MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Trạm thu phí dày đặc, phí tăng không dừng

02-01-2016 - 14:25 PM | Xã hội

“Mạng nhện” trạm thu phí ngày càng ken dày ở khu vực Đông Nam bộ. Không chỉ vậy, nhiều trạm đã tăng giá vé khiến nhà xe ngày càng khốn đốn.

Khi chúng tôi nhắc đến trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Học (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - chủ hai xe tải 1,25 tấn - nói: “Báo chí kêu trạm thu phí mọc lên dày đặc nhưng tôi thấy trung ương, địa phương đua nhau làm trạm thu phí, chỉ có nhà xe chết”.

7km có 2 trạm thu phí

Dân phản ứng

Mới đây nhất, chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư đang cho giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng trạm thu phí tại km105+700 ở thị xã Bình Long, Bình Phước đã vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương.

Một người dân ngụ xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cho hay: “Chúng tôi phản đối vì trạm thu phí này chỉ cách trạm thu phí Tân Khai, cũng nằm trên quốc lộ 13, chỉ khoảng 20km, như vậy là quá dày đặc”.

Tại khu vực TP Biên Hòa - huyện Vĩnh Cửu (ĐT 768) vừa mọc thêm hai trạm thu phí.

Ông Nguyễn Văn Học tính từ nhà ông ra ĐT 768 rẽ vào đường Thiện Tân thẳng ra quốc lộ 1 dài khoảng 7km, nhưng phải đi qua trạm thu phí 3A (ĐT 768, ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) rồi đến trạm thu phí 4A (đường Nhà máy Nước Thiện Tân, P.Tân Hòa, TP Biên Hòa) với giá vé mỗi trạm là 15.000 đồng.

Nếu ông cho xe đi ngược ĐT 768 hướng ra đường Đồng Khởi để ra ngã tư Tân Phong (TP Biên Hòa) phải vượt qua trạm thu phí 3B (ĐT 768, ấp Vàm, xã Thiện Tân) và 2A (đường Đồng Khởi - giữa P.Tân Phong và P.Trảng Dài), trong khi khoảng cách ở hai trạm này cũng trên 10km.

Còn ngược ĐT 768 đi thẳng đến P.Bửu Long (TP Biên Hòa) cũng phải vượt qua hai trạm thu phí 3B và 1A (ĐT 768) với chiều dài khoảng 17km.

Ông Học tính toán với hai xe tải nhẹ chở hàng đi về từ huyện Vĩnh Cửu đến TP Biên Hòa vài chục kilômet, hằng tháng ông phải đóng gần 2 triệu đồng phí qua trạm.

Ông Học nói: “Mỗi năm tôi phải đóng hơn 2 triệu đồng phí bảo trì đường bộ cho một đầu xe, tưởng sẽ giảm các khoản phí khác, ai ngờ nay vừa tăng trạm vừa tăng giá vé. Chính quyền nói hai trạm thu phí phải cách nhau 70km, nhưng ở đây chỉ có 7km đã có tới hai trạm. Bức xúc lắm!”.

Chuyện ở Biên Hòa đã vậy, nhưng khi đi ra quốc lộ để về TP.HCM hoặc các tỉnh lân cận mới hiểu được nỗi khổ của nhà xe và tài xế. Chúng tôi lên một ôtô bốn chỗ của tài xế Phương xuất phát từ xã Hóa An, TP Biên Hòa hướng ra quốc lộ 51.

Đi qua trạm thu phí tỉnh lộ 16 - đường Bùi Hữu Nghĩa trả vé 10.000 đồng, sau đó xe lên trạm thu phí cầu Đồng Nai trả tiếp 15.000 đồng, đến trạm thu phí ở quốc lộ 51 (xã Tam Phước, TP Biên Hòa) trả thêm 20.000 đồng.

“Tôi đi xe bốn chỗ chở khách từ Biên Hòa đi Bà Rịa - Vũng Tàu qua tổng cộng năm trạm thu phí. Đi về tiền vé mất tổng cộng 130.000 đồng” - tài xế Phương nói.

Theo nhiều tài xế ở Đồng Nai, từ tỉnh này đi TP.HCM, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại đều gặp các trạm thu phí bủa vây trên quốc lộ.

Tài xế Nguyễn Văn Dương, thường chở hàng đi thị xã Long Khánh (Đồng Nai), kể: “Bức xúc nhất hiện nay là qua cầu Đồng Nai đã mua vé rồi lại phải trả thêm tại trạm thu phí trên quốc lộ 1 ở huyện Trảng Bom chỉ cách khoảng 20km.

Nếu đi xuống quốc lộ 51 để lên đường cao tốc phải “dính” hai trạm thu phí. Nhà xe, tài xế hiện nay không còn cách nào khác là nghiến răng với... trạm thu phí”.

Cũng theo anh Dương, chất lượng đường hiện nay tạm ổn chỉ ở đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, còn ở quốc lộ 51, quốc lộ 1 đang xuống cấp, đường lún và kẹt xe nhưng phải trả tiền cho quá nhiều trạm.


Một tài xế thắc mắc về mức phí khi qua trạm thu phí cầu Đồng Nai trưa 1-1-2016 - Ảnh: A Lộc

Một tài xế thắc mắc về mức phí khi qua trạm thu phí cầu Đồng Nai trưa 1-1-2016 - Ảnh: A Lộc

Trạm bủa vây, phí tăng

Từ TP.HCM để lên cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) chỉ có con đường thuận tiện nhất là quốc lộ 13. Các loại xe đều phải qua những “cửa ải” là các trạm thu phí Lái Thiêu, Suối Giữa (Bình Dương), Tân Khai (Hớn Quản, Bình Phước).

Với trạm thu phí đang được xây dựng tại Bình Long, Bình Phước thì tuyến quốc lộ 13 lại “oằn mình” gánh thêm một "cửa ải" nữa.

Các chủ xe đi từ một số tỉnh Tây nguyên về TP.HCM kêu trời khi phải đi một con đường duy nhất nhưng có quá nhiều trạm thu phí. Chỉ tính riêng quốc lộ 14 sẽ phải qua sáu trạm thu phí tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước với mức phí của trạm nào cũng cao ngất ngưởng. Chưa hết, khi qua ĐT 741 (nối Bình Phước - Bình Dương) chủ xe còn phải đóng thêm hai trạm thu phí trên tuyến đường này.

Tại Bình Dương, chỉ trong bán kính 30km khu vực thị xã Thuận An - Dĩ An (giáp Đồng Nai và TP.HCM) chúng tôi đếm được năm trạm thu phí. Tuyến đường ĐT 743 (nối TP Thủ Dầu Một, Bình Dương và TP Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ dài hơn 20km nhưng phải “gánh” hai trạm của Bình Dương và hai trạm của Đồng Nai.

Ngoài ra, Bình Dương còn đang triển khai hàng loạt dự án giao thông theo hình thức BOT: đường Mỹ Phước - Tân Vạn (nối Bình Dương và TP.HCM), ba tuyến đường ở Tân Uyên là ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 742 với tổng chiều dài 57km. Như vậy, khi các dự án này được hoàn thành sẽ làm “mạng nhện” trạm thu phí của Bình Dương càng dày hơn.

Trạm thu phí dày đặc ở khu vực Đông Nam bộ - Đồ họa: Vĩ Cường

Tính toán mua lại trạm thu phí

Ông Trần Văn Nam - bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết UBND tỉnh đang tính toán phương án mua lại trạm thu phí hiện hữu trên đường ĐT 743 để có thể gom các dự án BOT, không làm gia tăng trạm thu phí.

Như vậy, một số tuyến đường như Mỹ Phước - Tân Vạn dù theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) nhưng có thể sẽ không xây dựng thêm trạm thu phí.

Ông Nam cho biết Bình Dương xác định mục tiêu lâu dài là vừa có hạ tầng tốt vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, chứ không chỉ chăm chăm mục tiêu thu phí.

TP.HCM cũng mọc thêm trạm thu phí

Theo đề án quy hoạch trạm thu phí, ở TP.HCM sẽ có 13 trạm vào năm 2020 và tăng lên 20 trạm vào năm 2025 so với hiện nay chỉ có 8 trạm. Số trạm thu phí tăng cao đang trở thành nỗi lo của các doanh nghiệp vì chi phí vận chuyển tăng, giá thành sản phẩm tăng.

Ngày 19-8-2015, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT cho phép trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn trên địa bàn huyện Bình Chánh) đặt thêm trạm thu phí phụ để thu phí cho dự án “Cải tạo và mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, thuộc huyện Bình Chánh” được đầu tư theo hình thức BOT.

Công trình dự kiến khởi công năm 2016, hoàn thành sau 24 tháng thi công và hoàn vốn bằng thu phí giao thông. Theo đó, trạm thu phí phụ này sẽ thu phí xe đi trên quốc lộ 1 hướng từ Long An vào đường Kinh Dương Vương hoặc ngược lại. Riêng đối với xe đi trên quốc lộ 1 từ cầu vượt An Sương đến Long An chỉ chịu một lần thu phí.

Tương tự ngày 25-10-2015, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh khởi công dự án xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc huyện Bình Chánh dài 2,7km. Công trình được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 1.557 tỉ đồng, dự kiến sau 20 tháng thi công đưa vào sử dụng sẽ thu phí để hoàn vốn cho dự án.

Như vậy, trước đây từ TP.HCM về miền Tây chỉ có hai trạm thu phí là trạm thu phí BOT An Sương An Lạc (Q.Bình Tân) và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) thì sắp tới sẽ là bốn trạm thu phí trên các tuyến đường huyết mạch. Theo đó, người dân ra cửa ngõ TP về miền Tây hoặc ngược lại đều phải qua ít nhất một trạm thu phí.

N.ẨN

* Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP.HCM):

Đường BOT phải là đường mới mở

Hiện nay, ngân sách nhà nước còn giới hạn trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông đòi hỏi rất lớn. Vì vậy, việc giao các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng những công trình cầu, đường nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông là rất cần thiết.

Do đó, chủ trương của Nhà nước đã thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và thu hồi nguồn vốn bằng phí giao thông cầu đường là đương nhiên. Tuy nhiên, thời gian qua phần lớn công trình đầu tư trên quốc lộ 1 Nhà nước đã chỉ định nhà đầu tư BOT, không thực hiện hình thức đấu thầu nhà đầu tư.

Có thể nói do chỉ định nhà đầu tư BOT dẫn đến cơ chế giám sát chi phí đầu tư gặp khó khăn và việc giám sát thu hồi vốn cũng có nhiều khe hở. Vì vậy, việc tổ chức đấu thầu mới minh bạch hơn trong việc giám sát, kiểm soát chi phí đầu tư, chi phí vận hành và quá trình hoàn vốn của chủ đầu tư.

Điều bất cập là hiện nay các phương tiện giao thông đã nộp phí bảo trì đường bộ, nhưng việc phát sinh nhiều trạm thu phí đang gây bức xúc vì các chủ xe cho rằng họ đã nộp phí đường bộ rồi mà lại nộp thêm phí ở các trạm thu phí BOT.

Về vấn đề trên, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải giải thích cũng đúng vì nhà đầu tư BOT đã xây dựng đường thì phải hoàn vốn bằng thu phí.

Thế nhưng có nhiều công trình xây dựng trên nền đường đã có sẵn của Nhà nước và nhà đầu tư chỉ mở rộng mặt đường, xây thêm những công trình phụ nhưng lại thu phí trên toàn bộ tuyến đường đó. Điều này là sự không công bằng cho người đi đường. Đúng ra đường được đầu tư BOT phải là đường mới hoàn toàn sẽ không gây thắc mắc cho nhà xe.

* Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Không chấp nhận các trạm quá gần

Các doanh nghiệp vận tải sẵn sàng trả tiền cho cầu, đường mới xây dựng tạo thuận lợi cho xe vận chuyển hàng hóa lưu thông. Đây là sự sòng phẳng vì đi đường phải trả tiền và tất cả đều được tính vào giá thành sản phẩm.

Thế nhưng quá dày trạm thu phí trên một tuyến đường thì gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần phải xem xét lại việc bố trí trạm thu phí sao cho hợp lý và sức chịu đựng của người dân.

Mặt khác, doanh nghiệp vận tải đã trả phí thì các cơ quan chức năng sẽ bảo vệ cầu đường phải nghiêm túc.

Bởi vì hiện nay tình trạng xe quá tải ở TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh lân cận vẫn tiếp tục hoạt động, trong khi đường sá xuống cấp lại lấy tiền của dân ra sửa đường.

Không thể chấp nhận 20 - 30km có một trạm thu phí vì gây phiền phức, ảnh hưởng thời gian và giá thành vận tải.

NGỌC ẨN ghi

 

 

 

Theo Hà Mi - Bá Sơn - A Lộc

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên