năm. Dù chỉ nghiệm thu và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng được 4,1/5,5 km chiều dài toàn dự án, nhà đầu tư đã tiến hành thu phí.
Thế nhưng, trước việc cho phép DN thu phí sớm, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Việc thu phí trước khi chưa hoàn thiện công trình, là phương án hợp lý, vì tổng thời gian thu phí không thay đổi, thu trước thì sau sẽ không được thu".
Tổng thời gian thu phí sẽ không thay đổi nhưng phải thu phí trước để có khoản tiền thực hiện dự án.
Ông Trường khẳng định: "Nếu thống kê có tới 10 loại thuế phí trên một đầu xe cũng đúng, nhưng tôi khẳng định Bộ GTVT không thu phí nào chồng phí nào hết".
Theo Thái Linh