MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Xét xử Dương Chí Dũng: Chưa thể tuyên án theo kế hoạch, quay lại xét hỏi

25-04-2014 - 14:52 PM | Xã hội

Không như kế hoạch tuyên án, lúc 14g5 phút chiều 25-4, HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bất ngờ tuyên bố quay lại phần xét hỏi đối với vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng phạm tại Vinalines.

Hội đồng xét xử (HĐXX)do thẩm phán Nguyễn Văn Sơn (thẩm phán tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, chủ tọa phiên tòa) cùng 2 thẩm phán Nguyễn Đức Nhuần và Phạm Thị Minh Thu.

Theo HĐXX, do xét thấy còn một số vấn đề cần thiết phải tiếp tục làm rõ nêntòa phảiquay trở lại phần xét hỏi. HĐXX đang thẩm vấn Dương Chí Dũng.

HĐXX hỏi bị cáo Dương Chí Dũng có biết việc có ụ nổi 83M của Nakhodka bán trước khi lập đoàn khảo sát hay không?

Dương Chí Dũng cho biết đoàn khảo sát được lập khi HĐQT yêu cầu và do Trần Hữu Chiều dẫn đầu. Việc có ụ nổi 83M này Dương Chí Dũng khai không biết vì trước đó TGĐ Trần Hữu Phúc có báo cáo và Ban quản lý dự án trình với Mai Văn Phúc về việc có ụ nổi này.

Tòa cũng xét hỏi Dương Chí Dũng về thời gian ngụ tại khách sạn ở TP.HCM (thời điểm mà Trần Hải Sơn khai đã đưa tiền cho Dũng).

Tòa cũng gọi bị cáo Trần Hải Sơn để hỏi lại: "Tiền bị cáo đưa cho Dũng có nhớ chính xác ngày, từng lần không?". Sơn đáp không nhớ được, có những tình tiết chỉ nhớ trong khoảng khoảng... Lần đưa tiền cho Dương Chí Dũng ở Khách sạn Victory thì Sơn có điện trước nhưng không nhớ rõ thời gian.

Trần Hải Sơn khai nhiều lần rút tiền để giao cho Dương Chí Dũng nhưng khi tòa hỏi những lần đó ai làm thủ tục chuyển tiền ra ngoài này thì bị cáo Sơn lại nói không nhớ vì trong gia đình rất nhiều giao dịch nên không nhớ.

Tại Cơ quan điều tra,bị cáo Sơn khai lần đưa 5 tỉ là do Việt chuẩn bị 2 tỉ, bị cáo rút tại ngân hàng Hàng Hải (MSB) 2 tỉ. Tòa hỏi bị cáo Sơn cógiữ chứng từ gì không? Bị cáo đáp không nhớ nhưng khẳng định đó là sự thực.

Trần Hải Sơn cũng khẳng định chỉ đến nhà Mai Văn Phúc ở làng quốc tế Thăng Long để đưa tiền chứ không đến chơi.

Sơn khai có mở tài khoản ở MSB nhưng một số lần bị cáo rút nhưng không nhớ được, bị cáo cũng không nhớ lúc rút tiền đưa cho Phúc thì đã có tài khoản ở ngân hàng hay chưa.

Mai Văn Phúc: biết ụ cũ nát, nhưng không mua sợ họ bán cho người khác!

Trả lời HĐXX, nguyên tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc cho biết lúc ông Gor (đại diện công ty Nga bán ụ nổi) mới đến VN và gặp công ty để chào hàng thì bị cáo có tiếp, có cả Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và một số cán bộ khác.

Tòa hỏi có thỏa thuận nào về thời điểm giao nhận như tháng 10-2007 thì 9,5 triệu USD mà tháng 4-2008 là 10,5 triệu USD không? Phúc đáp cái đó bị cáo không được biết, hoàn toàn không có thỏa thuận mà chỉ là báo cáo của Chiều với Sơn.

"Đầu tiên là 13 triệu thì bị cáo nói cũ nát thế phải ép nó xuống. Lúc họ chào 10,2 triệu thì bị cáo vẫn nói là phải ép xuống. Về sau các cơ quan tham mưu, BQL dự án trình lên thôi. Còn tại sao có cái giá 9 triệu là vì các anh ấy nói nếu không chấp nhận cái giá 9 triệu này thì họ sẽ bán cho người khác", Mai Văn Phúc khai.

