MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Nhu cầu tuyển dụng 19.000 lao động sau dịp Tết

15-02-2016 - 17:23 PM | Xã hội

Theo ông Trần Công Khanh, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu chế xuất-công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), đến ngày 15/2 (tức mùng 8 Tết Bính Thân), khoảng 85% công nhân trong các khu công nghiệp-khu chế xuất đã trở lại làm việc, bắt đầu thực hiện những đơn hàng đầu tiên của năm mới Bính Thân 2016.

Tại nhà máy đóng chân ở quận 4 của Công ty Dược phẩm Sanofi Aventis, sáng 15/2, 100% công nhân đã trở lại làm việc nghiêm túc, không khí lao động hết sức phấn khởi. Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hong IK Vina (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), không khí lao động đầu năm cũng sôi động không kém.

Ông Huỳnh Tấn Tài, Quản đốc Công ty cho biết ngay ngày làm việc đầu tiên đã có 95% công nhân trở lại làm việc. Số công nhân vắng mặt chủ yếu là công nhân ở các tỉnh phía Bắc nên Công ty tạo điều kiện cho công nhân nghỉ thêm 2-3 ngày.

Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn Hepza cho biết một trong những lý do khiến người lao động trở lại và tiếp tục gắn bó là do doanh nghiệp có chính sách tốt đối với người lao động. Cụ thể là chế độ tiền lương, thưởng trước, trong và sau Tết.

Riêng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, ngoài việc thực hiện tăng lương tối thiểu cho người lao động trung bình từ 350.000 đến 800.000 đồng/người/tháng theo quy định, nhiều doanh nghiệp còn dành tiền thưởng, quà Tết và hỗ trợ vé xe, tổ chức đưa rước công nhân về quê đón Tết với kinh phí lên đến gần 200 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp còn lì xì đầu năm mới, tăng mức thưởng thâm niên, thưởng chuyên cần nên càng thu hút người lao động trở lại.

Với tỷ lệ công nhân trở lại làm việc như vậy, theo dự đoán, mức thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán tại Thành phố Hồ Chí Minh không đáng kể, chỉ khoảng 3-4%. Tuy nhiên, thị trường lao động năm 2016 nhìn chung sẽ có sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề do tác động của hội nhập quốc tế, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập vào cuối tháng 12/2015.

Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thị trường lao động sẽ phát triển và hội nhập; do đó rất cần những nhân lực chất lượng cao có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và đặc biệt là giỏi ngoại ngữ.

Theo ông Trần Anh Tuấn, sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần tuyển 19.000 lao động, trong số đó có 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ.

Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động là marketing, bán hàng, dịch vụ du lịch, nhà hàng-khách sạn, nghiên cứu thị trường, cơ khí, dịch vụ giúp việc gia đình, giao hàng, nhân viên bảo vệ, sữa chữa xây dựng, sửa chữa điện dân dụng-điện lạnh-điện-điện tử.../.

Theo Nguyễn Cúc

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên