Tỉnh thành 2013: Thái Nguyên và bước ngoặt có tên Samsung
Những ngày cuối năm Quý Tỵ, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã thông xe, rút ngắn thời gian “về Hà Nội” của người dân Thái Nguyên xuống chỉ còn hơn một giờ.
Nhưng, còn hơn cả ý nghĩa của một tuyến đường, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên còn là một ẩn dụ thú vị về sự rút gần khoảng cách phát triển của Thái Nguyên với nhiều tỉnh thành đi trước…
120 ha đất trong 57 ngày đêm
Cách đây vài năm, Thái Nguyên vẫn còn giữ một vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ kinh tế cả nước.
Cho dù nằm kề Hà Nội và sở hữu rất nhiều tiềm năng từ khoáng sản, nông sản đến du lịch, Thái Nguyên vẫn “bước chậm”. Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt trung bình 11,11% mỗi năm, trong khi giai đoạn 2001-2006 trước đó là 9,14% mỗi năm, những con số khá khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác.
Cho dù cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp, nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra khá “đều đều”. Trong khi Vĩnh Phúc, Bắc Ninh hay Hải Dương bứt tốc, những hạn chế về hạ tầng và thể chế đã níu chân Thái Nguyên trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, sự có mặt của tập đoàn Samsung với việc khởi công xây dựng tổ hợp tại khu công nghiệp Yên Bình vào tháng 3/2013 đã đem lại cho Thái Nguyên một diện mạo mới. Cho đến nay, không có nhiều thông tin được tiết lộ quanh việc vì sao Samsung lại chọn Thái Nguyên, nhưng có một điều chắc chắn là việc Thái Nguyên kéo được Samsung về đã khiến nhiều tỉnh thành phải “ghen tỵ”.
Cho đến trước khi Samsung vào, Thái Nguyên mất hút trên các bảng xếp hạng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng nay, Samsung thực sự đã tạo điểm nhấn cho Thái Nguyên, ít nhất trên phương diện thống kê.
Năm 2013, cùng với việc cấp phép một loạt dự án lớn nhỏ khác, Thái Nguyên đã thu hút 3.352 triệu USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI trong năm và qua đó trở thành địa phương đứng thứ 17 cả nước về tổng số vốn đăng ký đối với các dự án FDI còn hiệu lực. Giải ngân vốn FDI năm 2013 cũng đứng đầu cả nước.
Chủ tịch Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long thì nói, những kết quả này không đến một cách ngẫu nhiên mà là từ một quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nói nôm na là thay đổi cách nghĩ cách làm, được hiện thực hóa bằng phương châm “ba thân thiện”: thân thiện với các doanh nghiệp; thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường.
Có những câu chuyện đã gây nhiều ấn tượng với các nhà đầu tư vào Thái Nguyên. Chẳng hạn trong công tác giải phóng mặt bằng tại dự án khu công nghiệp Yên Bình ở huyện Phổ Yên. Tại đây, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt một kỷ lục về tiến độ, khi giải phóng trên 120 ha đất chỉ trong 57 ngày đêm để kịp bàn giao cho chủ đầu tư. Nhiều người dân vẫn nhớ hình ảnh ông Dương Ngọc Long, chân đi ủng, đầu đội nón cối xuống tận thôn xã để vận động bà con nhường đất cho dự án quan trọng này.
Giữa kỳ vọng và thử thách
Cho dù Samsung vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà máy, theo đánh giá của VnEconomy, hiệu ứng mà nhà đầu tư này tạo ra là khá rõ ràng, xét trên khía cạnh lan tỏa mà về lý thuyết được gọi là hiệu ứng tràn trong thu hút FDI.
Một điều chắc chắn là ngoài các dự án của Samsung, các dự án phụ trợ cũng sẽ vào Thái Nguyên trong thời gian tới giống như trường hợp Bắc Ninh. Theo nhận định của đại diện Samsung, sẽ có ít nhất vài trăm doanh nghiệp dạng này sẽ vào Thái Nguyên trong thời gian tới.
Lãnh đạo Thái Nguyên thì hy vọng, từ điểm nhấn Samsung, sẽ có làn sóng đầu tư vào Thái Nguyên đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và một nước châu Âu…
Với năm 2014, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 15% và giá trị sản xuất công nghiệp tăng 55%. Theo ông Dương Ngọc Long, mục tiêu này được đề ra căn cứ vào tình hình thực tế năm 2013 và tín hiệu phục hồi kinh tế của năm 2014, đặc biệt là việc đi vào hoạt động của các dự án trọng điểm của tỉnh như nhà máy Samsung, dự án Núi Pháo, nhà máy nhiệt điện An Khánh...
Thậm chí, trong quá trình tính toán, các chuyên gia của Thái Nguyên đã lấy các số liệu về doanh thu và giá trị sản xuất của các nhà máy thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch sản xuất, chẳng hạn với dự án Samsung mới chỉ tính một phần tư kế hoạch sản xuất.
Cũng không loại trừ khả năng, 2014 sẽ là một năm bùng nổ của Thái Nguyên trên phương diện thống kê tăng trưởng.
Năm 2011, trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI), tỉnh Thái Nguyên còn ở tận vị trí 57/63 tỉnh thành. Sang 2012, Thái Nguyên đã lên hạng khá nhanh, xếp ở vị trí thứ 17, một sự khích lệ đáng kể đối với ban lãnh đạo Thái Nguyên hiện nay, cho dù theo ông Dương Ngọc Long, việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI vẫn sẽ là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.
Vẫn theo vị lãnh đạo có xuất thân là cán bộ ngành tài chính này, ngoài việc chủ động tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và nhân dân, UBND tỉnh còn thường xuyên lắng nghe thông tin từ các phương tiện như báo chí, truyền hình, các đơn thư phản ánh về những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ.
Tuy nhiên, cho dù đang ở vị thế của một tỉnh đang “đi lên”, ông Long và các đồng sự có lẽ đã nhận ra, còn vô vàn thử thách đang đợi ở phía trước. Sự kiện “kém vui” mới đây tại chính dự án tổ hợp Samsung là một ví dụ, khi hàng ngàn người dân đã đụng độ với bộ phận bảo vệ của tổ hợp này, dẫn tới việc tỉnh phải ra quyết định khởi tố vụ án.
Dù vậy, khi hai nút thắt chủ yếu của tỉnh là hạ tầng và thể chế đã và đang được cải thiện mạnh mẽ, Thái Nguyên rõ ràng đang đứng trước cơ hội để phát triển “bằng anh bằng chị”, thay vì tiếp tục giữ cho mình hình ảnh của một địa phương ở dạng “tiềm năng” như nhiều năm qua.
Các chỉ số kinh tế của Thái Nguyên trong năm 2013 là khá ấn tượng, theo báo cáo của UBND tỉnh này tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh dịp cuối năm. Cụ thể, năm 2013, thu ngân sách của Thái Nguyên đạt 1.067,45 tỷ đồng, bằng 109,35% kế hoạch. GDP bình quân đầu người đạt 48 triệu/năm, bằng 102,1% chỉ tiêu đề ra.
Trong bối cảnh đa số các địa phương trong cả nước đều gặp khó khăn về thu ngân sách, năm 2013 thu ngân sách của tỉnh vượt mức kế hoạch do Bộ Tài chính và Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra 3.826/3.700 tỷ, vượt 126 tỷ, tương đương 4,7%.
120 ha đất trong 57 ngày đêm
Cách đây vài năm, Thái Nguyên vẫn còn giữ một vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ kinh tế cả nước.
Cho dù nằm kề Hà Nội và sở hữu rất nhiều tiềm năng từ khoáng sản, nông sản đến du lịch, Thái Nguyên vẫn “bước chậm”. Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt trung bình 11,11% mỗi năm, trong khi giai đoạn 2001-2006 trước đó là 9,14% mỗi năm, những con số khá khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác.
Cho dù cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp, nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra khá “đều đều”. Trong khi Vĩnh Phúc, Bắc Ninh hay Hải Dương bứt tốc, những hạn chế về hạ tầng và thể chế đã níu chân Thái Nguyên trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, sự có mặt của tập đoàn Samsung với việc khởi công xây dựng tổ hợp tại khu công nghiệp Yên Bình vào tháng 3/2013 đã đem lại cho Thái Nguyên một diện mạo mới. Cho đến nay, không có nhiều thông tin được tiết lộ quanh việc vì sao Samsung lại chọn Thái Nguyên, nhưng có một điều chắc chắn là việc Thái Nguyên kéo được Samsung về đã khiến nhiều tỉnh thành phải “ghen tỵ”.
Cho đến trước khi Samsung vào, Thái Nguyên mất hút trên các bảng xếp hạng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng nay, Samsung thực sự đã tạo điểm nhấn cho Thái Nguyên, ít nhất trên phương diện thống kê.
Năm 2013, cùng với việc cấp phép một loạt dự án lớn nhỏ khác, Thái Nguyên đã thu hút 3.352 triệu USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI trong năm và qua đó trở thành địa phương đứng thứ 17 cả nước về tổng số vốn đăng ký đối với các dự án FDI còn hiệu lực. Giải ngân vốn FDI năm 2013 cũng đứng đầu cả nước.
Chủ tịch Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long thì nói, những kết quả này không đến một cách ngẫu nhiên mà là từ một quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nói nôm na là thay đổi cách nghĩ cách làm, được hiện thực hóa bằng phương châm “ba thân thiện”: thân thiện với các doanh nghiệp; thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường.
Có những câu chuyện đã gây nhiều ấn tượng với các nhà đầu tư vào Thái Nguyên. Chẳng hạn trong công tác giải phóng mặt bằng tại dự án khu công nghiệp Yên Bình ở huyện Phổ Yên. Tại đây, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt một kỷ lục về tiến độ, khi giải phóng trên 120 ha đất chỉ trong 57 ngày đêm để kịp bàn giao cho chủ đầu tư. Nhiều người dân vẫn nhớ hình ảnh ông Dương Ngọc Long, chân đi ủng, đầu đội nón cối xuống tận thôn xã để vận động bà con nhường đất cho dự án quan trọng này.
Giữa kỳ vọng và thử thách
Cho dù Samsung vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà máy, theo đánh giá của VnEconomy, hiệu ứng mà nhà đầu tư này tạo ra là khá rõ ràng, xét trên khía cạnh lan tỏa mà về lý thuyết được gọi là hiệu ứng tràn trong thu hút FDI.
Một điều chắc chắn là ngoài các dự án của Samsung, các dự án phụ trợ cũng sẽ vào Thái Nguyên trong thời gian tới giống như trường hợp Bắc Ninh. Theo nhận định của đại diện Samsung, sẽ có ít nhất vài trăm doanh nghiệp dạng này sẽ vào Thái Nguyên trong thời gian tới.
Lãnh đạo Thái Nguyên thì hy vọng, từ điểm nhấn Samsung, sẽ có làn sóng đầu tư vào Thái Nguyên đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và một nước châu Âu…
Với năm 2014, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 15% và giá trị sản xuất công nghiệp tăng 55%. Theo ông Dương Ngọc Long, mục tiêu này được đề ra căn cứ vào tình hình thực tế năm 2013 và tín hiệu phục hồi kinh tế của năm 2014, đặc biệt là việc đi vào hoạt động của các dự án trọng điểm của tỉnh như nhà máy Samsung, dự án Núi Pháo, nhà máy nhiệt điện An Khánh...
Thậm chí, trong quá trình tính toán, các chuyên gia của Thái Nguyên đã lấy các số liệu về doanh thu và giá trị sản xuất của các nhà máy thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch sản xuất, chẳng hạn với dự án Samsung mới chỉ tính một phần tư kế hoạch sản xuất.
Cũng không loại trừ khả năng, 2014 sẽ là một năm bùng nổ của Thái Nguyên trên phương diện thống kê tăng trưởng.
Năm 2011, trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI), tỉnh Thái Nguyên còn ở tận vị trí 57/63 tỉnh thành. Sang 2012, Thái Nguyên đã lên hạng khá nhanh, xếp ở vị trí thứ 17, một sự khích lệ đáng kể đối với ban lãnh đạo Thái Nguyên hiện nay, cho dù theo ông Dương Ngọc Long, việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI vẫn sẽ là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.
Vẫn theo vị lãnh đạo có xuất thân là cán bộ ngành tài chính này, ngoài việc chủ động tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và nhân dân, UBND tỉnh còn thường xuyên lắng nghe thông tin từ các phương tiện như báo chí, truyền hình, các đơn thư phản ánh về những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ.
Tuy nhiên, cho dù đang ở vị thế của một tỉnh đang “đi lên”, ông Long và các đồng sự có lẽ đã nhận ra, còn vô vàn thử thách đang đợi ở phía trước. Sự kiện “kém vui” mới đây tại chính dự án tổ hợp Samsung là một ví dụ, khi hàng ngàn người dân đã đụng độ với bộ phận bảo vệ của tổ hợp này, dẫn tới việc tỉnh phải ra quyết định khởi tố vụ án.
Dù vậy, khi hai nút thắt chủ yếu của tỉnh là hạ tầng và thể chế đã và đang được cải thiện mạnh mẽ, Thái Nguyên rõ ràng đang đứng trước cơ hội để phát triển “bằng anh bằng chị”, thay vì tiếp tục giữ cho mình hình ảnh của một địa phương ở dạng “tiềm năng” như nhiều năm qua.
Các chỉ số kinh tế của Thái Nguyên trong năm 2013 là khá ấn tượng, theo báo cáo của UBND tỉnh này tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh dịp cuối năm. Cụ thể, năm 2013, thu ngân sách của Thái Nguyên đạt 1.067,45 tỷ đồng, bằng 109,35% kế hoạch. GDP bình quân đầu người đạt 48 triệu/năm, bằng 102,1% chỉ tiêu đề ra.
Trong bối cảnh đa số các địa phương trong cả nước đều gặp khó khăn về thu ngân sách, năm 2013 thu ngân sách của tỉnh vượt mức kế hoạch do Bộ Tài chính và Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra 3.826/3.700 tỷ, vượt 126 tỷ, tương đương 4,7%.
Theo Anh Minh