Bị cáo Phúc khai chỉ thông qua Chiều và Sơn chứ không có thư từ trao đổi gì với ông Gor cả. Khoản thanh toán 8,1 triệu USD bị cáo hoàn toàn không biết vì sao tách ra làm 3 hoá đơn. Bị cáo cũng có thắc mắc tại sao 1 hợp đồng lại tách làm 3 hoá đơn nhưng bị cáo hoàn toàn không biết gì. Chỉ đến khi bị bắt mới nhìn thấy 3 hoá đơn ấy.

Tòa cũng tiến hành thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) về việc nhập ụ nổi 83M và nhận 340 triệu đồng từ Trần Hải Sơn.

Bị cáo Chiều xin HĐXX xem xét lại tội tham ô của bị cáo (nhận 340 triệu đồng). Theo bị cáo Chiều, trước đó bị cáo có hỏi vay Trần Hải Sơn 1 tỉ đồng để chữa bệnh và xây nhà chứ không phải cho con đi học nước ngoài. Thực tế Sơn có cho vay hơn 1 tỉ đồng. Lúc bị cáo ra Hà Nội, Sơn cóđưa và nói "em về TP.HCM em sẽ đưa nốt".

Theo Chiều, sau khi nhận đủ 1 tỉ thì sau đó được đưa thêm 340 triệu đồng. Có lần nào nhận 20.000 USD không? Chiều đáp không.

Tòa hỏi: "Lúc nhận 340 triệu đồng bị cáo không biết là tiền từ 1,66 triệu USD? (số tiền "lại quả" của đối tác Nga trong vụ bán được ụ nổi hư hỏng cho Vinalines)

Trần Hữu Chiều: "bị cáo có nghe nói là tiền bồi dưỡng. Bị cáo có hỏi có dính dáng gì đến ụ nổi không, Sơn nói bác cứ yên tâm, không có gì, nên bị cáo nhận"

Tòa: Bị cáo chỉ nhận 340 triệu đồng mà không làm gì? Trần Hữu Chiều nói: "Chính thế bị cáo mới hỏi lại là có dính đến ụ nổi không? Bị cáo không biết số tiền trên từ vụ ụ nổi nênsau đó bị cáo đã đã nộp trả lại cho Cơ quan điều tra". Trần Hữu Chiều cho rằng bị cáo chỉ vô tình mắc vào tội tham ô,đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự về tội tham ô cho bị cáo.

HĐXX tiếp tục đặt nhiều câu hỏi làm rõ việc nhận 10 tỉ đồng từ Trần Hải Sơn của bị cáo Dương Chí Dũng.

Bị cáo Dũng khai: "Từ hôm xét xử đến nay, tòa nhiều lần hỏi lại việc bị cáo khaiđangở khách sạn thì Sơn đến đưa 1 valy đựng rượu. Cái này thì chính bị cáo chủ động khai với cơ quan điều tra là có 1 lần ở Sheraton thì Sơn điện thoại xin gặp cùng. Bị cáo đang ngồi cùng bạn thì sau đó Sơn đến và lên phòng. Sơn có nói em gửi anh mấy chai rượu tiếp khách. Sau đó Sơn để túi kéo có bánh xe lại".

Theo Dương Chí Dũng, bị cáo nhận mà không mở ra xem bên trong có gì. "Lúc ra đến sân bay, bị cáo mở ra mới biết là có mấy chai rượu. Biết là rượu Ballatines, bị cáo cũng không đếm số chai. Mang về nhà rồi thì bị cáo cũng lại cầm đi mang biếu. Bị cáo khẳng định lại không phải valy mà là cái túi kéo", Dương Chí Dũng nói.

Trần Hải Sơn: bản tuyên thệ của ông Gor không đúng!

Được tòa hỏi có ý kiến gì về nội dung bản tuyên thệ của ông Gor (người của công ty Nga bánụ nổi, tuyên thệ không có chuyện "lại quả" 1,6 triệu USD cho người Vinalines trong vụ mua ụ nổi), bị cáo Trần Hải Sơn nói: "Ông Gor làm cái tuyên thệ đó khi phiên toà sơ thẩm đã xảy ra, đã có nội dung vụ án. Ông Gor đã biết việc đó, chắc chắn bản tuyên thệ không đúng với những sự thực xảy ra".

Theo Sơn, mục đíchông Gor viết bản tuyên thệ trên làgì thì "bị cáo cũng suy nghĩ". Theo Trần Hải Sơn, có một việc rất quan trọng bị cáo đề cập liên quan đến việc chuyển tiền theo những chứng từ. Chắc chắn nếu không có việc chuyển tiền thì công ty Phú Hà không thể có chứng từ đó.

Tòa hỏi lí do vì sao nhận tiền về công ty Phú Hà mà 5-6 tháng sau mới chuyển tiền cho Dũng, Phúc? Trần Hải Sơn đáp thực ra thì có mỗi khoản 2,5 tỉ của anh Phúc là lâu chứ còn lại thường là sau thời gian vài tuần là chuyển.Có thời gian bị cáo đi sang Nga rồi về đón ụ ở Nha Trang, sửa chữa lâu rồi lai dắt về Vũng Tàu, Trần Hữu Chiều giao nên bị cáo phải theo cái việc đó.

Tòa hỏi có việc Sơn nói với Huyền (em gái Sơn) tìm mua 1 cái nhà 4 tầng đẹp cho Dương Chí Dũng không? Khi nói Huyền chuẩn bị tiền để đưa cho Dũng thì có nói chuyện đó hay không?

Trần Hải Sơn trả lời: "Tiền là bị cáo chỉ nói là phải có 1 khoản đưa cho anh Dũng. Cái tiền là yêu cầu của bị cáo còn nhà có lẽ em gái bị cáo hiểu sang cái ý khác đi. Bị cáo chỉ bảo sẽ có 1 khoản chuyển cho các bác tương đương số tiền như vậy. Sau này bị cáo gọi điện yêu cầu Huyền chuyển thì nói bằng tiền chứ không nói mua nhà hay tìm nhà. Trước đó chỉ có trao đổi anh em là đợt này sẽ chuẩn bị 1 khoản như thế".

Trần Hải Sơn tái khẳng địnhtrước tòa đúng là 2 lầnđưa tiềncho Mai VănPhúc ở Làng Quốc tế Thăng Long

Nếu bán sắt vụn, ụ nổi thu 49 tỉ?

Tại phiên xét hỏi bổ sung này, đại diện Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines cho biết có 1 báo cáo gửi Bộ GTVT (tháng 4-2013) về phương án bán thanh lý ụ nổi 83M. Đại diện Vinalines cho rằng giá tham khảo hiện tại nếu mua 1 ụ tương đương ụ 83M về kích thước, năm đóng, ụ vẫn hoạt động thì giá ụ chỉ 4,2 triệu USD (69,6 tỉ đồng).

Tòa hỏi đại diện Vinalines rằng có phải theo phương án, nếu thanh lý ụ 83M, bán sắt thép tàu biển thì có thể thu 49 tỉ (đã trừ tiền công phá dỡ)? Đại diện Vinalines đáp: "Ụ này đã sửa chữa rất nhiều tiền, không thể tính với giá sắt vụn được. Nếu được phép cấp trên cho bán thì sẽ thuê thẩm định giá để đưa ra giá cụ thể. Còn đây là phương án tham khảo. Sắt vụn giá 70.000 đồng/kg".


Dương Chí Dũng đang phải tiếp tục trả lời thẩm vấn của HĐXX
- Ảnh: M.Quang

Tại phiên tòa phúc thẩm, Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT tổng công tyHàng hải Việt Nam -Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) kêu oan về tội tham ô, cho rằng các bị cáo không tham ô, chia chác số tiền "lại quả" hơn 1,6 triệu USD từ việc mua ụ nổi hư hỏng, gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước.

7 bị cáo còn lại nguyên là các lãnh đạo, cán bộ tại Vinalines và nhóm cán bộ hải quan có liên quan việc nhập khẩu ụ nổi hư hỏng này kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tranh luận hôm qua 24-4, đại diện VKSND Tối cao đã đề nghị bác kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, sửa án đối với một số vấn đề khác.


Tổng cộng 9 bị cáo có kháng cáo phúc thẩm gồm:

1. Dương Chí Dũng (57 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT)

2. Mai Văn Phúc (57 tuổi, nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT)

3. Trần Hải Sơn (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines)

4. Trần Hữu Chiều (62 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines)

5. Mai Văn Khang (56 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines)

6. Lê Văn Dương (44 tuổi, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)

7. Huỳnh Hữu Đức (49 tuổi, nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa)

8. Lê Văn Lừng (55 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa)

9. Lê Ngọc Triện (50 tuổi, nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa).


Theo Minh Quang

hangnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên