Trung tâm Hành chính Đà Nẵng: 4 câu hỏi lớn
Đà Nẵng sắp tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng tòa nhà Trung tâm hành chính (TTHC), là nơi quy tụ các cơ quan cấp sở địa phương về 1 đầu mối để “dễ quản lý và tiết kiệm nhiều mặt”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến ngờ vực về hiệu quả và công năng của tòa nhà vẫn được người dân đặt ra. Trong đó có 4 câu hỏi lớn rất cần chính quyền địa phương giải đáp rõ ràng.
Theo văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, đến nay công tác chuẩn bị hoàn thành tòa nhà TTHC địa phương đã vào giai đoạn cuối. Các tổ chức sở ngành được định hướng chuyển dời vào tòa nhà đã tiếp nhận mặt bằng và triển khai các công tác di chuyển cần thiết.
Chủ trương cần thiết
Không phải đến lúc này vấn đề hoạt động, khai thác tòa nhà TTHC mới được Đà Nẵng đặt ra. Ngay từ khi ý tưởng về dự án này được đề cập, lãnh đạo địa phương đã nhiều lần trao đổi, thông tin với dư luận, rằng đây là chủ trương lớn cần thiết, nhằm mang lại hiệu quả điều hành tốt hơn cho địa phương.
Cụ thể như phần kinh phí đầu tư dự án, được xác định sẽ thu lại từ các nguồn tiền bán đấu giá các trụ sở, văn phòng cấp sở…
Việc tập trung các cấp sở này vào một chỗ cũng hứa hẹn công tác điều hành hoạt động nhất quán hơn, tránh những tình trạng chậm trễ từ các sở ngành khi ở cách xa nhau.
Người dân đến làm việc với chính quyền và các sở ngành cũng đỡ phải đi lại nhiều lần ở nhiều nơi…
Hơn nữa, chính quyền khẳng định việc đầu tư tòa nhà TTHC Đà Nẵng gắn liền với khả năng ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ và khoa học về mặt quản lý công năng, bảo đảm các yêu cầu quản trị hạ tầng, hệ thống phương tiện thiết bị hỗ trợ, vận hành… ở mức cao nhất.
Đặc biệt hệ thống thông minh về quản lý cơ sở dữ liệu, điều hành chung tòa nhà, phân cấp xuống các sở ngành theo tầng làm việc sẽ sử dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến thế giới, giúp cho công tác giám sát hoạt động ở mức cao nhất.
Chính quyền Đà Nẵng đánh giá cao chủ trương triển khai tòa nhà TTHC.
Quy trình làm việc tại tòa nhà của các sở ngành sẽ có tính nhất quán cao hơn và chính quyền địa phương có thể kiểm tra, phát hiện ngay những điểm bất cập, vướng mắc trong tiến độ xử lý hành chính ở các bộ phận tham mưu, giúp việc...
Bốn câu hỏi mở
Tuy nhiên, mới đây trên một số diễn đàn mạng, và dư luận báo chí, xuất hiện các câu hỏi về thực chất động thái đầu tư tòa nhà TTHC Đà Nẵng và chủ trương di chuyển các cơ quan đầu não địa phương vào một khuôn viên có chiều cao như thế để làm gì.
Có người phân tích, hình ảnh tòa nhà tháp cao thường gắn với ý nghĩa kinh doanh, biểu tượng thương mại làm ăn dạng tập đoàn, doanh nghiệp, khác bối cảnh thường thấy ở các cơ quan công quyền có chức năng phục vụ là chính, thường thấp tầng và khuôn viên rộng rãi. Vậy tòa nhà TTHC Đà Nẵng là nâng cao giá trị phục vụ công ích hay thể hiện dáng dấp… kinh doanh ?
Tổng hợp các ý kiến dạng này, có thể thấy chính quyền Đà Nẵng cần giải mã 4 câu hỏi lớn, mới có thể minh bạch hóa chủ trương tưởng chừng đã nhất quán triệt để.
Liệu công tác vận hành tòa nhà TTHC Đà Nẵng sẽ có hiệu quả cao ?
Thứ nhất, việc tập trung các sở ngành về một đầu mối địa điểm như vậy, có thật sự sẽ khiến cho tiến độ giải quyết các công việc tốt hơn ?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lâu nay việc tiếp cận các cơ quan công quyền không dễ dàng gì, mỗi lần đi đến mỗi sở ngành là một lần vất vả.
Vậy sắp đến, khi người dân và doanh nghiệp đến tòa nhà TTHC, họ phải đối mặt thêm một lớp “cán bộ bảo vệ” đòi hỏi giấy tờ, giải thích lý do… thêm phiền hà.
Liệu thành phố Đà Nẵng có đoan chắc không để xảy ra tình trạng hạch sách phiền hà như vậy ở tòa nhà này hay không ?
Thứ hai, với tòa nhà dạng tháp cao, việc điều hành xử lý các công việc, nhất là với lượng nhu cầu giao dịch, trao đổi với người dân và doanh nghiệp rất lớn, sẽ khiến có nhiều vấn đề nảy sinh.
Vậy chi phí vận hành tòa nhà có tiết kiệm hơn so với việc khoán chi phí vào các sở ngành như trước đây ? Có người dự báo mức chi phí này sẽ khoảng 15% so với giá trị tòa nhà (1.900 tỷ đồng), thật sự là con số hợp lý trên tinh thần tiết giản cao nhất ?
Người dân và doanh nghiệp sẽ bớt bị phiền hà với TTHC Đà Nẵng mới ?
Thứ ba, tòa nhà cao tầng sẽ đòi hỏi công tác bảo mật, an ninh, phòng chống cháy nổ, xâm nhập… và cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm trong và ngoài tòa nhà phải được kiểm soát 1 cách chặt chẽ và khoa học hơn. Chính quyền địa phương cùng các nhà tư vấn đã tiên liệu được tất cả những tình huống ?
Đơn cử nếu có cháy nổ, với phạm vi đường sá trong khu vực Trần Phú – Quang Trung không mấy rộng rãi, có đến mấy tòa nhà cao tầng nằm cạnh nhau, thì lượng người di chuyển ra sẽ giữ được trật tự và không nảy sinh những vấn nạn bất ngờ ?
Thứ tư, chủ trương gom các sở ngành về một đầu mối của Đà Nẵng gắn liền với hoạch định bán đấu giá tất cả các văn phòng, trụ sở liên quan. Vậy tiến độ và quy trình xử lý các văn phòng trụ sở bán đấu giá này, để thu về cho ngân sách có thật sự đạt hiệu quả tích cực không ?
Nhiều người dân còn ngờ vực những vướng mắc lâu nay ở Đà Nẵng, như vụ thanh tra đất đai trị giá đến 3.400 tỷ đồng, liệu chính quyền địa phương sẽ minh bạch hóa các nguồn tài chính thu được ra sao, bảo đảm công chính và nghiêm túc ?
Việc bán các trụ sở ngành quản lý ở Đà Nẵng sẽ được đảm bảo giám sát hiệu quả ?
Nhiều người cho rằng, việc suy xét lại quyết định đã thành hiện thực, là điều chớ nên. Nếu cần góp ý với chính quyền Đà Nẵng, tại sao các nhà chuyên môn không đề cập từ trước, để thành phố điều chỉnh từ đầu?
Song rõ ràng, đến lúc này, khi tòa nhà TTHC Đà Nẵng đã đi vào khánh thành, thì ngờ vực từ dư luận phát sinh cũng là khó tránh khỏi. Các ý kiến đánh giá mãi đến lúc này mới thực sự đặt ra cho chính quyền Đà Nẵng, và phải chăng địa phương cần rạch ròi trả lời các câu hỏi ấy để yên lòng cộng đồng xã hội ?
>>>Cận cảnh trung tâm hành chính 1.400 tỷ của Bình Dương
Theo Nguyên Đức