Trung Quốc, Lào xả nước: Phải chủ động, không phụ thuộc nhiều
Dù đã chuẩn bị chu tất việc đón nước xả từ Lào, Trung Quốc nhưng nhiều tỉnh vẫn luôn chủ động cân đối và san sẻ nước cho các tỉnh hạ nguồn.
- 25-03-2016Lào xả nước đập thủy điện giúp Việt Nam xử lý hạn mặn
- 24-03-2016Trung Quốc xả nước, hạn mặn vẫn không được cải thiện
- 21-03-2016Trung Quốc thông báo kế hoạch xả nước trên sông Mekong
Theo nguồn tin từ Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự kiến trong hôm nay (3/4), một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể đón nguồn nước xả từ các hồ thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc và Lào để chống hạn và ngăn mặn xâm nhập.
Xả nước thì tốt nhưng vẫn phải... tự lo là chính
Trước thông tin này, trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - ông Trần Hoàng Bá nhận định: "Tại Tiền Giang, việc đo mặn là xuyên suốt 24/24, nếu mặn nhiễm xuống là chúng tôi lập tức bắt tay vào xử lí chứ đâu có chờ trên kia (thượng nguồn sông Mê Công) xả nước xuống thì mình mới làm. Còn có nước thì mình mở cống lấy vào, mọi thứ luôn sẵn sàng như vậy".
Theo ông Bá, công việc này được tiến hành từ khi xuất hiện các dấu hiệu, Sở đã trữ nước từ tháng 1, thường xuyên cho kiểm tra nồng độ nhiễm mặn, chỗ nào bị ảnh hưởng thì lập tức thông báo cho người dân dẫn nước ngọt vào luôn.
"Chúng tôi đã có thông báo tới xã để xã thông báo cho dân chuẩn bị việc lấy nước vào mương, còn vùng nào nước ngọt thì thôi không phải trữ nước. Ngày mai triều cường, đương nhiên họ xả nước ngọt thì mình lấy vào", ông Bá cho hay.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho rằng: Sở đã liên hệ với trạm khí tượng thủy văn để có thông tin cụ thể về tình hình mực nước, đồng thời thông báo cho người dân để chuẩn bị bơm nước vào ruộng, trữ nước cho vụ hè thu. Cây lúa vừa sạ xuống thì vẫn cần nước để tưới nên người dân phải lựa tránh nước mặn xả vào ruộng ảnh hưởng đến năng xuất.
Theo ông Thư: "Hiện nay họ xả vẫn còn ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ gọi là giúp một tí cho mình bớt nguy hại chứ lưu lượng dòng chảy đổ vào Mê Kông hạ không thể giải quyết nhiều".
"Năm nay tỉnh không bị hạn nặng và người dân luôn áp dụng biện pháp "một phải, năm giảm", trong thời kỳ cần nước thì mình tưới còn không thì chỉ giữ ẩm để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả", ông đánh giá.
Đồng quan điểm về việc chủ động trong mọi công tác sản xuất nông nghiệp với Tiền Giang, vị lãnh đạo An Giang cũng khẳng định, ở góc độ nào đó về mặt chuyên môn, lâu nay Sở Nông nghiệp vẫn luôn thông báo cho người dân trên tinh thần tự lo là chính.
"Mình vẫn chủ động về vấn đề nguồn nước tưới cho nông nghiệp và hướng dẫn cho bà con các tưới lên lúa và áp dụng các biện pháp khoa học để giảm sự thoát nước trên tinh thần mình chủ động, còn mình cũng không kỳ vọng vào chuyện nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc xả về.
Đó là đã xác định ngày từ đầu, mục tiêu là như vậy, còn khi nó đã xả về thì nó tốt hơn thôi, mình tranh thủ chứ không phải lâu nay mình ngồi đợi. Việc xả nước chỉ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chứ không phải nó đẩy lùi được mặn", ông Thư bày tỏ quan điểm.
Ông Thư bày tỏ sự khả quan trong việc sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia thì lượng nước sẽ tăng lên kéo dài, duy trì ổn định cho đến cuối tháng 4. Tùy theo tình hình cụ thể, nếu đến cuối tháng 4 mà có mưa ở thượng nguồn thì lượng nước sẽ đủ và không tốn tiền bơm.
"Phần" nước cho các tỉnh hạ nguồn
Ông Thư dự đoán về đợt xả nước này: "Lượng nước về sẽ vừa phải thôi, vì vậy mình bơm lên nó quá yêu cầu cây lúa thì nó cũng lãng phí. Còn chuyện mình trữ lại để mình dùng thì theo tôi không có phương án đó và cũng sẽ không nên lên phương án này".
Vị Giám đốc Sở cho rằng: "Ngoài An Giang cần thì Kiên Giang cũng cần nữa nên mình phải có tính toán để chia sẻ cho các tỉnh phía dưới. Chính xác thì hiện nay lượng nước như thế nào thì mình vẫn đang cho các trạm thủy văn để tính toán. Tất cả các trạm bơm tại tỉnh đã bố trí đầy đủ từ trước đây rồi, không cần tăng cường thêm".
Lúa bị nhiễm mặn tại ấp Tây Sơn 3, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). (Ảnh: Trọng Đạt)
Tuy nhiên, ông Thư nhận định: "Chỉ có một điều rằng, giữa An Giang và Kiên Giang phải có một sự thống nhất với nhau, các tỉnh ở thượng nguồn phải trao đổi với các tỉnh ở hạ nguồn, chứ ở thượng nguồn bơm nhiều, ở các tỉnh dưới không còn nước ngọt là nguy to. Phải thống nhất để có một sự san sẻ. Việc trữ nước nên thực hiện ở hạ nguồn tránh việc không có đập ngăn mặn tạm thì nó sẽ ra biển luôn, đó là một sự lãng phí".
Trước ý kiến về việc liên kết, thống nhất việc chia sẻ khó khăn trong việc sử dụng nước ngọt trong đợt xả nước, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNN Kiên Giang đánh giá: "Đối với Kiên Giang thì nước sẽ chỉ lên được một tấc (10cm) chứ chưa lên cao. Về tới kiên Giang thì lượng nước rất là ít, điều này đã được Chi cục thủy lợi cũng mới báo cáo.
An Giang và Kiên Giang cũng đã có sự trao đổi rồi, lượng nước cũng không có nhiều nên để xem một vài ngày tới tình hình cụ thể ra sao".
Đứng trước khó khăn trong việc hạn hán, ông Tâm cho rằng với những nơi đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho vụ hè thu thì tỉnh đã cho gieo sạ, còn ở những vùng không đảm bảo được nguồn nước thì kiên quyết là không xuống giống.
"Dự đoán lượng nước cũng ít, hiện tại chưa có gì khả quan lắm", ông Tâm nói thêm.
Đợt này chưa qua đã phải lo cho đợt hạn sau
Công tác chuẩn bị, thực hiện mặc dù đã hoàn tất nhưng nhiều tỉnh cũng đã vấp phải những khó khăn, lo ngại nảy sinh. Theo bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cần Thơ cho biết, tỉnh đã phát hành văn bản, tuyên truyền, vận động người dân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương để có điều kiện trữ nước ngọt, khi cần thì tiến hành bơm trữ nước thêm.
Hạn hán, nhiễm mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Zing
Bà Kiều cũng cho biết, bên cạnh tích trữ nguồn nước, hiện nay tỉnh cũng đã có chuẩn bị về giống lúa được 90% để cấy cho vụ hè thu, các dụng cụ bơm mình cũng đã sẵn khi cần thiết sẽ bơm luôn tới ruộng.
"Vừa rồi, Tỉnh ủy cũng đã ban hành chỉ thị, vận động trong hệ thống chính trị cùng tham gia luôn bởi vì thấy tình hình này cũng hơi bị căng. Cả trăm năm nay mới gặp phải khó khăn này nên thành ra mình chủ quan. Tại một số địa điểm trên Cần Thơ cũng ghi nhận độ nhiễm mặn trên dưới 2 phần nghìn nên cũng khuyến cáo người dân khẩn trương tiến hành", bà Kiều nhận định.
Nói về khó khăn trong công tác chuẩn bị và thực hiện, Phó chủ tịch Sở cho rằng: "Về cơ bản máy móc đã chuẩn bị nhưng thực sự ra mà nói người dân không đủ phương tiện lắm nên nhiều khi mình cũng sợ khi cần thiết bơm đồng loạt thì cũng hơi khó là một, thứ hai là mình cũng phải thuê mướn phương tiện rồi chi phí bơm tưới tăng cao".
Theo bà, hàng năm, bà con đợi nước lớn sẽ xả nước vào ruộng, còn bây giờ thì phải bơm nước vào thành ra chi phí tăng, cộng với việc nắng nóng, nước vào ruộng nhanh khô hạn nên số lượng bơm tưới cũng kéo lên. "Bởi vậy, ngoài vấn đề làm thủy lợi ra tôi cũng đề nghị chi phí hỗ trợ xăng dầu để người dân giảm bớt thiệt hại", bà Kiều chia sẻ.
Vị Phó giám đốc Sở cũng canh cánh một điều: "Tỉnh cũng đang mong việc xả nước nhưng sau này thì mình không biết làm sao, vì do quan hệ quốc tế giữa hai nước. Đợt này có thể là xả nhưng đợt sau thì cũng không biết. Ví dụ như đợt hạn kéo dài đến cuối tháng 6, mưa muộn thì mình cũng hơi lo."
Còn tại Bến Tre, công tác chuẩn bị cho đợt xả nước từ Lào và Trung Quốc cũng đã được chuẩn bị chu tất. Theo ông Cao Văn Viết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Bến Tre, thông tin này đã được thông báo tới tất cả các nhà máy nước, Công ty một thành viên cấp, thoát nước và Công ty Công trình thủy lợi, người dân địa phương để chuẩn bị cho công tác trữ nước ngọt.
Chia sẻ thêm, ông Viết cho rằng, công việc đầu tiên sẽ tiến hành rửa đất nhiễm mặn, lấy nước vào rồi xả ra để giảm độ mặn cho đất. "Thời gian nước về liên tục chứ đâu phải một, hai ngày nên kế hoạch của mình là lấy cái mặn ở trong nội đồng ra," ông Viết nhận định.
"Hiện nay, đất có mặn nhưng không phải mình không xử lí được. Về cơ bản, tỉnh cũng lên kế hoạch tích trữ nước đầy đủ, mình chỉ sợ rằng họ chỉ xả một thời gian rồi đóng lại trong khi trời còn chưa mưa, các đập khác không tiếp tục xả thì đồng sẽ lại tiếp tục mặn trở lại", ông Viết cũng bày tỏ sự lo ngại.
Phụ nữ TPHCM