MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trốn đóng bảo hiểm cho nhân viên, có thể tù 7 năm

11-05-2015 - 08:43 AM | Xã hội

Phi tội phạm hóa hai tội danh, song cũng tội phạm hóa 8 loại hành vi, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội có nhiều sửa đổi, bổ sung đáng chú ý ở nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Là một trong 14 nhóm tội phạm tại dự thảo luật, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định trong 40 điều, chỉ đứng sau quy định về nhóm các tội xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng về dung lượng.

Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, theo tờ trình, là nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, hai tội danh ở luật hiện hành được đề xuất phi tội phạm hóa là các tội kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Tội phạm hóa 8 loại hành vi

8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế được tội phạm hóa bao gồm: vi phạm quy định về sử dụng điện; làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm ; gian lận bảo hiểm xã hội; gian lận bảo hiểm y tế; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Khi tham gia ý kiến, Bộ Y tế đề nghị tách tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thành hai tội danh độc lập. Song, theo cơ quan chủ trì soạn thảo thì cả hai loại bảo hiểm nói trên đều là lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc mà doanh nghiệp, tổ chức buộc phải đóng cho người lao động, nên cùng được quy định tại một tội danh.

Hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến 7 năm tù và phạt tiền từ 5 đến 7 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp pháp nhân phạm tội thì mức phạt có thể cao gấp 10 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội.

Điểm mới nữa được Chính phủ nhấn mạnh là “đặc biệt” là dự thảo bộ luật đã bổ sung một tội danh liên quan đến vấn đề cạnh tranh nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển ổn định.

Bộ Tư pháp cho biết, tội danh này được bổ sung trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương.

Theo lập luận của Bộ Công Thương, cạnh tranh là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường nên bảo vệ cạnh tranh là hết sức cần thiết làm tiền đề cho sự phát triển của kinh tế của đất nước. Trong thực tiễn xử lý bằng các chế tài hình sự đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm cạnh tranh từ lâu đã được nhiều nước áp dụng và hiện đang trở thành một xu thế chung trên thế giới.

Ý kiến đề nghị mở rộng chủ thể của tội này đối với đối tượng là cá nhân vì cá nhân có thể thực hiện được hành vi phạm tội này cũng được cho là hợp lý và đã được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật.

Theo quy định tại dự thảo luật, người nào vi phạm các quy định về cạnh tranh, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10% đến 30% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi phạm tội của từng người là các bên của thỏa thuận hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội từ 2 lần trở lên; dùng thủ đoạn xảo quyệt; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 30% đến 50% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi phạm tội của mỗi bên là các bên của thỏa thuận hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Đề nghị tăng mức răn đe tội cho vay lãi nặng

Bên cạnh các nội dung trên, báo cáo tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo còn đề cập đến tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Cụ thể, UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng điều 205 dự thảo luật quy định hành vi cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất do Bộ luật Dân sự quy định từ 5 lần trở lên… thì bị coi là phạm tội.

Như vậy, quy định về số lần vượt quá mức lãi suất do Bộ luật Dân sự quy định là quá cao, dẫn đến quy định này không đủ tính răn đe. Trong khi đó, với mức lãi suất cho vay cao từ 2 đến 4 lần đã gây ra nhiều bất lợi cho người vay nhưng lại không bị xử lý hình sự.

Ý kiến này đề nghị quy định theo hướng nếu việc cho vay với lãi suất cao hơn từ 3 lần trở lên so với quy định lãi suất được quy định tại Bộ luật Dân sự hoặc dưới 3 lần mà sử dụng thủ đoạn nguy hiểm, hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn tái phạm thì xử lý hình sự, Bộ Tư pháp phản ánh.

>>>Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Luật sư phân tích “thiệt, hơn”

Theo Nguyễn Lê

PV

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên